Những dấu ấn đổi mới trong hoạt động của Quốc hội

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng, phiên khai mạc Kỳ họp thứ nhất...

Kinhtedothi - Sau Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng, phiên khai mạc Kỳ họp thứ nhất Quốc hội Khóa VIII diễn ra vào ngày 17/6/1987. Đây là kỳ họp đánh dấu đậm nét nhất cho không khí đổi mới trong hoạt động của Quốc hội.

Khởi xướng không khí đổi mới

Tại Quốc hội Khóa VIII, những người khởi xướng phong trào đổi mới của đất nước có mặt đông đủ như các đồng chí Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Nguyễn Văn Linh, Phạm Hùng, Võ Chí Công, Võ Văn Kiệt... Tại phiên họp thứ nhất của khóa này, trong lời phát biểu tại phiên khai mạc kỳ họp và cũng là tạm biệt Quốc hội – cố Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Trường Chinh đã khẳng định: Nhân dân ta giàu lòng yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội, luôn tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, đã tích cực tham gia việc lựa chọn những đại biểu ưu tú để bầu vào Quốc hội, cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất. Với tinh thần đổi mới của Đại hội Đảng lần thứ VI, với ý thức trách nhiệm là người đại diện cho ý chí và nguyện vọng của Nhân dân, Chủ tịch đề nghị: “Các vị đại biểu Quốc hội hãy đem hết tâm trí và sức lực phục vụ Tổ quốc, phục vụ Nhân dân, xứng đáng là “người đầy tớ thật trung thành của Nhân dân” như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhắc nhủ, trước mắt là góp phần tích cực làm cho Kỳ họp thứ nhất của Quốc hội Khóa VIII thành công tốt đẹp”.
Chủ tịch Quốc hội Lê Quang Đạo trao đổi thân mật với các đại biểu Quốc hội dự Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội Khóa VIII, tháng 6/1987. (Ảnh tư liệu)
Chủ tịch Quốc hội Lê Quang Đạo trao đổi thân mật với các đại biểu Quốc hội dự Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội Khóa VIII, tháng 6/1987. (Ảnh tư liệu)
Trong diễn văn mở đầu kỳ họp, cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh cũng nhấn mạnh: Để phát huy được quyền làm chủ của Nhân dân, hơn ai hết, các đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp - những người do Nhân dân trực tiếp bầu ra, phải nói lên tiếng nói của họ một cách trung thực và thẳng thắn, dũng cảm bảo vệ lợi ích chính đáng của họ.

Từ tinh thần đó, nhiệm kỳ Khóa VIII của Quốc hội đã làm được nhiều việc mang tính đột phá và có ý nghĩa quan trọng của sự nghiệp đổi mới. Có thể nêu lên các nội dung đổi mới chủ yếu như: Sinh hoạt dân chủ, các đại biểu nêu cao trách nhiệm, thẳng thắn đóng góp ý kiến. Đặc biệt, đã diễn ra một sự kiện: Tranh cử chức danh Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng. Sửa lời nói đầu của Hiến pháp năm 1980, từ đó tạo ra việc mở rộng quan hệ quốc tế - Việt Nam muốn làm bạn với các nước. Lập Thường trực HĐND, tạo điều kiện nâng cao vị thế của HĐND. Việc sửa đổi và bổ sung Luật Tổ chức HĐND và UBND vào năm 1989 là hết sức có ý nghĩa. Xây dựng Hiến pháp năm 1992 - một bản Hiến pháp có nhiều nội dung mới, đặt nền móng xây dựng Nhà nước pháp quyền. Coi trọng công tác báo chí, tạo điều kiện thuận lợi cho báo chí tiếp cận và đưa tin về các hoạt động của Quốc hội. Đưa công nghệ thông tin vào hoạt động của Quốc hội, góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của Quốc hội…

Hiến pháp năm 1992 – những nét đổi mới căn bản

Hiến pháp năm 1992 với những đổi mới căn bản đã đáp ứng yêu cầu cuộc sống đặt ra. Thành quả này phản ánh sự vận dụng đúng đắn tư tưởng đổi mới của Đại hội VI của Đảng. Hiến pháp 1992 đã thể hiện tư tưởng Nhà nước của dân, do dân, vì dân. Tư tưởng này phù hợp với chính sách đoàn kết các dân tộc, các tầng lớp Nhân dân trong xã hội và phù hợp hơn với xu thế phát triển của thời đại.

Về lĩnh vực kinh tế, Hiến pháp năm 1992 đã có những nội dung mới như chuyển đổi từ nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung với hai thành phần kinh tế chủ yếu là kinh tế Nhà nước và kinh tế tập thể sang nền kinh tế hàng hóa - thị trường, với nhiều thành phần kinh tế: Nhà nước, tập thể, cá thể, tư bản tư nhân và tư bản Nhà nước. DN thuộc mọi thành phần kinh tế được liên doanh, liên kết với cá nhân, tổ chức kinh tế trong và ngoài nước theo quy định của pháp luật… Hiến pháp 1992 còn khôi phục lại một số quyền đã quy định trong Hiến pháp 1946 nhưng về sau do hoàn cảnh chính trị - lịch sử mà chúng ta đã hạn chế. Đó là "Quyền ra nước ngoài và từ nước ngoài về nước theo quy định của pháp luật" (Điều 68). Một số quyền trước đây chỉ quy định trong Bộ luật hoặc Luật nay đã đưa vào quy định cả trong Hiến pháp để đề cao hơn nữa tính hiệu lực của pháp luật như: "Không ai bị coi là có tội và phải chịu hình phạt khi chưa có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật" (Điều 72).

Tôi nhớ, một trong những vấn đề gay cấn nhất của Hiến pháp năm 1992 là vấn đề sở hữu đất đai, quy định đất đai thuộc quyền sở hữu Nhà nước. Tuy nhiên, có quy định thêm về quyền sử dụng đất lâu dài đối với người được giao và được chuyển quyền sử dụng đó theo định của pháp luật. Nhiều đại biểu không đồng tình như dự thảo, nên đã tranh luận rất sôi nổi. Đại biểu tỉnh Tiền Giang Phạm Minh Thanh đã có những lời phát biểu gay gắt, thậm chí phê phán Chủ tịch Quốc hội Lê Quang Đạo là mềm mỏng quá, không dám chấp nhận ý kiến của nhiều đại biểu Quốc hội là mong muốn trong Hiến pháp, quy định về đất đai là đa sở hữu.

Thực ra, cách hiểu của Chủ tịch Quốc hội Lê Quang Đạo và tôi về sở hữu đất đai không có gì là khác so với các đại biểu. Nhưng đây là vấn đề mới, nhận thức còn khác nhau, người ta sợ rằng viết như thế nào đó cộng với quản lý không tốt thì đất đai rơi vào tư nhân. Vừa qua, Hiến pháp năm 2013 cũng chưa giải quyết xong vấn đề này.

Hiến pháp năm 1992 được Quốc hội Khóa VIII thông qua ở cuối nhiệm kỳ. Đây là bản Hiến pháp có nhiều đổi mới làm cơ sở cho đất nước phát triển trong một giai đoạn đặc biệt. Kết quả này là công sức và trí tuệ của toàn thể Nhân dân. Những người có công đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Võ Chí Công và Chủ tịch Quốc hội Lê Quang Đạo.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần