Lỗi tại liên kết?
Chỉ tính trong 2 tháng trở lại đây, các xuất bản phẩm có sai phạm liên tiếp làm "dậy sóng" dư luận và làm đau đầu nhà quản lý. Cuốn "Búp sen xanh" của nhà văn Sơn Tùng, thuộc bản quyền của NXB Kim Đồng công khai xuất hiện trên thị trường dưới "mác" của NXB Thời đại liên kết với Công ty CP sách Nhân dân chưa im tiếng, lại đến cuốn "Đại Việt sử ký toàn thư" do NXB và Công ty TNHH Văn hóa Minh Tân liên kết với Nhà sách Minh Thắng xuất bản được phản ánh vi phạm bản quyền. Tiếp nối là sự cẩu thả khó chấp nhận của cuốn "Văn hóa tộc người Việt Nam" khi tự ý đổi tên sách, cắt bỏ nhiều bài viết, không chứng nhận được quyền tác giả… Rồi lại đến những ồn ào trước những lỗi sai có thể nói là cơ bản trong loạt "Từ điển tiếng Việt dành cho học sinh" của tác giả Vũ Chất… Bức tranh liên kết xuất bản trong nước đã đến độ bị "thả nổi" mặc cho các đơn vị làm sách tự tung tự tác, thậm chí mạo danh xuất bản để kiếm lời.
Đã xử phạt nhiều xuất bản phẩm vi phạm nhưng tình trạng trên vẫn còn tái diễn. Ảnh: Nguyễn Quỳnh
|
Bấy lâu nay, người ta thường chép miệng "tại liên kết" mỗi khi một ấn phẩm vi phạm có mặt trên thị trường. Thế nhưng, khi scandal sách nối tiếp nhau, người ta mới rạch ròi phân tích lỗi tại đâu. Hóa ra sơ suất trong các khâu xuất bản, trình độ biên tập viên… chỉ là cách nói lấp liếm cho sự tắc trách của các NXB. Chẳng phải mất công tìm hiểu hay điều tra, mà ngay người sử dụng cũng có thể nhìn thấy những định nghĩa "khó chịu" trong "Từ điển tiếng Việt dành cho học sinh". Vậy mà sách vẫn "qua cửa" biên tập, soát lỗi, ký duyệt… để ra thị trường. Chung quy là tại các NXB đã phó mặc cả khâu bản quyền lẫn nội dung, in ấn cho các đơn vị liên kết. Còn bản thân các đơn vị liên kết, vì lợi nhuận nên bất chấp sai phạm để chạy đua làm sách, thậm chí không ngại cả việc mạo danh NXB lẫn "ăn cắp bản quyền"…
Nói như Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam Đỗ Quỹ Doãn: Không nên đổ lỗi cho liên kết xuất bản. Đó là một tiến bộ được đưa vào Luật Xuất bản, nhằm huy động các nguồn lực trong xã hội cùng làm. 80% số sách được ấn hành hiện nay đều là liên kết xuất bản, sự góp sức này cũng mang lại hiệu quả nhất định. Còn những sai phạm trong xuất bản hiện nay, trách nhiệm chính vẫn thuộc về các NXB, hay ở chính Giám đốc, Tổng Biên tập các NXB.
Lại chờ thông tư…
Theo số liệu của Cục Xuất bản, In và Phát hành, có đến 99% xuất bản phẩm liên kết có sai phạm, nhất là các loại sách liên quan đến lịch sử, tôn giáo… Ấy là hệ quả tất yếu của việc NXB phó mặc cho đơn vị liên kết tung tác. Mặc dù nhà quản lý đã có những biện pháp mạnh tay, cụ thể là trong năm 2013 đã xử lý 255 cuốn sách sai phạm, 9 tháng đầu năm 2014, xử lý 169 cuốn (trong đó 79 cuốn sai phạm về nội dung), nhưng vẫn chỉ như… muối bỏ bể. Chắc chắn những sai phạm sẽ còn tiếp tục, nếu những "lỗ hổng" trong liên kết xuất bản chưa được vá lại.
Trong buổi trả lời báo chí mới đây, bà Mai Thị Hương - Trưởng phòng Quản lý phát hành (Cục Xuất bản, In và phát hành) cho biết, tới đây, Cục sẽ tăng cường phối hợp với các bộ, ngành để giải quyết các phát sinh trong quá trình xuất bản. Công tác thanh kiểm tra của Cục cũng sẽ được đẩy mạnh, việc xử lý các xuất bản phẩm có nội dung sai trái sẽ được thắt chặt, kiên quyết, triệt để hơn. Cụ thể là với các từ điển, phải có sự khẳng định của Hội đồng khoa học chuyên ngành mới được cấp đăng ký. Tuy nhiên, các cơ quan chủ quản cũng phải xác định rõ vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của mình để quản lý một cách toàn diện, các NXB phải nâng cao trình độ, thường xuyên cập nhật kiến thức mới cho biên tập viên.
Đặc biệt, để chấn chỉnh tình trạng liên kết xuất bản, tới đây, Bộ TT&TT sẽ ban hành một Thông tư (hiện đang trong quá trình soạn thảo) điều chỉnh công tác xuất bản cho hợp lý, phù hợp với thực tế, cụ thể đối với từng mức độ sai phạm. Ví như trong sai phạm về liên kết xuất bản, ghi rõ trách nhiệm tối đa của Giám đốc, Tổng Biên tập, đối tác liên kết. Ngoài ra, thông tư cũng sẽ quy định rõ việc cấp lại chứng chỉ hành nghề biên tập - đây là một điểm mới. Biên tập viên cũng phải có chứng chỉ hành nghề biên tập, nếu có những sai phạm sẽ bị tước chứng chỉ, sau thời hạn cụ thể mới được cấp lại. "Đó là những biện pháp đang được xây dựng trong Thông tư, chúng tôi sẽ thực hiện nếu Thông tư được ban hành" - bà Hương cho hay.
Vẫn biết, với khối lượng 280 - 300 triệu bản sách đăng ký xuất bản/năm, dù đã phân cấp về địa phương thì việc kiểm duyệt và quản lý cũng không dễ dàng. Song vá lỗ hổng liên kết xuất bản vẫn là việc không thể chậm trễ. Người quan tâm đến xuất bản đang chờ đợi sự có mặt của Thông tư, song cũng đầy băn khoăn: Liệu "sức nặng" của các quy định có dẹp được "rác" trên thị trường xuất bản?
"Luật Xuất bản đã quy định rõ trách nhiệm của Tổng Biên tập, Giám đốc NXB trước pháp luật, trách nhiệm của cơ quan chủ quản về xuất bản phẩm của mình. Những sai phạm trong thời gian qua cho thấy sự thiếu nghiêm túc của các NXB trong việc thực hiện quy trình xuất bản. Ở đây là quy trình biên tập, đọc duyệt trước khi ký quyết định xuất bản, có thể nói là NXB đã buông lỏng quản lý" - Bà Mai Thị Hương-Trưởng phòng Quản lý phát hành, Cục Xuất bản, In và Phát hành |