Kể từ đó đến nay đã tròn 70 năm, thời gian này chưa phải là dài so với cả tiến trình lịch sử nhưng là thời kỳ đã tạo lập, phát triển đô thị Hà Nội với một tầm vóc mới, xứng đáng là Thủ đô và có vị thế trong khu vực và thế giới. Trong các thành tựu đã đạt được của Thủ đô ngày hôm nay, không thể không kể đến lộ trình thành công của công cuộc đô thị hóa với quy hoạch là công cụ quản lý phát triển.
Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng ở nội thành Hà Nội nay, từ khoảng 3.000 năm trước đã là làng, xóm ven sông mang đậm bản sắc văn minh, tổ chức sống của cư dân Việt. Từ điểm dân cư làng nghề ven sông đã có nhiều chuyển hóa, phát triển đến kinh đô Âu Lạc (thế kỷ II - III trước Công nguyên) rồi huyện Tống Bình - Tống Châu (thế kỷ III - V) đến Trung tâm đầu tiên nước Việt độc lập (Vạn Xuân thế kỷ VI). Trải qua thời kỳ Bắc thuộc, nơi đây là trung tâm An Nam đô hộ phủ (thế kỷ VII - X). Phát triển mạnh mẽ, rõ nét là từ khi Lý Thái Tổ thiên đô từ Hoa Lư ra thành Đại La và đổi tên là Thăng Long. Qua các triều đại Lý - Trần - Lê - Nguyễn với các tên Thăng Long - Đông Đô - Đông Kinh - Hà Nội (tên từ 1831) đã có nhiều chuyển hóa và khẳng định đã có quy hoạch đô thị với những cấu trúc đặc thù. Trung tâm hành chính - chính trị kết hợp với đồn trú. Bên cạnh "thành" có "thị" gồm các phường nghề và điểm thương mại: Chợ, phố chợ. Ở đây có sự hòa đồng thành thị và nông thôn.
Thời kỳ Pháp thuộc là giai đoạn Hà Nội có nhiều biến chuyển, từ thành lũy, phường thị chuyển sang quy hoạch cấu trúc đô thị được chọn lọc từ mô hình châu Âu, với thay đổi về quy hoạch phân khu chức năng, có hoạt động kinh tế - xã hội và phương thức quản lý riêng nhưng phân hóa rõ về giai tầng. Đây là thời kỳ công tác quy hoạch đã có bài bản, tiếp cận được những đổi mới từ các nước phát triển châu Âu và đặc biệt là yếu tố nghệ thuật và kỹ thuật đã chú trọng tới yêu cầu nhiệt đới hóa, giá trị này còn giữ lại đến ngày nay.
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công đã mở ra thời kỳ phát triển mới của đất nước và của Hà Nội. Trong Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (năm 1946), tại Điều 3 đã xác định "Thủ đô đặt ở Hà Nội". Với vị thế được khẳng định như vậy, Hà Nội đòi hỏi phải có các định hướng phát triển mới mà trước hết cần được thể hiện trong quy hoạch.
Sau 9 năm ròng rã chiến đấu ngoan cường của quân dân ta, thực dân Pháp đã phải ký Hiệp định Giơnevơ công nhận độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam. Ngày 10/10/1954, cả Hà Nội rạo rực niềm vui giải phóng. Lúc này Hà Nội có diện tích 152km2 với dân số 37 vạn người ở nội thành và 16 vạn người ở ngoại thành. Ngay từ ngày đầu giải phóng, trong Lời kêu gọi, Bác Hồ đã xác định cần xây dựng Hà Nội thành một "Thủ đô yên ổn, tươi vui và phồn thịnh". Từ lúc này, những người làm công tác quy hoạch với sự giúp đỡ của bạn bè nước ngoài đã bắt tay vào nghiên cứu quy hoạch xây dựng Thủ đô.
Tháng 11/1959, khi xem xét đồ án quy hoạch, Bác Hồ đã căn dặn: "Trong thiết kế phải đồng bộ đường sá, hệ thống thoát nước, lưới điện... tránh cản trở sự đi lại của Nhân dân. Phải có quy hoạch trước, tránh làm rồi lại phá đi". Thực hiện lời dạy của Bác Hồ, trong những năm đầu xây dựng cơ sở vật chất cho CNXH, công tác quy hoạch đã đóng góp đáng kể trong việc tiến hành cải tạo, xây dựng Hà Nội. Gần 200 khu xóm lao động được cải tạo, hàng vạn ngôi nhà đã xây dựng mới như ở Phúc Tân, Tương Mai, An Dương..., các khu công nghiệp mới ra đời như khu Thượng Đình, Minh Khai..., nhiều trường đại học lớn ra đời như Tổng hợp, Bách Khoa, Sư phạm, Nông lâm, Y dược. Hệ thống thương mại, giáo dục giao thông được mở mang, phát triển. Một số khu nhà chung cư theo mô hình tiểu khu XHCN đã được xây dựng như Kim Liên, Nguyễn Công Trứ... Để phát triển Hà Nội xứng tầm là Thủ đô, tháng 4/1961, Quốc hội đã quyết định mở rộng địa giới Hà Nội lên 584km2, với 91 vạn dân gồm 4 khu nội thành, 4 huyện ngoại thành. Để định hướng phát triển, Bộ Chính trị đã có Nghị quyết 18/NQ-TW, Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội (QHC) đã được phê duyệt năm 1961 với dự báo dân số lên 1 triệu người và phát triển đô thị tới 200km2.
Khi chiến tranh ở miền Nam trở lên ác liệt, Mỹ đánh phá miền Bắc, quy hoạch được tiếp tục thực hiện song có nhiều khó khăn, lúc này cần tính đến phương án phân tán và chú trọng an ninh - quốc phòng, QHC được điều chỉnh. Tháng 12/1972, Mỹ phải ngừng ném bom, công cuộc xây dựng, khôi phục được tiến hành. Cầu Long Biên được nối liền, hàng trăm xí nghiệp, khu công nghiệp, công trình giao thông được đưa vào sử dụng, song bên cạnh đó có những khó khăn như thiên tai lũ lụt năm 1971, khó khăn về công tác GPMB, nguồn lực... Sau nhiều nghiên cứu, năm 1974, QHC được lựa chọn với phương án khống chế dân cư ở Hà Nội cũ với 40 vạn người và phát triển lên Vĩnh Yên với 60 vạn người, mô hình chùm đô thị được triển khai.
Thống nhất đất nước năm 1975 đã mở ra giai đoạn mới để phát triển Thủ đô. QHC được phê duyệt tại Quyết định 163/CP ngày 17/7/1976 với định hướng dân số nội thành 1,5 triệu, ngoại thành là vành đai xanh cung cấp thực phẩm. Các đô thị vệ tinh có chức năng công nghiệp, dịch vụ, du lịch. Với xu thế như vậy, tháng 12/1978, Hà Nội được mở rộng lên 2.136km2, dân số 3,5 triệu người.
Năm 1979, chiến tranh biên giới nổ ra, phát triển đô thị lúc này cần gắn kết chặt chẽ với an ninh quốc phòng, do vậy đến năm 1981, QHC được phê duyệt tại Quyết định 100/TTg ngày 24/4/1981 với dự báo phát triển đến 100km2 và chủ yếu ở Nam sông Hồng. Năm 1983, Bộ Chính trị có Nghị quyết 08/BCT xác định rõ vai trò Hà Nội là trung tâm đầu não về chính trị, trung tâm lớn văn hóa, giáo dục, khoa học kỹ thuật và trung tâm lớn về kinh tế. Giai đoạn này Hà Nội có tốc độ đô thị hóa khá cao song cũng gặp những khó khăn về GPMB, về xây dựng hạ tầng khung.
Từ mối quan hệ vùng, từ yêu cầu cấu trúc nội đô, ngoại thành và quản lý, tháng 12/1991, ranh giới Hà Nội lại được điều chỉnh, chuyển lại 7 huyện, thị về Hà Tây, Vĩnh Phúc, Hà Nội có diện tích 924km2. Tổng mặt bằng được nghiên cứu lại và phê duyệt tại Quyết định 132/CT ngày 18/4/1992 với dân số dự kiến 1,3 triệu người vào năm 2000 và 1,5 - 1,7 triệu người vào năm 2010, phát triển chủ yếu phía Nam sông Hồng và Tây của Hà Nội cũ. Quá trình thực hiện đã thấy rõ tồn tại như chưa lường hết tốc độ tăng trưởng, chưa chú trọng tới kinh tế thị trường, chưa phát huy lợi thế từ mối quan hệ vùng.
Trước những yêu cầu của thực tế, QHC mới được phê duyệt tại Quyết định 108/1998/QĐ-TTg ngày 20/6/1998. Cùng với hệ thống quy hoạch được nghiên cứu đồng bộ, quy hoạch kinh tế - xã hội, đất đai, quy hoạch ngành, QHC là công cụ để quản lý phát triển trong suốt 10 năm từ 1998 - 2008. Các quy hoạch đã là định hướng để tạo lập diện mạo mới cho Hà Nội. Giai đoạn này có Nghị quyết 15/NQ-TW năm 2002 của Bộ Chính trị và Pháp lệnh Thủ đô tạo động lực đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội và đô thị hóa. Quá trình phát triển giai đoạn này đã có nhiều kết quả nhưng cũng thấy rõ thách thức mới, đó là hạ tầng liên kết vùng là yêu cầu bảo tồn, quản lý dân số.
Tháng 8/2008, Hà Nội được mở rộng lên 3.344km2 (là đô thị có quy mô lớn nhất nước), với dân số 6,4 triệu người. Ngay sau mở rộng, quy hoạch tổng thể kinh tế - xã hội đã được xây dựng và phê duyệt tại Quyết định 1081/QĐ-TTg ngày 6/7/2011. QHC đến năm 2030, tầm nhìn năm 2050 được phê duyệt tại Quyết định 1259/QĐ-TTg ngày 26/7/2011 với mục tiêu xây dựng Hà Nội là TP "Xanh - Văn hiến - Văn minh - Hiện đại", đô thị năng động có sức cạnh tranh cao trong nước, khu vực và quốc tế, có môi trường sống tốt, với cấu trúc chùm đô thị, với dân số 9,0 - 9,2 triệu, tỷ lệ đô thị hóa từ 65 - 68% vào năm 2030.
Nhìn lại giai đoạn 70 năm qua, có thể thấy công tác quy hoạch luôn được Đảng, Nhà nước, TP quan tâm và xác định là công tác thường xuyên, quan trọng, cần đi trước một bước. Với những định hướng đã xác định trong hệ thống quy hoạch hiện hành, cơ chế đặc thù được xác định trong Luật Thủ đô, định hướng trong phát triển được xác định tại Báo cáo chính trị của Đại hội Đảng bộ TP lần thứ XVI sắp tới, chúng ta hoàn toàn có quyền hy vọng và tin rằng Hà Nội sẽ tiếp tục phát triển xứng tầm, khẳng định vị thế.q
Chủ tịch Hồ Chí Minh xem và góp ý vào bản đồ án quy hoạch Thủ đô năm 1959. Ảnh tư liệu
|
Tháng 11/1959, khi xem xét đồ án quy hoạch Thủ đô, Bác Hồ đã căn dặn: "Trong thiết kế phải đồng bộ đường sá, hệ thống thoát nước, lưới điện... tránh cản trở sự đi lại của Nhân dân. Phải có quy hoạch trước, tránh làm rồi lại phá đi". |