Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Những di tích gắn liền với ngày giải phóng Sài Gòn 30/4

Huy Chương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Những di tích lịch sử của Sài Gòn như Dinh Độc Lập, Sân Bay Tân Sơn Nhất, Địa đạo Củ Chi, Đài truyền hình TP. Hồ Chí Minh, Tổng Lãnh sự Hoa Kỳ... là những nơi ghi dấu ấn sâu đậm cho ngày miền Nam hoàn toàn được giải phóng, thống nhất đất nước.

 Xe tăng húc đổ cổng Dinh độc lập ngày 30/4/1974

Dinh Độc Lập
Hình ảnh chiếc xe tăng 390 của quân giải phóng húc đổ cánh cửa thép tiến thẳng vào Dinh Độc Lập, đó là hình ảnh lịch sử sâu đậm nhất, vẻ vang nhất trong lịch sử giải phóng dân tộc thống nhất đât nước trong ngày 30/4.
 Dinh Độc lập ngày nay.
Dinh Độc Lập, hay còn gọi là dinh Thống Nhất một công trình kiến trúc tọa lạc trên mảnh đất rộng 15ha ngay giữa trung tâm thành phố. Công trình in đậm dấu ấn thời gian và lịch sửa nhưng cũng rất nên thơ và lãng mạn… Sau khi chiếm đóng được luc tỉnh Nam Kỳ, ngày 23/02/1868 viên thống đốc Nam Kỳ đã cho xây dựng Dinh Thống Đốc Nam Kỳ mới tại Sài Gòn. Ngày nay toà nhà nằm ở cuối đường Lê Duẩn, trong khuôn viên rộng 12ha được bao bọc bởi bốn trục đường Nguyễn Thị Minh Khai – Nam Kỳ Khởi Nghĩa – Nguyễn Du và Huyền Trân Công Chúa, thuộc địa bàn quận 1, thành phố Hồ Chí Minh. Dinh có nhiều tên gọi khác nhau qua các thời kỳ như: dinh Norodom (1889 – 1954), dinh Thủ tướng (9-1954 – 10-1956), dinh Độc Lập (10-1956 – 10-1976) và ngày nay là Hội trường Thống Nhất. Đây không chỉ là một công trình kiến trúc độc đáo mà còn gắn liền với nhiều sự kiện lịch sử trọng đại của nước nhà.
Đài Truyền hình TP. Hồ Chí Minh
Đài Truyền hình thành phố Hồ Chí Minh với cột thu phát sóng cao vút đã dường như trở thành một hình ảnh quá đỗi quen thuộc đối với người dân Sài Gòn mỗi khi chạy qua trục đường Nguyễn Thị Minh Khai – Đinh Tiên Hoàng ngày nay. Nhưng không nhiều người biết rằng nơi đây đã từng chứng kiến bao sự đổi thay, thăng trầm của lịch sử, đặc biệt là vào thời khắc 30/4 lịch sử.
 Trụ sở Đài truyền hình TP. Hồ Chí Minh.
Đài Truyền hình thành phố Hồ Chí Minh tiền thân là Đài truyền hình Việt Nam của chính quyền Sài Gòn (người dân thời đó còn gọi là Đài truyền hình Sài Gòn hay là đài số 9). Được lên sóng lần đầu tiên vào năm 1966, Đài số 9 được xem như là đài truyền hình đầu tiên trên toàn lãnh thổ Việt Nam. Trong sự kiện 30/4 chính nơi đây đã phát ra lời tuyên bố đầu hàng vô điều kiện của Tổng thống Dương Văn Minh (Tổng thống đương nhiệm của chế độ Việt Nam Cộng Hòa), và cũng chính từ giây phút đó chính thể Việt Nam Cộng Hòa chính thức hoàn toàn sụp đổ.
Trụ sở Tổng Lãnh sứ quán Hoa Kỳ tại TP. Hồ Chí Minh
Đối với không ít người dân Sài Gòn, thì hình ảnh tòa nhả Bạch Ốc (trước đây Tòa đại sứ Hòa Kỳ tại Sài Gòn thường được người dân gọi là Tòa Bạch Ốc) to lớn nằm trên đường Thống Nhất (nay là đường Lê Duẩn) và đường Hồng Thập Tự (nay là đường Nguyễn Thị Minh Khai) xưa kia dường như chỉ còn là một ký ức trong quá khứ khi mà Tòa Bạch ốc ngày nào đã bị phá bỏ một cách hoàn toàn vào năm 1998.
 Tổng thống đương nhiệm của chế độ Việt Nam Cộng Hòa – Dương Văn Minh chuẩn bị đọc tuyên bố đầu hàng tại Đài truyền hình Sài Gòn. Ảnh: Tư liệu
Thay vào hình ảnh của một Tòa Bạch Ốc cao lớn xưa kia, trụ sở Tổng lãnh sự quán Hoa Kỳ tại thành phố Hồ Chí Minh đã được xây dựng lại ngay tại khu đất cũ, tòa nhà mới này thấp hơn, “kín cổng cao tường” hơn so với Tòa Bạch ốc ngày xưa.
Tronng những ngày cuối cùng tháng 4/1975, những hình ảnh tháo chạy nhốn nháo, hỗn loạn ngay trên nóc Tòa đại sứ năm xưa – những hình ảnh ghi dấu, báo hiệu một cách chính xác cho sự sụp đổ hoàn toàn của chế độ Việt Nam Cộng Hòa ở miền Nam Việt Nam cách đây 42 năm.
Sân bay Tân Sơn Nhất
 Toàn cảnh căn cứ không quân Tân Sơn Nhất trước năm 1975.

Sân bay được chính quyền thực dân Pháp xây dựng vào năm 1930 ở làng Tân Sơn Nhất, thuộc quận Gò Vấp, tỉnh Gia Định. Năm 1956 Mỹ cho xây dựng sân bay rộng hơn, dài hơn 3000 m, bằng bê tông. Trong khi đó sân bay do Pháp xây dựng năm xưa dài hơn 1500 m, bằng đất đỏ.
 Sân bay Tân Sơn Nhất ngày nay.
Đến thập niên 1960, sân bay Tân Sơn Nhất là sân bay quân sự - dân sự quan trọng và lớn nhất, nhộn nhịp nhất Đông Nam Á. Bên cạnh mục đích dân sự, thì sân bay Tân Sơn Nhất còn được xem như là một căn cứ không quân quan trọng không chỉ của quân đội Sài Gòn lúc bây giờ, nơi đây còn là một cứ điểm không quân quan trọng của không quân Hoa Kỳ tại miền Nam Việt Nam và Đông Nam Á. Trong sự kiện 30/4, đánh chiếm sân bay Tân Sơn Nhất là một trong những nhiệm vụ quan trọng của cánh quân giải phóng từ phía Tây Bắc, bởi lẽ đánh chiếm được Tân Sơn Nhất cũng chính là tiêu diệt được lực lượng không quân của quân đội Sài Gòn.
Địa đạo Củ Chi
 Trong lòng Địa đạo Củ Chi.
Cách Sài Gòn khoảng 70km về hướng Tây Bắc, địa đạo Củ Chi xây dựng trên vùng “đất thép” là điểm cuối đường mòn Hồ Chí Minh đây là cửa ngõ án ngữ đường đi lại từ nội đô Sài Gòn lên hướng Tây Ninh và hướng lên Tây Nguyên. Nơi đây từ lâu đã được người Việt nhắc tới và chính những quân nhân Mỹ tham chiến thừa nhận như một chứng tích lịch sử và sự bất khuất, kiên cường của nhân dân Củ Chi anh hùng.
Thật không thể nào hình dung nổi ngày xưa những người dân nơi đây làm thế nào để đào nên địa đạo này cũng như sống như mầm đá ở nơi đây. Những hình ảnh về Củ Chi khiến nhiều người xót xa, kinh ngạc. Cúi thấp người, bước từng bước nhỏ nhỏ nơi địa đạo, trong đầu tự thấy thán phục trước động lực sống mạnh mẽ của người Việt.
Trong sự kiện 30/4 thì Củ Chi, được xem như là một điểm tập kết lực lượng, vũ khí quan trọng của cánh quân Tây Bắc trong chiến dịch Hồ Chí Minh tiến công giải phóng Sài Gòn – Gia Định.