Những di tích, ngôi làng cổ ven sông Hồng

Minh An
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sông Hồng chảy qua Hà Nội chỉ là đoạn ngắn so với chiều dài của nó, nhưng cũng để lại nhiều dấu tích đặc trưng của vùng văn hóa sông nước.

Đó là những di tích văn hóa, làng chài, làng nghề, làng cổ ven sông, ẩn chứa trong đó những phong tục tập quán đậm chất hồn Việt.

Du khách đạp xe tham quan làng cổ Đường Lâm, Hà Nội. Ảnh: Công Hùng
Du khách đạp xe tham quan làng cổ Đường Lâm, Hà Nội. Ảnh: Công Hùng

Trong quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, xã Cổ Loa (huyện Đông Anh, Hà Nội) được nhắc tới nhằm hình thành trục không gian văn hóa - cảnh quan sinh thái Hồ Tây -Cổ Loa. Nằm cách trung tâm TP chỉ 24km, không chỉ gắn liền với những truyền thuyết của dân tộc Việt Nam, như An Dương Vương định đô, xây thành, chiếc nỏ thần Kim Quy bắn một tên hạ hàng trăm tên giặc hay mối tình bi thương và cảm động của Mỵ Châu - Trọng Thủy, thành Cổ Loa mà còn là điểm tham quan, du lịch độc đáo của Thủ đô.

Thành Cổ Loa có rất nhiều tên gọi khác nhau như Loa thành (thành Ốc), thành Côn Lôn, thành Tư Long, Cửu thành, Thành Việt Vương, thành Khả Lũ, Cổ Loa thành. Đến thế kỷ thứ X, thời kỳ Ngô Quyền làm vua, Cổ Loa lại trở thành kinh đô lần thứ hai. Khu di tích lịch sử thành Cổ Loa trải rộng trên địa phận 3 xã là Cổ Loa, Việt Hùng, Dục Tú thuộc huyện Đông Anh, Hà Nội.

 

Thời Âu Lạc, Cổ Loa tọa lạc tại một vị trí vô cùng đắc địa, nằm trên đỉnh của tam giác châu thổ sông Hồng, là đầu mối quan trọng của cả đường bộ và đường thủy, là nơi chứng kiến giai đoạn phát triển mới của cư dân Việt cổ. Bởi vậy mà nơi đây đã được chọn làm kinh đô của đất nước Âu Lạc từ thế kỷ III trước công nguyên và nhà nước của vua Ngô Quyền thế kỷ X sau công nguyên. Đây là nơi lưu giữ hàng loạt di chỉ khảo cổ phản ánh quá trình phát triển liên tục của dân tộc Việt Nam từ sơ khai qua các thời kỳ.

Không chỉ có các di tích gắn với lịch sử hơn 1.000 năm của Thăng Long - Hà Nội, bên bờ sông Hồng còn có nhiều làng nghề, làng cổ được nhiều người dân, du khách biết tới. Trong đó, làng cổ Đường Lâm thuộc thị xã Sơn Tây, Hà Nội, nằm bên hữu ngạn sông Hồng (bờ phía Nam) là làng cổ đầu tiên ở Việt Nam được Nhà nước trao bằng Di tích Lịch sử văn hóa quốc gia ngày 19/5/2006.

Đến với làng cổ Đường Lâm, du khách sẽ thấy được hầu hết các nét đặc trưng của một ngôi làng xưa. Với cây đa, giếng nước, sân đình, chùa miếu, đường làng quanh co, ngõ nhỏ, những ngôi nhà gỗ cổ, những bức tường được xây bằng gạch đỏ hoặc trát bùn xưa.

Nét cổ nhất của làng cổ Đường Lâm nằm ở kiến trúc cổng làng và đình Mông Phụ. Làng cổ Đường Lâm có gần 1.000 ngôi nhà cổ, nằm ở các làng Đông Sàng, Mông Phụ và Cam Thịnh. Có nhiều ngôi nhà được xây dựng từ rất lâu đời, từ những năm 1649, 1703, 1850… đều được xây dựng bằng loại vật liệu truyền thống của xứ Đoài là đá ong, tre, gỗ xoan, nứa, gạch đất nung, ngói, đất nện, trấu, mùn cưa.

Trung tâm tinh hoa làng nghề Việt xây dựng trên diện tích 3.300 m2 , địa chỉ tại số 28, thôn 5, làng cổ Bát Tràng, huyện Gia Lâm cách trung tâm Hà Nội khoảng 15 km. Ảnh: Minh An
Trung tâm tinh hoa làng nghề Việt xây dựng trên diện tích 3.300 m2 , địa chỉ tại số 28, thôn 5, làng cổ Bát Tràng, huyện Gia Lâm cách trung tâm Hà Nội khoảng 15 km. Ảnh: Minh An

Cũng nằm ở ven bờ sông Hồng, cách trung tâm Hà Nội khoảng 15km về phía Đông Nam, làng Bát Tràng (xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm) được biết đến là điểm cung cấp gốm sứ chất lượng, lưu giữ những nét văn hóa truyền thống lâu đời.

Bỏ lại những xô bồ nơi phố phường vội vã, vẻ yên bình, an yên của làng cổ Bát Tràng khiến khoảng không gian nơi đây như thoáng chậm lại, lắng đọng cùng thời gian. Dạo bước trên con đường làng quanh co, điều khiến du khách không khỏi bất ngờ là hình ảnh của những ngôi nhà cổ kính, đơn sơ vương đầy bụi trắng men sứ.

Bà Chức Dung (68 tuổi), người dân làng Bát Tràng chia sẻ: "Người dân làng xem trọng văn hóa cội nguồn nên dù việc buôn bán gốm sứ thu lại rất nhiều lộc lãi nhưng cũng chẳng mấy nhà bỏ tiền ra xây nhà lầu sang trọng". Nhiều người cho rằng, chính sự thanh cao, khiêm nhường của những nghệ nhân Bát Tràng đã khiến sản phẩm gốm sứ họ làm ra càng trở nên tinh tế và độc đáo hơn.

Còn nhiều di tích, làng cổ ven sông Hồng được hình thành, xây dựng ven sông Hồng. Hiện nay, TP đã và đang tiếp tục đầu tư tôn tạo các công trình văn hóa, phục dựng, tôn vinh các giá trị văn hóa phi vật thể của các địa phương, làng nghề truyền thống; tạo điều kiện xây dựng các sản phẩm du lịch của từng làng nghề phục vụ cho từng đối tượng khách du lịch và được quảng bá rộng rãi.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần