Những địa chỉ đỏ ở Thủ đô

Minh An
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong những ngày tháng Ba lịch sử, kỷ niệm 90 năm thành lập Đảng bộ TP (17/3/1930 – 17/3/2020), Hà Nội đã tổ chức gắn biển lưu niệm nhiều công trình cách mạng kháng chiến.

Bia tưởng niệm “Ghi sâu tội ác giặc Mỹ” tại phường Kiến Hưng, quận Hà Đông. Ảnh: Văn Trọng
Trường học mọc lên từ hố bom
Về phường Kiến Hưng (quận Hà Đông), ai cũng thấy hình ảnh một đô thị văn minh với nhiều nhà cao tầng mọc lên san sát, đường phố khang trang. Tuy nhiên, ít ai biết rằng, cách đây 48 năm, ngày 22/12/1972, Mỹ đã sử dụng pháo đài bay B52 ném 72 quả bom xuống xã Kiến Hưng, thị xã Hà Đông (xưa). Trận ném bom của không quân Mỹ xuống Kiến Hưng đã giết hại 80 người dân, trong số người thiệt mạng có 36 trẻ em và 2 phụ nữ mang thai. Theo Phó Chủ tịch UBND phường Kiến Hưng Bùi Văn Bằng: “Sở dĩ Mỹ ném bom rải thảm xuống khu vực Kiến Hưng là do ta có bố trí ở đây một trận địa pháo cao xạ, sau đó bổ sung thêm Tiểu đoàn tên lửa 78 - Sư đoàn 257. Bên cạnh đó, phường Kiến Hưng cũng là nơi bộ đội bị thương sơ tán đang được điều trị”.
Trước những mất mát to lớn ấy, chính quyền và người dân xã Kiến Hưng, thị xã Hà Đồng (xưa) đã nỗ lực cứu người bị bom đạn tàn phá, bảo vệ quê hương. Đầu năm 1973, Ủy ban hành chính xã Kiến Hưng lúc bấy giờ đã tổ chức lực lượng san lấp hố bom ở trung tâm giữa 2 thôn, đồng thời, huy động nguồn vốn để xây dựng 12 phòng học. Cuối năm 1973, chưa đầy một năm sau ngày Mỹ ném bom, một ngôi trường khang trang đã được khánh thành. Ở nơi được coi là “túi bom” trên địa bàn xã Kiến Hưng đã “mọc” lên một ngôi trường, giải quyết cơ bản nạn thiếu lớp học cho trường cấp I, cấp II thời điểm đó.
Đến nay, sau 48 năm, phường Kiến Hưng (quận Hà Đông) có tổng số 7 ngôi trường công lập, với 4 trường mầm non, 2 trường tiểu học và 2 trường THCS, tất cả đều đạt chuẩn Quốc gia. Hiện nay, ngay bên cạnh trường Tiểu học Kiến Hưng là bia tưởng niệm “Ghi sâu tội ác giặc Mỹ” được dựng xong ngày 22/12/1981 và tôn tạo lại năm 2008.
Thủ đô vì cả nước
Trong những năm tháng đấu tranh giành độc lập, Nhân dân và lực lượng vũ trang Thủ đô vừa nêu cao tinh thần cách mạng, vừa tăng cường chi viện cho các địa phương. Hiện nay, tại Bốt Lũ (phường Kim Giang, quận Thanh Xuân) còn một lô cốt xây bằng gạch men nằm ven đường Kim Giang bên bờ sông Tô Lịch. Theo sách Lịch sử Đoàn 559 - Bộ đội Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh, do NXB Quân đội Nhân dân phát hành năm 1999, Bốt Lũ là nơi tập kết vũ khí, khí tài là các chiến lợi phẩm thu được trong kháng chiến chống Pháp.
Trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị, ông Vũ Trình Tường – Ban Truyền thống lịch sử Đoàn 559 cho biết, "Đoàn công tác Quân sự đặc biệt” được thành lập 19/5/1959. Để chuẩn bị cho chuyến hàng đầu tiên, các chiến sĩ quân giới đã hiệu chỉnh vũ khí và thí điểm cách bảo quản, đóng gói loại hàng đặc biệt này. Việc bao gói còn phải tính đến tình huống khi vận chuyển gặp địch, phải cất giấu trong nước, trong bùn đất. Những khẩu súng bộ binh được bọc bằng nhiều lần giấy nến rồi bỏ xuống đáy sông Tô Lịch, nhiều ngày sau vớt lên thấy vũ khí vẫn còn tốt nguyên.
Ngay sát Bốt Lũ là Trạm 63, một trạm giao liên của 559 trên đất Hà Nội. Sau năm 1975, nhiều cơ quan của Đoàn 559 đã làm việc tại Trạm 63. Ngày nay, Trạm 63 đã trở thành khu tập thể của cán bộ, công nhân viên Binh đoàn 12. Còn đối với di tích cách mạng Bốt Lũ, địa điểm này đã được gắn biển địa điểm lưu niệm sự kiện cách mạng kháng chiến.
Thông tin trên tấm biển nêu rõ: “Năm 1950, Bốt Lũ, phường Kim Giang, quận Thanh Xuân được thực dân Pháp xây dựng. Năm 1959, Đoàn 559 “Đoàn công tác quân sự đặc biệt” mở đường Trường Sơn chọn nơi đây làm kho, xưởng sửa chữa, hiệu chỉnh vũ khí bộ binh và thiết bị quân sự, cầm tay để chở vào Khe Hó (Vĩnh Linh, Quảng Trị) cho bộ đội Trường Sơn chuyển vào Tà Hiệp (Bắc A Lưới) giao cho Liên khu V. Từ 1965 đến 1975, Bốt Lũ và trạm giao liên 63 đưa đón các chiến sĩ vào ra chiến trường”.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần