GS.TS Nguyễn Tiến Thảo - Giám đốc Trung tâm Khảo thí, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết: năm 2025, Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức 6 đợt thi Đánh giá năng lực (HSA). Các đợt thi HSA dự kiến diễn ra từ tháng 3 đến tháng 5/2025 với quy mô 85.000 lượt thi. Ngày 8/2/2025, trung tâm chính thức mở cổng đăng ký cho thí sinh. Ngày 15/3/2025 dự kiến thí sinh sẽ dự thi đợt 1; ngày 17/5/2025 sẽ thi đợt 6.
Năm 2025 sẽ có lứa học thi đầu tiên tốt nghiệp theo THPT theo chương trình giáo dục phổ thông 2018, vì vậy, bên cạnh những cấu trúc ban đầu, trường cũng có một số thay đổi về cấu trúc đề thi. Cụ thể, đề HSA gồm 3 phần, phần toán học và xử lý số liệu (50 câu hỏi, 75 phút); phần ngôn ngữ - văn học (50 câu hỏi, 60 phút); phần khoa học (50 câu hỏi, 60 phút).
Về hình thức, bài thi HSA năm 2025 được điều chỉnh chủ yếu ở phần khoa học và cách đặt câu hỏi. Sau khi hoàn thành 2 phần thi đầu, phần thi thứ 3 thí sinh sẽ được lựa chọn 3 trong 5 chủ đề thuộc lĩnh vực lý, hóa, sinh, sử, địa để hoàn thành bài thi trong thời gian 195 phút (không kể thời gian bù thêm cho câu hỏi thử nghiệm).
Mỗi năm, kỳ thi Đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh tổ chức (APT) thu hút hơn 100.000 thí sinh tham dự. Kết quả kỳ thi được 109 trường đại học, cao đẳng trên cả nước sử dụng xét tuyển.
Giám đốc Trung tâm Khảo thí và đánh giá chất lượng đào tạo, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh Nguyễn Quốc Chính cho hay, năm 2025, đề thi APT có những điều chỉnh để phù hợp với chương trình giáo dục phổ thông mới. Theo đó, bài thi có 120 câu gồm: 30 câu Tiếng Việt, 30 câu tiếng Anh, 30 câu toán, 30 câu còn lại đánh giá tư duy khoa học. Thí sinh không nhất thiết phải lựa chọn tổ hợp, tất cả các thí sinh đều có thể tiếp cận kỳ thi.
PGS.TS Vũ Duy Hải, Trưởng Ban Tuyển sinh - hướng nghiệp, Đại học Bách khoa Hà Nội, thông tin kỳ thi Đánh giá tư duy (TSA) của Đại học Bách khoa Hà Nội năm nay có 3 đợt thi thay vì 6 đợt như năm trước. Hiện đã có 1.000 thí sinh đăng ký dự thi thành công đợt 1 và chính thức thi vào ngày 18/1.
Năm 2025, Đại học Bách khoa Hà Nội là cơ sở đầu tiên mở cổng cho thí sinh đăng ký kỳ thi riêng nhằm lấy kết quả tuyển sinh đại học. Một trong những điểm mới năm nay là Đại học Bách khoa Hà Nội đã xuất bản cẩm nang Đánh giá tư duy để hỗ trợ thí sinh củng cố toàn bộ nội dung, trải nghiệm phần thi thực tế kèm theo cẩm nang. Các em có thể sử dụng máy tính tại nhà để trải nghiệm kỳ thi như kỳ thi chính thức.
Kết quả kỳ thi đánh giá tư duy của Đại học Bách khoa Hà Nội được khoảng 40 trường đại học sử dụng để phục vụ cho công tác tuyển sinh đại học, ngoài khối trường kỹ thuật còn có khối y dược, sư phạm, tài chính…
Theo thông tin Trường Đại học Sư phạm Hà Nội công bố thì năm 2025, kết quả kỳ thi Đánh giá năng lực (SPT) của trường sẽ được 22 trường sử dụng để tuyển sinh đầu vào; trong đó có 9 trường cũ và 13 trường mới. 9 trường đã sử dụng kết quả kỳ thi đánh giá năng lực SPT từ năm trước gồm các trường đại học: Sư phạm Hà Nội, Sư phạm Hà Nội 2, Sư phạm TP Hồ Chí Minh và các trường Sư phạm thuộc: Đại học Thái Nguyên, Huế, Đà Nẵng, Quy Nhơn, Vinh và Y Dược Thái Bình.
13 trường lần đầu tiên sử dụng kết quả thi SPT trong năm tới là các trường: Đại học Sư phạm Kỹ thuật Vinh, Đại học Xây dựng Hà Nội, Học viện Quản lý giáo dục, Đại học Thủ đô Hà Nội, Đại học Tây Bắc, Đại học Hải Phòng, Đại học Hạ Long, Đại học Hoa Lư, Đại học Hồng Đức, Đại học Tây Nguyên, Đại học Thủ Dầu Một, Học viện Phụ nữ Việt Nam.
Năm nay, kỳ thi đánh giá năng lực của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội diễn ra vào ngày 17-18/5 với 8 môn: toán, ngữ văn, tiếng Anh, vật lý, hóa học, sinh học, lịch sử, địa lý. Đề thi kết hợp các dạng câu hỏi trắc nghiệm và tự luận với tỷ lệ điểm phù hợp theo cấu trúc từng bài; đánh giá mức độ thông hiểu kiến thức cốt lõi và năng lực lập luận, phân tích, đánh giá, giải quyết vấn đề và sáng tạo. Thí sinh làm bài trực tiếp tại phòng thi, trả lời các câu hỏi bằng cách tô trên phiếu trả lời trắc nghiệm và viết trên tờ giấy thi.
Thí sinh có thể tham dự kỳ thi SPT ở 4 điểm: Đại học Sư phạm Hà Nội, Vinh, Quy Nhơn và trường Đại học Sư phạm - Đại học Đà Nẵng. Thời gian đăng ký dự thi từ 15/3 đến 15/4; trường dự kiến công bố điểm thi SPT trước ngày 15/6/2025.
Tương tự, kỳ thi đánh giá của Bộ Công an cũng được tổ chức 3 năm qua; làm căn cứ xét tuyển vào các học viện, trường Công an Nhân dân. Với phương thức này, kết quả bài thi tốt nghiệp THPT của Bộ GD&ĐT sẽ chiếm 40% tổng điểm xét tuyển; kết quả bài thi đánh giá do Bộ Công an tổ chức chiếm 60% tổng điểm xét tuyển. Năm 2024 có khoảng 18.000 thí sinh tham gia kỳ thi đánh giá, tăng 20% so với năm 2023.
Ngoài các kỳ thi nêu trên, dự kiến năm 2025 sẽ có thêm kỳ thi riêng của Bộ Quốc phòng (để tuyển sinh vào khối trường quân đội) và Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2. Ngoài ra còn có kỳ thi đánh giá đầu vào do các trường đại học phối hợp với Trung tâm khảo thí quốc gia (Bộ GD&ĐT) tổ chức (kỳ thi V-SAT).
Dự báo, quy chế xét tuyển đại học năm 2025 sẽ có nhiều điều chỉnh. Vì vậy, các thí sinh cần tìm hiểu thông tin tuyển sinh của các trường để biết trường mình quan tâm sẽ sử dụng kết quả bài thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy như thế nào, từ đó có thể lên kế hoạch ôn thi tốt nhất.
Không nên thi nhiều lần, nhiều đợt
Về việc có nên đăng ký nhiều kỳ thi và nhiều đợt thi hay không, GS.TS Nguyễn Tiến Thảo, Giám đốc Trung tâm Khảo thí - ĐH Quốc gia Hà Nội cho biết: ngoài kỳ thi tốt nghiệp THPT, mỗi thí sinh chỉ nên thi thêm nhiều nhất 1 kỳ thi riêng và cũng chỉ nên thi 1 đợt để tránh lãng phí thời gian, nguồn lực, tiền bạc và dành cơ hội cho người khác.
“Các em hãy chuẩn bị tốt tâm lý, sức khỏe, kiến thức để thi 1 lần và đạt điểm cao nhất, phản ánh đúng năng lực của mình nhất. Hãy coi kỳ thi là một cuộc chiến để cố gắng và nỗ lực hết sức vì thực tế cho thấy, nếu thí sinh chỉ xác định chỉ thi 1 lần thì số đạt được sẽ cao ngay từ lần thi đầu tiên”, GS.TS Nguyễn Tiến Thảo chia sẻ.