70 năm giải phóng Thủ đô

Những "điểm nóng" đáng chờ đợi từ Hội nghị cấp cao ASEAN 37

Cẩm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực RCEP được coi là một trong những điểm nóng sẽ được bàn thảo tại Hội nghị cấp cao ASEAN 37 lần này.

Thông điệp mạnh mẽ từ ASEAN
Theo thông tin đưa ra tại họp báo, Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 37 và các Hội nghị Cấp cao liên quan sẽ diễn ra từ ngày 12 - 15/11 năm 2020 theo hình thức trực tuyến. Trong vai trò Chủ tịch ASEAN 2020, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc sẽ chủ trì Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 37, Hội nghị Cấp cao ASEAN - Trung Quốc lần thứ 23, Hội nghị Cấp cao ASEAN - Nhật Bản lần thứ 23, Hội nghị Cấp cao ASEAN - Hàn Quốc lần thứ 21, Hội nghị Cấp cao ASEAN - Ấn Độ lần thứ 17, Hội nghị Cấp cao ASEAN - Liên Hợp Quốc lần thứ 11, Hội nghị Cấp cao ASEAN - Hoa Kỳ lần thứ 8, Hội nghị Cấp cao ASEAN - Australia lần thứ 2, Hội nghị Cấp cao kỷ niệm ASEAN - New Zealand, Hội nghị Cấp cao ASEAN+3 lần thứ 23, Hội nghị Cấp cao Đông Á lần thứ 15, Hội nghị Cấp cao các nước tham gia đàm phán Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) và Hội nghị Thượng đỉnh các nhà Lãnh đạo nữ ASEAN. Nhân dịp này, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng sẽ chủ trì các Hội nghị Cấp cao Mê Công - Nhật Bản lần thứ 12 và Hội nghị Cấp cao Mê Công - Hàn Quốc lần thứ 2.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng chủ trì cuộc họp trực tuyến lần thứ 5 Nhóm Công tác liên ngành Hội đồng Điều phối ASEAN về các tình huống y tế công cộng khẩn cấp (ACCWG-PHE).
Dự kiến, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng sẽ tham dự Lễ Khai mạc và phát biểu chào mừng Hội nghị; Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Chủ tịch AIPA 41 phát biểu đại diện cho Việt Nam tại Hội nghị Thượng đỉnh các nhà Lãnh đạo nữ ASEAN.
Tại buổi họp báo, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng nhấn mạnh đây là dịp ASEAN đánh giá các hoạt động nội khối và đối ngoại cũng như định hướng trong tương lai. Diễn ra trong bối cảnh làn sóng đại dịch Covid-19 tác động mạnh mẽ, Hội nghị là dịp để lãnh đạo ASEAN khẳng định cam kết và quyết tâm chính trị mạnh mẽ nhằm duy trì hợp tác, ứng phó hiệu quả Covid-19, củng cố vai trò trung tâm và vị thế của ASEAN trong một thế giới đang chuyển động nhanh chóng, phức tạp và khó đoán định, Thứ trưởng khẳng định. 
Dự kiến có 20 cuộc họp quan trọng và nhiều hội nghị cấp cao liên quan được tổ chức với hơn 80 văn kiện sẽ được trình lãnh đạo thông qua - số lượng văn kiện lớn nhất từ trước đến nay.
Những "điểm nóng" đáng chờ đợi
Trao đổi về một số vấn đề nóng dự kiến được bàn thảo tại Hội nghị lần này trong đó có tiến trình đàm phán của Hiệp định RCEP và triển vọng ký kết tại Hội nghị cấp cao ASEAN 37 lần này, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng cho biết, đàm phán liên quan đến Hiệp định RCEP đã hoàn tất. Hiện nay, các nước tham gia đàm phán đang hoàn tất các thủ tục nội bộ để có thể ký kết. Nếu các thủ tục nội bộ của tất cả các nước hoàn tất kịp thời, lễ ký sẽ diễn ra trong ngày 15/11.
Hiệp định RCEP tốn nhiều năm để đàm phán, thương lượng, một khi được ký kết sẽ thể hiện tầm quan trọng, ý nghĩa lớn với khu vực, đặc biệt trong bối cảnh hiện nay thế giới chịu tác động rất nhiều, rất mạnh của dịch Covid-19, làm đứt gãy nhiều chuỗi cung ứng. Việc ký kết hiệp định RCEP tạo sức bật mới, cú hích mới cho sự phát triển thương mại trong khu vực đặc biệt là giữa các nước tham gia ký kết ở khu vực. Việc ký kết này có ý nghĩa rất lớn, là mong đợi của tất cả các nước, có ý nghĩa rất lớn với Việt Nam, là chủ tịch ASEAN năm nay, chúng ta góp phần làm cho đạt được thỏa thuận và đi đến ký kết hiệp định mà được mong ước từ rất lâu.
Bên cạnh đó, quỹ ASEAN ứng phó với Covid-19 đã nhận được mức đóng góp 10 triệu USD từ các nước ASEAN và đối tác, kho dự phòng vật tư y tế ASEAN, quy trình chuẩn ứng phó với các tình huống y tế cộng đồng khẩn cấp, trung tâm ASEAN ứng phó với các dịch bệnh mới nổi cũng sẽ được công bố nhân dịp này.
Về khả năng trao đổi các chính sách ngoại giao với Mỹ trong khuôn khổ hội nghị trước bối cảnh nước này có tổng thống mới đắc cử, ông Nguyễn Quốc Dũng khẳng định, quan hệ ASEAN - Mỹ với chiều dài 40 năm đã có nền tảng vững chắc. ASEAN luôn hoan nghênh Mỹ đóng vai trò quan trọng ở khu vực, có nhứng đóng  góp mang tính xây dựng, có trách nhiệm vào các vấn đề chung của khu vực, cũng như định hình trật tự khu vực dựa trên luật lệ, cũng như đóng góp vào duy trì hòa bình, ổn định và phát triển ở khu vực, nhất là trong thời điểm hiện nay để các quốc gia có môi trường ổn định, hòa bình cho phục hồi và phát triển.
“Chúng tôi cũng tin rằng, cho dù tổng thống nào của Mỹ cũng sẽ ủng hộ xu thế này trong quan hệ của ASEAN với Mỹ từ nhiều năm nay cũng như mong muốn của ASEAN trong thời gian tới để đưa quan hệ đối tác chiến lược giữa Mỹ với ASEAN ngày càng phát triển tốt đẹp hơn, vì những lợi ích chung và những lợi ích đó không chỉ của ASEAN mà chúng tôi tin chắc chắn rằng đó cũng là lợi ích của Mỹ”, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng cho hay.