Sáng 28/3, trình bày báo cáo tại Hội nghị tổng kết một số vấn đề lý luận và thực tiễn về công cuộc đổi mới theo định hướng xã hội chủ nghĩa trong 40 năm qua trên địa bàn Thủ đô Hà Nội, Phó Bí thư Thành uỷ Nguyễn Văn Phong cho biết, thực tiễn xây dựng chủ nghĩa xã hội qua 40 năm đổi mới ở Thủ đô Hà Nội chứng minh tính đúng đắn của quá trình phát triển nhận thức và tư duy lý luận về chủ nghĩa xã hội, con đường đi lên chủ nghĩa xã hội.
Vị thế Thủ đô ngày càng được nâng cao
Theo Phó Bí thư Thành uỷ Nguyễn Văn Phong, qua 40 năm thực hiện con đường đổi mới theo định hướng xã hội chủ nghĩa, những thành tựu lý luận về chủ nghĩa xã hội, con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Thủ đô Hà Nội được thể hiện tập trung trong các văn kiện Đại hội Đảng bộ TP Hà Nội và chương trình công tác lớn của Thành ủy Hà Nội từ khóa X – XVII.
Tại Đại hội đại biểu Đảng bộ TP Hà Nội lần thứ X (1986) là Đại hội mở đầu cho công cuộc đổi mới ở Hà Nội. Đại hội đã thẳng thắn chỉ ra những hạn chế trong nhận thức lý luận về chủ nghĩa xã hội, con đường đi lên chủ nghĩa xã hội. Đồng thời, đề ra đường lối xây dựng chủ nghĩa xã hội trên địa bàn Hà Nội theo hướng vừa xây dựng cơ chế chính sách đổi mới, vừa lựa chọn bước đi phù hợp để tổ chức triển khai hướng đến ổn định tình hình kinh tế - xã hội của Thủ đô theo hướng chuyển đổi cơ chế quản lý kinh tế, từ tập trung quan liêu bao cấp sang cơ chế hạch toán kinh doanh xã hội chủ nghĩa.
Đến Đại hội đại biểu Đảng bộ TP Hà Nội lần thứ XVII (2020) tiếp tục xác định 5 nhiệm vụ trọng tâm, 3 khâu đột phá và giao Thành ủy Hà Nội tập trung xây dựng 10 Chương trình công tác lớn của Thành ủy khóa XVII để thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội trong giai đoạn 2020 – 2025 và các chỉ tiêu, mục tiêu đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045. Có thể thấy, thực tiễn xây dựng chủ nghĩa xã hội qua 40 năm đổi mới ở Thủ đô Hà Nội chứng minh tính đúng đắn của quá trình phát triển nhận thức và tư duy lý luận về chủ nghĩa xã hội, con đường đi lên chủ nghĩa xã hội.
Theo Phó Bí thư Thành uỷ Nguyễn Văn Phong, 40 năm đổi mới so với lịch sử Đảng bộ TP Hà Nội là không dài song đã ghi dấu ấn một giai đoạn đầy khó khăn, thử thách với nhiều kết quả nổi bật. Cụ thể, công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị ở Thủ đô luôn được Đảng bộ TP coi trọng, nâng cao chất lượng. Hệ thống chính trị từ TP tới cơ sở không ngừng lớn mạnh cả về tổ chức, bản lĩnh chính trị và năng lực lãnh đạo.
Kinh tế Thủ đô từ nền kinh tế bao cấp theo cơ chế kế hoạch hóa tập trung, quan liêu đã từng bước chuyển sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế. Nhờ đó, Thủ đô Hà Nội nhanh chóng ra khỏi khủng hoảng thiếu, thoát khỏi Thủ đô nghèo và vị thế ngày càng được nâng cao. Kinh tế Thủ đô tăng trưởng liên tục từ năm 1986 đến nay và năng suất lao động ngày càng tăng (đạt bình quân trên 7%/năm).
Sau gần 40 năm đổi mới từ lý luận và thực tiễn cũng được khẳng định trên lĩnh vực phát triển văn hóa và xây dựng con người, Hà Nội đã đạt được những thành tựu to lớn, khá toàn diện, sâu sắc và nổi bật trên một số mặt. An sinh xã hội được đảm bảo, nhất là công tác xóa đói, giảm nghèo, giải quyết việc làm, chăm sóc các đối tượng chính sách xã hội. Tính đến hết năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn TP Hà Nội giảm còn 0,03%; tỷ lệ hộ cận nghèo 0,7%.
Bên cạnh đó, thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh có nhiều đổi mới, sáng tạo, sát với tình hình thực tiễn. Niềm tin của cán bộ, đảng viên và toàn dân đối với sự lãnh đạo của Đảng, nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ Thủ đô được nâng lên. Công tác đối ngoại của TP Hà Nội đã có những bước chuyển mình tích cực. Đến nay, Hà Nội đã ký thỏa thuận hợp tác với 61 Thủ đô, TP các nước; có quan hệ kinh tế thương mại với gần 200 quốc gia và vùng lãnh thổ…
Xác định 9 nhóm giải pháp phát triển Thủ đô
Phó Bí thư Thành uỷ Nguyễn Văn Phong cho biết, Thành ủy Hà Nội xác định 9 nhóm vấn đề và đề xuất giải pháp Thủ đô cần phải giải quyết trong giai đoạn phát triển mới.
Theo đó, để tiếp tục công cuộc đổi mới của Đảng, các cấp uỷ, tổ chức đảng và hệ thống chính trị của Thủ đô Hà Nội sẽ tập trung triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả mô hình chủ nghĩa xã hội Việt Nam trên địa bàn. Phát huy cao độ sự đồng thuận xã hội, vai trò lãnh đạo của tổ chức đảng, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp Nhân dân nhằm hoàn thành mục tiêu đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Để phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa trên địa bàn Thủ đô, TP Hà Nội sẽ tiếp tục nghiên cứu lý luận và thực tiễn, bổ sung, hoàn thiện mô hình kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa trên địa bàn Thủ đô. Đẩy mạnh cơ cấu lại kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và lấy khoa học, công nghệ cao, đổi mới sáng tạo là động lực then chốt để phát triển kinh tế - xã hội; phát huy hiệu quả nguồn lực trí tuệ con người.
Bên cạnh đó, phát triển mạnh mẽ sự nghiệp văn hoá, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, xứng đáng là trung tâm lớn về GD&ĐT, KH&CN, y tế; bảo đảm an sinh, phúc lợi xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống của Nhân dân Thủ đô. Nâng cao chất lượng công tác quy hoạch, thực hiện nghiêm việc quản lý quy hoạch; đẩy mạnh xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, phát triển và quản lý đô thị; khai thác, sử dụng hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường.
Ngoài ra, bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội Thủ đô trong mọi tình huống. Đẩy mạnh công tác đối ngoại, hội nhập quốc tế, hợp tác phát triển, nâng cao vị thế, uy tín của Thủ đô. Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nâng cao năng lực, sức chiến đấu của tổ chức đảng, đảng viên; xây dựng hệ thống chính trị Thủ đô thực sự gương mẫu, trong sạch, vững mạnh.
Đặc biệt, hoàn thiện hệ thống pháp luật về Thủ đô với cơ chế, chính sách phù hợp, đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới. Theo đó, TP Hà Nội tập trung rà soát, hoàn thiện hệ thống pháp luật với các cơ chế, chính sách đặc thù vượt trội cho Thủ đô. Đẩy mạnh cải cách hành chính, cắt giảm, đơn giản hoá thủ tục hành chính.
Tăng cường phân cấp, ủy quyền trên một số lĩnh vực nhằm tạo sự chủ động, tăng tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại của Thủ đô gắn với cơ chế kiểm soát quyền lực. Nghiên cứu, tổng kết mô hình thí điểm việc thực hiện không tổ chức HĐND cấp phường trên địa bàn Hà Nội, hoàn thiện tổ chức, bộ máy chính quyền Thủ đô theo hướng tinh gọn, hiện đại, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, liên thông.