Trong cuộc sống với những bộn bề lo toan, đôi khi chúng ta quên đi mất những quan tâm nhỏ nhặt cho người thân trong gia đình. Chúng ta chỉ đơn thuần cho rằng, mỗi tháng cho ông bà cha mẹ một số tiền nào đó, để họ có thể tự do mua những món đồ họ thích. Nhưng có bao nhiêu ông bà, cha mẹ tự đi mua đồ cho bản thân? Phải chăng phần lớn, họ sẽ để dành số tiền ấy và rồi sẽ cho lại con cháu vào một dịp lễ Tết nào đó? Hoặc nếu họ tự mua đồ cho bản thân, họ cảm thấy món đồ ấy rất bình thường?
Tôi vẫn nhớ như in một chiều 30 Tết, trong lúc ra phố mua thêm chút đồ còn thiếu, tự nhiên chợt nghĩ mình nên mua cho bố vài bộ quần áo dài tay mặc ở nhà. Khi đưa đồ cho bố, tôi thấy ông thoáng chút ngạc nhiên, và dù không tỏ ra vui mừng như trẻ con được mua quần áo mới nhưng nhìn vào ánh mắt tôi biết ông đang rất vui. Chuyện sẽ không có gì đáng nói khi tôi thấy bố mặc bộ đồ mới mua ấy vào sáng mùng 1 Tết.
Nhìn lại, hóa ra lâu lắm rồi bố không có bộ đồ mới nào, chợt thấy sống mũi cay cay, lẽ ra mình cần mua thêm vài bộ đồ có thể mặc đi chơi nữa, nhưng hôm nay chẳng thể đi mua được nữa. Bản thân cảm thấy áy náy vô cùng, khi còn nhỏ, cứ đến năm mới là bố mẹ sẽ mua cho mỗi anh chị em một bộ đồ mới, vậy mà khi bố mẹ già đi, mấy đứa con vô tâm không để ý đến chuyện áo quần của bố mẹ. Kể từ đó tôi để ý đến chuyện quần áo của bố mẹ hơn, có thể cho bố mẹ tiền mặt ít hơn nhưng sẽ luôn mua đủ quần áo từ mùa Hè đến mùa Đông, những đôi giày dép, kể cả đồ lót.
Người lớn tuổi, đôi khi không phải vì bản thân họ không biết đi mua đồ, không biết ăn ngon, mà cái họ muốn được nhận đó là sự quan tâm của con cái, là biết rằng con cái vẫn luôn nhớ đến mình. Họ không cần chúng ta phải làm điều gì lớn lao, chỉ cần quan tâm đến những điều nho nhỏ trong cuộc sống hàng ngày của họ là đủ vui rồi.
Bà nội không ở cùng gia đình tôi, nên mỗi khi nấu món ăn ngon lạ bố mẹ sẽ nhắc chúng tôi gọi bà qua nhà ăn hoặc mang riêng một phần qua cho bà. Và lần nào ăn bà cũng ăn thật ngon và vui vẻ, rồi đi khoe khắp nơi rất tự hào “Hôm qua nhà thằng K nấu bún riêu cua mang cho một bát ăn mát ruột lắm”. Có đồ ngon lạ cả nhà luôn nhớ tới bà, muốn bà được thưởng thức chứ cũng không nghĩ sẽ khiến bà vui đến vậy.
Bà luôn bảo: “Chỉ có nhà mày hay nấu món này món kia cho bà ăn, bà sống ngày nào thì được hưởng ngày đó, chứ chết rồi có mang được gì đâu, cúng mâm cao cỗ đầy rồi chúng mày ăn với nhau chứ bà chết rồi ăn được thế nào nữa". Nghe bà nói vừa buồn cười vừa thương, nhưng ngẫm cũng đúng. Khi ông bà cha mẹ còn sống không được ăn ngon, đến khi chết đi thì bày mâm cao cỗ đầy khóc lóc nhớ thương, để làm gì?
Chúng ta càng lớn lên, đồng nghĩa cha mẹ mỗi ngày một già đi. Ở cái tuổi gần đất xa trời, họ muốn được gần con cháu nhiều hơn, muốn được quan tâm nhiều hơn, trò chuyện nhiều hơn cùng con cháu.
Nhớ có lần, cả mấy tháng tôi không về nhà, khi vừa về tới là tôi chạy qua thăm bà nội ngay, bà nhìn tôi rồi hỏi “cháu là con nhà ai?”. Tôi ngớ người nghĩ bà đang đùa “cháu là cháu của bà", “ừ biết là cháu rồi nhưng tên là gì ấy bà quên rồi". Bà đã có dấu hiệu mất trí nhớ, có thể do lâu quá tôi không gặp và trò chuyện với bà.
Hôm đó tôi ngồi nói chuyện cả buổi với bà, sau nếu không về nhà thường xuyên được tôi cũng gọi điện nói chuyện thường xuyên với bà nhiều hơn. Không biết do trí nhớ bà tốt hơn hay do thường nói chuyện mà từ đó đến nay bà chưa quên tôi lần nào nữa.
Thế đấy, việc quan tâm đến ông bà cha mẹ không chỉ đơn thuần là cho tiền, là mua đồ quý đắt tiền tặng, vì đó không phải là những thứ họ cần. Họ chỉ cần những thứ bình dị nhỏ nhặt hàng ngày, nấu cho họ món ăn ngon, mua cho họ bộ quần áo mặc hàng ngày, và thường xuyên trò chuyện với họ, chỉ vậy thôi là đủ rồi. Nhưng có bao nhiêu người trong chúng ta làm được những điều nhỏ nhặt ấy?.