Những điều cần biết về Adenovirus, đối tượng nào dễ nhiễm bệnh?

Hoàng Hà Linh - Viện Y học ứng dụng Việt Nam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Adenovirus là một loại virus có thể gây ra nhiều loại bệnh như nhiễm trùng đường hô hấp trên và dưới, nhiễm trùng đường tiêu hóa, nhiễm trùng thần kinh và nhiễm trùng mắt. Trong một số trường hợp, virus gây bệnh nặng và có thể dẫn đến tử vong.

Sự bùng phát của adenovirus đang trở nên phổ biến ở châu Á, đặc biệt ở khu vực các trường học, các cơ sở y tế, bệnh viện, khu quân sự,...

Adenovirus là gì?

Adenovirus là một nhóm các loại virus, có khả năng gây bệnh ở mọi nhóm tuổi. Có ít nhất 90 loại virus thuộc nhóm adenovirus khác nhau. Một khi bạn tiếp xúc với adenovirus, khoảng thời gian trước khi các triệu chứng xuất hiện (thời gian ủ bệnh) thay đổi từ 2 ngày đến 2 tuần. Hầu hết mọi người sẽ có các triệu chứng trong 5-6 ngày sau khi tiếp xúc. Bạn cũng có thể mắc bệnh do virus đã có trong cơ thể (nhiễm trùng tiềm ẩn) và hoạt động trở lại (tái hoạt động).

Adenovirus được truyền từ người sang người như thế nào?

Bạn có thể bị nhiễm adenovirus khi tiếp xúc với người khác có virus hoặc do chạm vào bề mặt hoặc vật thể bị nhiễm virus. Bạn cũng có thể mắc do hít phải virus trong các giọt nhỏ trong không khí từ người ho hoặc hắt hơi. Virus có thể tồn tại đến 30 ngày trên bề mặt môi trường. Virus này cũng đã được báo cáo tìm thấy trong nước không được khử trùng bằng clo và đã gây ra bệnh viêm kết mạc (mắt đỏ) do bơi trong những vùng nước như vậy.

Các bệnh nhi mắc Adenovirus đang được điều trị tại Bệnh viện Nhi Trung ương.
Các bệnh nhi mắc Adenovirus đang được điều trị tại Bệnh viện Nhi Trung ương.

Đối tượng nào có nguy cơ bị nhiễm adenovirus cao nhất?

Nhiễm Adenovirus có thể xảy ra vào bất kỳ mùa nào nhưng chúng có xu hướng cao điểm vào mùa đông và đầu mùa xuân. Hầu hết các trường hợp nhiễm adenovirus xảy ra ở trẻ nhỏ (dưới 5 tuổi). Người lớn ở trong môi trường khép kín hoặc đông đúc, chẳng hạn như trong ký túc xá, khu quân đội, viện dưỡng lão hoặc bệnh viện cũng có nguy cơ mắc bệnh cao hơn.

Các triệu chứng của nhiễm adenovirus là gì?

Hai hệ thống cơ quan phổ biến nhất bị ảnh hưởng bởi adenovirus là đường hô hấp và đường tiêu hóa. Các triệu chứng có thể xuất hiện như một bệnh nhiễm trùng đường hô hấp trên. Người mắc cũng có thể bị nhiễm trùng đường hô hấp dưới như viêm phế quản hoặc viêm phổi. Các triệu chứng thường gặp bao gồm ho, sốt, thở nhanh, thở khò khè và đau họng.

Adenovirus cũng có thể gây tiêu chảy, nhiễm trùng mắt (viêm kết mạc hoặc mắt đỏ) và thậm chí nhiễm trùng đường tiết niệu. Hiếm hơn, nó có thể liên quan đến các vấn đề về gan (viêm gan), não (viêm não) và/hoặc tim (viêm cơ tim). Hầu hết các trường hợp nhiễm trùng đều nhẹ và tự khỏi mà không cần điều trị. Tuy nhiên, vẫn có trường hợp người mắc tiến triển thành bệnh nặng, có thể dẫn đến suy hô hấp và tử vong.

Adenovirus được điều trị như thế nào?

Nhiều người bị nhiễm adenovirus không cần điều trị do tính chất nhẹ của các triệu chứng. Chăm sóc hỗ trợ có thể bao gồm kiểm soát dịch tiết ở mũi bằng cách rửa và hút thường xuyên. Tuy nhiên, ở một số người, adenovirus có thể dẫn đến bệnh nặng và thậm chí tử vong. Những người bị suy hô hấp hoặc các triệu chứng đường tiêu hóa nghiêm trọng, hoặc những người có chức năng miễn dịch thấp (suy giảm miễn dịch) có thể cần điều trị bằng thuốc kháng virus như cidofovir.

FDA Hoa Kỳ đã phê duyệt một loại vaccine chống lại một số chủng adenovirus (serotype 4 và 7), vốn liên quan đến các đợt bùng phát và các trường hợp nghiêm trọng. Tuy nhiên hiện nay vaccine chưa được cung cấp rộng rãi. Vì vậy, hãy thực hiện các biện pháp để ngăn ngừa nhiễm adenovirus, bao gồm:

- Rửa tay thường xuyên

- Tránh chạm vào mắt, mũi và miệng bằng tay chưa rửa

- Làm sạch các bề mặt thường xuyên được chạm vào (như mặt bàn, tay nắm cửa,...) bằng cồn

- Tránh tiếp xúc gần với những người bị bệnh

- Nếu đã mắc bệnh, hãy ở nhà và cách ly để tránh lây nhiễm thêm

Sự phát tán virus (sau khi được giải phóng khỏi cơ thể) có thể tiếp tục trong nhiều ngày đến vài tuần, ngay cả sau khi người mắc đã khỏi bệnh. Do đó những người đã bị nhiễm vẫn có thể lây lan cho người khác ngay cả khi họ đã hoàn toàn hết các triệu chứng.

Sự khác biệt giữa adenovirus và coronavirus?

Adenovirus và coronavirus gây ra các bệnh nhiễm trùng có nhiều triệu chứng chung, vì vậy khó có thể phân biệt được hai bệnh này. Cả hai đều có thể lây truyền qua đường hô hấp hoặc tiếp xúc trực tiếp. Nhưng adenovirus có thể tồn tại lâu hơn coronavirus vì chúng có khả năng chống lại chất khử trùng cao hơn.

Coronavirus có thêm một lớp bao phủ vỏ protein của chúng (capsid). Vỏ là một màng bao gồm các chất béo và protein để bảo vệ virus khi virus ở bên ngoài tế bào chủ. Khi các lớp bọc bị vỡ, virus sẽ mất đi các protein khiến chúng có thể lây nhiễm. Adenovirus không có thêm màng bọc, việc này thực sự làm cho chúng có khả năng chống lại các chất khử trùng tốt hơn.

Nếu chỉ chẩn đoán virus Adeno thông qua triệu chứng thì có thể nhầm lẫn với các bệnh đường hô hấp do các virus khác gây ra. Adenovirus có thể được chẩn đoán chính xác bằng việc thực hiện các xét nghiệm phát hiện virus trong mẫu bệnh phẩm hoặc phát hiện các kháng nguyên (chất cụ thể mà virus tạo ra). Hiện nay, có thể chẩn đoán virus Adeno bằng 2 phương pháp sau:

- Test nhanh bằng mẫu bệnh phẩm phân

- Test Realtime PCR mẫu bệnh phẩm dịch tỵ hầu

Nếu bạn bị ho, sụt sịt hoặc đau họng, rất có thể bạn đã bị nhiễm adenovirus. Adenovirus thường nhẹ và tự khỏi mà không cần điều trị y tế. Trong thời gian mắc bệnh, bạn nên uống nhiều nước và nghỉ ngơi nhiều hơn. Tuy nhiên, hãy tìm đến sự trợ giúp của y tế khi các triệu chứng kéo dài hơn 2 tuần, chuyển nặng hoặc khi bạn đã mắc các bệnh gây suy giảm miễn dịch.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần