KTĐT - Khi bạn thức giấc vào buổi sáng, năng lượng sẽ tập trung vào não. Bạn sẽ có cảm giác phấn chấn cho công việc của ngày mới. Đó là trạng thái phấn chấn dành cho trí óc sau một giấc ngủ dài.
Khoảng thời gian gần hai tiếng đồng hồ nghỉ trưa ở công sở, bạn thường làm gì? Đa số câu trả lời sẽ là: “Ăn trưa xong là tranh thủ ngủ ngay, để còn sức "chiến đấu" cho buổi chiều”.
Đó có phải là giải pháp tốt nhất? Theo GS - bác sĩ chuyên khoa Tâm lý học Komatsubara Naho (Bệnh viện Trung ương Fukuoka, Nhật Bản): “Nếu bạn sử dụng hầu hết thời gian nghỉ trưa cho việc ngủ thì thật lãng phí và không có lợi cho cơ thể như bạn vẫn nghĩ.
Khoảng thời gian nghỉ trưa tuy ngắn nhưng nếu khéo léo sắp xếp thì vẫn có thể khá “sinh động”, mang đến cho bạn tinh thần minh mẫn và thể trạng sảng khoái cho nửa ngày làm việc còn lại”.
“... 5 phút thôi là khiến ta vui rồi!”
Lịch làm việc mỗi ngày với hàng núi công việc khiến bạn dễ cảm thấy quá tải. Vì thế, vào giờ nghỉ trưa, chỉ cần dành 5 phút để nhắm mắt lại, thư giãn đầu óc một chút, chắc chắn bạn sẽ có thêm nguồn năng lượng mới để tiếp tục công việc.
Từ buổi sáng đến khoảng giữa trưa, trong đầu bạn đã đầy ắp thông tin, giống như tờ giấy trắng đã được ghi chú nhiều. Những khoảng trống còn lại trên giấy, nếu bạn cố ghi thêm sẽ quá đầy, và sẽ khó khăn hơn khi muốn tìm kiếm thông tin. Thật khó để tập trung vào công việc nếu bị quá tải.
Khi bạn thức giấc vào buổi sáng, năng lượng sẽ tập trung vào não. Bạn sẽ có cảm giác phấn chấn cho công việc của ngày mới. Đó là trạng thái phấn chấn dành cho trí óc sau một giấc ngủ dài. Và sau nhiều nghiên cứu, các nhà khoa học cũng đã thấy rằng: giữa buổi nghỉ trưa, chúng ta chỉ cần chợp mắt khoảng 5 phút, nghỉ ngơi thật sự là đã đủ cho cơ thể được nghỉ ngơi.
Nếu ngủ trưa trong vòng 5 phút thì sự chuyển động trong trí não của bạn sẽ vượt trội hơn hẳn khi xử lý công việc so với những người không ngủ trưa. Khi bạn thức, thông tin bị nhốt trong ký ức ngắn hạn ở thùy não. Khi chúng ta ngủ, thông tin di chuyển vào ký ức dài hạn trong vỏ não. Hiện tượng này không chỉ giúp não xử lý thông tin mới mà còn giải phóng “kho chứa” để não tiếp nhận thông tin mới.
Ngoài ra, những người sử dụng máy vi tính nhiều thường quên cho mắt nghỉ ngơi, đây cũng là một nguyên nhân dẫn đến mệt mỏi. Đôi mắt của chúng ta cũng như cơ bắp của các vận động viên, sau mỗi “trận đấu” cũng cần được xoa bóp để thư giãn, nghỉ ngơi.
“Dạo qua phố phường, dạo quanh thị trường”
Vào giờ nghỉ trưa, đừng để công việc quấy rầy bạn mà hãy dành một chút thời gian cho việc đi bộ. Đừng đi bộ những nơi như lên xuống cầu thang, hãy để cơ thể tự do dạo quanh những nơi mà bạn cảm thấy dễ chịu. Sau khi bạn dùng cơm trưa, dạ dày sẽ hoạt động và làm tiêu hóa thức ăn.
Lúc này, não rơi vào tình trạng không muốn hoạt động nữa, nên nếu có làm việc thì hiệu quả cũng giảm đáng kể. Vì vậy, sau bữa ăn trưa, bạn nên đi dạo một chút cho não được nghỉ ngơi. Đi dạo là một thói quen tốt. Bạn sẽ quan sát được sự biến đổi xung quanh mình theo từng ngày, từng mùa. Những lúc như thế, tâm trạng cũng trở nên phấn chấn hơn.
Trong quá trình đi dạo, có khi bạn lại nghĩ ra được nhiều ý tưởng, giải pháp mới cho công việc. Rất nhiều nhà khoa học nhờ đi dạo đã tìm ra phương hướng giải quyết vấn đề. Điều này có nghĩa, đến giờ nghỉ trưa, bạn hãy gác công việc sang một bên, đi ăn. Trong khi dùng cơm, đừng bận tâm về công việc, đừng suy nghĩ về những việc đại loại như: “Với email ấy, mình nên hồi âm thế nào?”, “Mình nên tiếp tục chuẩn bị tài liệu đó như thế nào?”...
“Bạn ăn trưa”
Đừng quên sử dụng “sức mạnh” của bữa cơm trưa để mở rộng mối quan hệ. Trong thế giới kinh doanh, việc gắn kết các mối quan hệ luôn đem lại những giá trị to lớn mà ai cũng có thể nhận ra.
Giáo sư Komatsubara chia sẻ: “Tôi có một người bạn là kỹ sư công nghệ, từng có thời gian dài làm việc tại Silicon Valley (Mỹ). Đến bây giờ, anh ấy vẫn giữ được mối liên lạc với hầu hết đồng nghiệp.
Anh cho biết, năm 2004, khi Google chưa phát triển mạnh mẽ như bây giờ, các kỹ sư ở Silicon Valley được mời những bữa cơm trưa để gặp gỡ các kỹ sư cấp cao của hãng. Nhờ đó, họ có rất nhiều động lực và được kích thích sáng tạo nhiều hơn. Không chỉ vậy, được gặp gỡ, dùng cơm trong một buổi trưa trong xanh tại thung lũng Silicon thì thật là thích, phải không bạn?”.
Các công ty ở Việt Nam hiện nay vẫn chưa có nhiều ý tưởng tương tự như thế trong công sở. Tuy nhiên, chúng ta nên dành thời gian của buổi trưa để gặp gỡ bạn bè, đối tác và mở rộng các mối quan hệ trong công việc, cũng như nhu cầu giao tiếp của bản thân. Nhờ những người bạn đó, bạn sẽ học hỏi được rất nhiều thứ từ việc khám phá các món ăn ngon, chia sẻ sở thích và các dự án...
Khi nào thì “mình không thể nào tập trung được nữa”?
Buổi sáng và chiều là thời gian dành cho sự tập trung, sáng tạo. Buổi trưa là khoảng thời gian thích hợp để thư giãn. Trong một ngày làm việc, bạn cần chú ý đến tiết tấu cảm xúc của mình. Buổi sáng, nếu đầu óc quá căng thẳng, mệt mỏi thì tiết tấu làm việc vào buổi chiều của cơ thể sẽ giảm sút hẳn đi. Buổi sáng, nếu quá tập trung xử lý các vấn đề phức tạp thì buổi chiều, trí não không thể tập trung cho công việc tiếp theo nữa.
Có nhiều cách thư giãn vào buổi trưa để nâng cao hiệu suất làm việc cho nửa ngày còn lại. Điều quan trọng là bạn hãy lắng nghe và cảm nhận cơ thể đang ở trong tình trạng nào để sử dụng buổi nghỉ trưa cho hiệu quả. Đừng để vẻ mệt mỏi bên ngoài làm ảnh hưởng đến chất lượng công việc cũng như hình ảnh mà bạn muốn tạo dựng trước đồng nghiệp!