Những đóng góp của Việt Nam vào hợp tác Mekong-Nhật

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tái khẳng định ủng hộ của Việt Nam đối với hợp tác Mekong-Nhật Bản và vai trò của hợp tác đối với sự thịnh vượng, ổn định và phát triển bền vững của khu vực Mekong nói riêng và Đông Á nói chung.

Tối 21/4, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng và đoàn đại biểu Việt Nam đã về tới Hà Nội, kết thúc tốt đẹp chuyến tham dự Hội nghị Cấp cao Mekong-Nhật Bản lần thứ tư diễn ra tại thủ đô Tokyo từ ngày 20-21/4, theo lời mời của Thủ tướng Nhật Bản Noda Yoshihiko.

Nhân dịp này, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã trả lời báo chí đi theo đoàn về kết quả và những đóng góp của Việt Nam vào thành công của Hội nghị.

- Xin Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho biết những nội dung và kết quả đạt được của Hội nghị Cấp cao Mekong - Nhật Bản lần thứ 4 vừa diễn ra tại Tokyo, Nhật Bản?

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn: Hội nghị đã kiểm điểm lại việc thực hiện Chương trình hành động 63, Sáng kiến hợp tác kinh tế-công nghiệp Mekong-Nhật Bản và Sáng kiến Thập kỷ Mekong Xanh. Các nhà lãnh đạo bày tỏ hài lòng về những kết quả đạt được trong 3 năm qua, đồng thời khẳng định còn nhiều việc phải làm trong thời gian tới; nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu phát triển của các nước thành viên, nâng cao hiệu quả của các hoạt động hợp tác và phát huy hơn nữa tiềm năng của cơ chế Hội nghị đã thông qua Chiến lược Tokyo.

Theo đó, các nhà lãnh đạo đã xác định ba trụ cột hợp tác mới của “Quan hệ đối tác vì tương lai thịnh vượng chung” giữa các nước Mekong và Nhật Bản giai đoạn 2013-2015 là: tăng cường kết nối trong khu vực Mekong và giữa Mekong với các nước bên ngoài thông qua phát triển hệ thống hạ tầng giao thông và các hành lang kinh tế như Hành lang Đông-Tây (EWEC), Hành lang phía Nam (SEC); xây dựng hạ tầng thông tin và truyền thông thế hệ mới; các biện pháp thuận lợi hóa thương mại và hiện đại hóa ngành hải quan…

Thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại giữa các nước và nâng vị trí của khu vực Mekong trong chuỗi giá trị toàn cầu thông qua: hỗ trợ việc thực hiện các hiệp định thương mại và đầu tư khu vực mà các nước Mekong và Nhật Bản tham gia; phát triển công nghiệp; cải thiện môi trường kinh doanh; thúc đẩy hợp tác công-tư; tăng cường giao lưu văn hóa và du lịch; hỗ trợ Tam giác phát triển Campuchia-Lào-Việt Nam và hợp tác Campuchia-Lào-Việt Nam.

Hợp tác về môi trường và an ninh con người với trọng tâm là giải quyết và nâng cao năng lực của các nước thành viên trong ứng phó với những thách thức chung của khu vực như biến đổi khí hậu, quản lý và sử dụng bền vững nguồn nước sông Mekong, ô nhiễm môi trường, thiên tai, bệnh tật, an ninh lương thực và an toàn thực phẩm. Các nhà lãnh đạo cũng thống nhất ủng hộ nghiên cứu về quản lý và phát triển bền vững nguồn nước Mekong, trong đó có tác động của đập thủy điện trên dòng chính.

Tại Hội nghị, Chính phủ Nhật Bản đã thông báo dành 600 tỷ yen ODA hỗ trợ các nước Mekong trong giai đoạn 2013-2015. Thái Lan cũng cam kết hỗ trợ các nước Mekong 883 triệu yen.

Chiến lược Tokyo cũng khẳng định quan điểm của các nước thành viên đối với các vấn đề an ninh chính trị của khu vực như vấn đề Bán đảo Triều tiên, chống phổ biến vũ khí hạt nhân và hủy diệt, và cải tổ Liên hợp quốc.

Riêng về vấn đề Biển Đông, các nước Mekong và Nhật Bản nhấn mạnh việc duy trì hòa bình, ổn định, an toàn và tự do hàng hải tại Biển Đông là nguyện vọng và lợi ích chung của các nước trong và ngoài khu vực; khẳng định rằng các bên liên quan cần giải quyết tranh chấp ở Biển Đông thông qua các biện pháp hòa bình trên tinh thần hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau, tuân thủ luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Luật Biển 1982 (UNCLOS), tôn trọng và thực hiện nghiêm túc, đầy đủ DOC và thúc đẩy việc sớm xây dựng COC.

Hội nghị đã giao các Bộ trưởng xây dựng Chương trình hành động mới cho giai đoạn 2012-2015 để thực hiện Chiến lược Tokyo và thống nhất họp Hội nghị Cấp cao Mekong-Nhật Bản lần thứ 5 vào thời điểm phù hợp trong năm 2013.

- Xin Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho biết sự quan tâm và đóng góp của đoàn Việt Nam tại hội nghị lần này?

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn: Việt Nam đã tham gia tích cực vào quá trình chuẩn bị Hội nghị, đặc biệt là xây dựng Chiến lược Tokyo.

Tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tái khẳng định ủng hộ của Việt Nam đối với hợp tác Mekong-Nhật Bản và vai trò của hợp tác đối với sự thịnh vượng, ổn định và phát triển bền vững của khu vực Mekong nói riêng và Đông Á nói chung. Thủ tướng cũng đã chỉ ra những nội dung ưu tiên mà cơ chế Mekong-Nhật Bản cần tập trung cho hợp tác giai đoạn tới.

Về kết nối khu vực, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc nâng cấp và hoàn thiện các hành lang giao thông liên quốc gia như Hành lang Đông-Tây (EWEC), hành lang phía Nam (SEC) và việc thực hiện Hiệp định tạo thuận lợi cho vận tải người và hàng hoá qua biên giới giữa các nước Tiểu vùng Mekong (CBTA).

Đặc biệt, Thủ tướng đã đưa ra sáng kiến phát triển hệ thống vận tải đa phương thức nhằm tăng cường kết nối giữa các Hành lang kinh tế trong khu vực Tiểu vùng Mekong. Sáng kiến này đã nhận được sự ủng hộ của Hội nghị. Thực hiện sáng kiến này sẽ giúp các nước Mekong tận dụng mạng lưới sông ngòi, kết hợp và hỗ trợ cho vận tải đường bộ và đường biển; tạo thuận lợi cho du lịch, lưu thông thương mại hàng hoá nhờ cắt giảm chi phí và thời gian vận tải; và góp phần bảo vệ môi trường thông qua cắt giảm khí thải giao thông.

Về quản lý và sử dụng nguồn nước sông Mekong, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh hợp tác giai đoạn tới cần ưu tiến hơn nữa cho các hoạt động cụ thể hỗ trợ các nước ứng phó với lũ lụt, thiên tai, xâm nhập mặn, bảm đảm an ninh lương thực và quan trọng hơn cả là tìm ra giải pháp lâu dài cho việc sử dụng bền vững nguồn nước sông Mekong.

Theo đó, ưu tiên trước mắt là nghiên cứu đánh giá một cách khoa học, tổng thể và hệ thống về các tác động đến môi trường và nguồn nước của việc khai thác, sử dụng nguồn nước sông Mekong, trong đó có tác động của thủy điện trên dòng chính. Những đề xuất này đã được sự thống nhất cao của Hội nghị.

Về hợp tác kinh tế thương mại, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định vai trò của khu vực tư nhân trong việc thực hiện các chương trình hợp tác Mekong Nhật Bản và đề nghị chú trọng phát triển ngành công nghiệp phụ trợ ở khu vực.

Trong thảo luận về các vấn đề khu vực và quốc tế, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nêu rõ quan điểm của Việt Nam về các vấn đề Bắc Triều Tiên, Biển Đông, vũ khí hủy diệt hàng loạt và cải tổ Hội đồng Bảo an.

Trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần