Những ghi nhận tích cực trong công tác dự báo, ứng phó bão số 16

Đức Thọ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong cơn bão số 16, lần đầu tiên, các tỉnh, TP khu vực Nam Bộ thực hiện khối lượng công việc rất lớn và hiệu quả trong kêu gọi tàu thuyền, sơ tán người dân, chằng chống nhà cửa và chủ động cho học sinh nghỉ học.

 Đường đi của bão Tembin.
Nam Bộ không còn chủ quan, lơ là với bão
Sau bão số 16 (bão Tembin), báo cáo ban đầu của các địa phương về tình hình thiệt hại tính đến hết ngày 26/12 như sau: Nhà bị sập hoàn toàn: 16 căn nhà tạm (Sóc Trăng 5, An Giang 6, Bạc Liêu 2, Trà Vinh 1, Kiên Giang 1, Cà Mau 1); nhà bị tốc mái, hư hại: 54 căn (Sóc Trăng 7, An Giang 41, Kiên Giang 6);

Diện tích cây ăn quả bị ngập: 744,5ha; phương tiện khai thác thủy hải sản bị thiệt hại: 13 chiếc (Côn Đảo, Bà Rịa Vũng Tàu). Một số cột điện, đèn giao thông bị đổ tại huyện Côn Đảo; sập 1 trụ điện trung thế tại huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau. Còn đối với diện tích lúa, hoa màu bị thiệt hại, các địa phương đang tiến hành kiểm tra, rà soát.

Trong khi đó, tại quần đảo Trường Sa và các nhà giàn DK trên biển, do có sự chuẩn bị chu đáo từ trước nên quân và dân trên đảo; cán bộ, chiến sĩ trên các nhà giàn DK cùng hàng trăm ngư dân tránh trú bão vẫn an toàn. Về vật chất, gần 80 tấm pin năng lượng mặt trời bị hư hỏng; cột Viettel, một số cây xanh gãy đổ; một số téc nước sinh hoạt bị bật nắp; hệ thống vườn, chuồng trại tăng gia bị thiệt hại không đáng kể.

Ngay sau khi bão tan, ngày 26/12 nhiều địa phương trong vùng dự báo bị ảnh hưởng do bão đã dỡ bỏ lệnh cấm biển, cho tàu thuyền ra khơi, đồng thời hàng vạn dân được sơ tán trước đó phấn khởi trở về nhà an toàn.

Theo đánh giá của Văn phòng Ban Chỉ đạo T.Ư về Phòng, chống thiên tai, công tác ứng phó với bão số 16, lần đầu tiên, các tỉnh, TP khu vực Nam Bộ thực hiện khối lượng công việc rất lớn và hiệu quả trong kêu gọi tàu thuyền, sơ tán người dân, chằng chống nhà cửa và chủ động cho học sinh nghỉ học.

Các địa phương đã sơ tán, di dời 430.703 người đến các điểm trú tránh bão, chằng chống 180.658 ngôi nhà. Kiên quyết, thậm chí cưỡng chế di dời với những hộ dân cố tình ở lại vùng dự báo nguy hiểm. Nhờ sự chủ động, quyết liệt ứng phó của các cấp, các ngành cùng người dân, bão số 16 đã không gây thiệt hại về người, thiệt hại về tài sản giảm thiểu ở mức thấp nhất.

Cũng phải nói rằng, lâu nay nhiều cán bộ và người dân Nam bộ có tâm lý chủ quan, thậm chí dửng dưng với bão, do vùng đất này đã rất nhiều năm không bị bão. Tuy nhiên, qua cơn bão số 16, đã có sự ghi nhận rất tích cực trong công tác ứng phó tại các địa phương này, tâm lý chủ quan qua đó được xóa bỏ.
Đưa ngư dân vào đảo Song Tử Tây tránh trú bão số 16. Ảnh: Đào Phương Chi.
Công tác dự báo bão sát với tình hình

Theo chia sẻ của ông Trần Quang Hoài - Tổng Cục trưởng Tổng cục Phòng, chống thiên tai, dự báo bão là công việc khó. Bên cạnh việc tự dự báo, các cơ quan dự báo khí tượng thủy văn trong nước còn tham khảo dự báo của các đài quốc tế. Trên thực tế trong cơn bão số 16, các cơ quan dự báo quốc tế cũng dự báo như chúng ta.

Các chuyên gia khí tượng thủy văn nhận định, bão số 16 xuất hiện ở Biển Đông vào cuối tháng 12 với cấp 12 là trái quy luật và dị thường. Với những diễn biến phức tạp, khó lường, không chỉ những người làm công tác dự báo của Việt Nam mà cả các Đài khí tượng thủy văn của các nước trên thế giới cũng rất khó khăn khi dự báo về cơn bão này.

Tuy nhiên, có 1 chi tiết, vào trưa 25/12, cơ quan khí tượng Nhật Bản dự báo bão ở cấp 12, giật cấp 15, sẽ ảnh hưởng trực tiếp Côn Đảo với sức gió mạnh nhất cấp 11, giật 14 và sau đó ảnh hưởng trực tiếp Cà Mau với sức gió mạnh nhất cấp 9, giật cấp 11. Việt Nam xác định vào thời điểm đó bão cấp 10 - 11, giật cấp 13 và sẽ ảnh hưởng trực tiếp Côn Đảo với sức gió cấp 9, giật cấp 12 và sẽ ảnh hưởng đất liền với sức gió cấp 8, giật cấp 11.

Đến đêm 25/12, hầu hết các Đài khí tượng quốc tế đều xác định bão số 16 ở mức cấp 8 và sẽ ảnh hưởng trực tiếp Cà Mau với sức gió cấp 8, giật cấp 10. Tuy nhiên, Việt Nam xác định bão số 16 đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới và sẽ tiếp tục suy yếu nhanh trong các giờ tiếp theo và chỉ có thể gây gió giật mạnh cho đất liền.

Lý giải về điều này, mới đây ông Hoàng Đức Cường - Giám đốc Trung tâm Dự báo KTTV T.Ư cho biết, các nước đều không dự báo đúng diễn biến của bão sau khi vào Biển Đông, nhất là về tốc độ suy yếu nhanh của bão. Do có các trạm đo ở khu vực Biển Đông nên Việt Nam xác định vị trí, cường độ bão sát với thực tế cơn bão. Qua đó giúp cho công tác ứng phó tại các địa phương được chủ động, hiệu quả.

Được biết, trong cơn bão số 16, Trạm KTTV ở Trường Sa đã bị gió mạnh, sóng biển, nước dâng cuốn bay mái, ngập nhà trạm 1m. Nhưng do chủ động phương án chống bão, 5 quan trắc viên của trạm vẫn liên tục thực hiện quan trắc 30 phút/1ca, từ đêm 24 đến ngày 25/12, truyền trực tiếp số liệu về Trung ương để phục vụ việc ra bản tin dự báo bão số 16 kịp thời.