Những giải pháp “xốc” lại ngành chăn nuôi

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Thay đổi mạnh mẽ cơ cấu, phương thức chăn nuôi và làm tốt công tác phòng dịch nhằm "xốc" lại ngành chăn nuôi trước thách thức do dịch bệnh, thiên tai, giá thức ăn chăn nuôi leo thang là những giải pháp được Bộ NN&PTNT đưa ra

KTĐT - Thay đổi mạnh mẽ cơ cấu, phương thức chăn nuôi và làm tốt công tác phòng dịch nhằm "xốc" lại ngành chăn nuôi trước thách thức do dịch bệnh, thiên tai, giá thức ăn chăn nuôi leo thang là những giải pháp được Bộ NN&PTNT đưa ra trong Hội nghị triển khai công tác Chăn nuôi - Thú ynăm 2011 vừa tổ chức tại Hà Nội.

Chuyển mạnh sang chăn nuôi gia cầm

Ông Hoàng Kim Giao, Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho biết: Năm 2011, ngành chăn nuôi vẫn tập trung phát triển đàn lợn, sau đó là gia cầm, bò sữa và các loại gia súc, gia cầm khác. Tuy nhiên, ngành sẽ khuyến khích người chăn nuôi chuyển mạnh sang gia cầm. Bởi hiện nay, tỷ lệ tiêu thụ thịt gia cầm của nước ta còn thấp, mới chiếm 12%, trong khi đó mức bình quân của thế giới là 30%. Điều đáng nói là hàng năm nước ta vẫn phải nhập một lượng lớn thịt gia cầm phục vụ cho tiêu dùng.

Một lý do nữa để thay đổi cơ cấu là chăn nuôi gia cầm tiêu tốn thức ăn ít hơn và mức độ gây ô nhiễm môi trường cũng thấp hơn gia súc. Cục Chăn nuôi đã xây dựng kế hoạch trong năm 2011, chuyển dịch mạnh sang chăn nuôi gia cầm nhằm nâng mức tiêu thụ gia cầm trong nước lên 20% trong tổng số lượng thịt tiêu thụ. Đồng thời, giảm mức tiêu thụ thịt lợn hiện nay trên 80% xuống dưới 70%. Trong chăn nuôi gia cầm lại cần ưu tiên cho gia cầm hướng trứng. Bởi hiện nay, mức tiêu thụ trứng gia cầm bình quân trên thế giới là 140 - 150 quả/người/năm, trong khi ở Việt Nam con số này mới đạt 67 quả. Tiếp đến là ưu tiên phát triển bò sữa.

Đẩy mạnh chăn nuôi tập trung

Năm 2010, ngành chăn nuôi chịu khá nhiều thiệt hại do dịch bệnh gây ra, đặc biệt là dịch tai xanh trên diện rộng. Trong năm, dịch cúm gia cầm cũng đã bùng phát tại 64 xã, phường của 23 tỉnh, thành phố làm 147.399 con gia cầm bị mắc bệnh, chết...

Chính vì thế, theo ông Hoàng Văn Năm, Cục trưởng Cục Thú y, để phát triển chăn nuôi bền vững, công tác phòng chống dịch được quan tâm đặc biệt, đẩy mạnh chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học.

Muốn kiểm soát tốt dịch bệnh, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát nhấn mạnh, cần phải thay đổi phương thức chăn nuôi, dựa vào tiến bộ kỹ thuật và quản lý chặt chẽ. Theo đó, hướng mạnh sang chăn nuôi trang trại, quy mô công nghiệp gắn với phòng trừ dịch bệnh và kiểm soát được môi trường, thực hiện chuỗi khép tín từ trang trại tới bàn ăn. Do đó, trong năm tới, các địa phương cần dựa trên điều kiện thực tế quy hoạch chăn nuôi theo vùng, bố trí quỹ đất cho phát triển chăn nuôi... theo Chiến lược phát triển chăn nuôi đến năm 2020 đã được Chính phủ phê duyệt.

Bộ NN&PTNT đã trình Thủ tướng Chính phủ chính sách khuyến khích phát triển chăn nuôi, trong đó ưu đãi về đất đai để đầu tư xây dựng cơ sở chăn nuôi gia súc gia cầm, cơ sở chế biến, giết mổ theo hướng trang trại, công nghiệp. Cụ thể, trường hợp phải thuê đất để sản xuất chăn nuôi được miễn hoặc giảm tối thiểu 50% tiền thuê đất trong 5 năm đầu và giảm tối thiểu 30% cho 5 năm tiếp theo cho các cơ sở chăn nuôi nằm trong vùng quy hoạch khuyến khích phát triển chăn nuôi.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần