Giữa trưa, tại cao nguyên Đắk Lắk, trên con đường đầy sỏi đá, gió thổi bụi đất đỏ bay ngập trời, chúng tôi tình cờ bắt gặp hai em Đào Thị Sía (8 tuổi) và Đào Thị Phượng (9 tuổi) cùng ở xã Ea Kiết, huyện Cư M’Gar, đang nhặt nhạnh ve chai. Cả 2 đang tuổi ăn tuổi lớn, so với bạn bè đồng trang lứa, chúng có phần dày dặn hơn vì phải sớm phụ bố mẹ mưu sinh.
Hỏi mới biết, cả 2 em do hoàn cảnh khó khăn nên dù đang thời điểm nghỉ hè cũng phải rủ nhau đi nhặt ve chai, kiếm tiền để cải thiện cuộc sống, đỡ đần thêm cho bố mẹ. Cả hai đều tự nguyện làm công việc này, chẳng ai ép buộc.
Mồ hôi nhễ nhại, uống vội chai nước lạnh chúng tôi đưa cho, em Đào Thị Phượng kể rằng: "Em đang theo học lớp 4 tại một trường tiểu học trên địa bàn. Nghỉ hè, thay vì được đi du lịch với gia đình như các bạn bè đồng trang lứa, em phải đi nhặt ve chai kiếm thêm tiền đưa cho bố mẹ. Nhặt ve chai cả ngày, nếu may mắn kiếm cũng được 50.000 đến 70.000 đồng, còn nếu ít thì chắc tầm hai chục nghìn, được đồng nào hay đồng ấy.
Tiếp lời, em Đào Thị Sía nói thêm: "Em học lớp 3, đang nghỉ hè, lúc này em có thời gian rảnh nên đi nhặt ve chai vì nhà nghèo quá. Em thường đi buổi sáng tới cuối buổi chiều rồi về. Số tiền kiếm được phụ bố mẹ mua thức ăn, trang trải chi phí sinh hoạt hằng ngày".
Với hầu hết trẻ em ở thành phố, nghỉ hè thường dành thời gian để vui chơi, tham gia các hoạt động giải trí, củng cố thêm tri thức chuẩn bị cho năm học mới. Khác với những bạn bè cùng trang lứa, mùa hè của trẻ em nghèo, đặc biệt là nhiều em đồng bào dân tộc thiểu số tại Đắk Lắk là thời điểm phải mưu sinh, san sẻ bớt gánh nặng cơm áo gạo tiền cho gia đình.
Chẳng ai ép buộc nhưng các em xem đó là trách nhiệm, bổn phận của người con đối với bố mẹ mình, nhất là khi cuộc sống lâm vào cảnh cơ hàn, đói rách.
Gặp Giàng Thị Mái chỉ mới 14 tuổi (cùng trú khu vực trên) cùng các em nhỏ đang chăn trâu giúp bố mẹ. Cả nhóm chỉ khoảng từ 6 đến 14 tuổi. Với những đứa trẻ người Mông này vào những ngày hè, hầu hết thời gian các em đều phải phụ giúp bố mẹ chăn trâu, cắt cỏ, kiếm củi, đi lấy măng, bẻ bắp.
Giàng Thị Mái chia sẻ rằng thường giúp bố mẹ đi trỉa bắp, hái đậu với đi chăn trâu. Lúc nào anh lớn đi chăn trâu thì mới được ở nhà nghỉ ngơi. Đi chăn trâu, làm rẫy cũng vui vì giúp đỡ được bố mẹ.
Vì hoàn cảnh khó khăn, đông con, nhiều gia đình đồng bào dân tộc thiểu số vẫn phải để các em cùng lên nương, lên rẫy hoặc đi làm thuê phụ giúp gia đình. Như gia đình chị Vàng Thị Xuân, bố mẹ có tận 8 đứa con nên vào hè, đứa thì phụ mẹ trông em, cháu thì sẽ cùng bố mẹ lên rẫy nương hái rau, măng rừng, bẻ bắp…
Lưu lại xã Ea Kiết chỉ vỏn vẹn 2 tiếng đồng hồ nhưng chúng tôi thấy được "kỳ nghỉ hè" của những học sinh vùng cao. Vẫn là những tiếng cười đùa thơ ngây cùng nhau nhưng đôi mắt đượm buồn, pha lẫn những âu lo cho tương lai chẳng biết ngày mai sẽ thế nào, sự học "giữa đường đứt gánh" hay không.
Được biết, toàn tỉnh Đắk Lắk có 507.911 trẻ em, chiếm 26,7% dân số. Trong đó, có 180.000 trẻ em dưới 6 tuổi và 4.875 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt (chiếm 0,95% tổng số trẻ em).