Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Những kẻ dùng vũ lực để bênh con

Thái San
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Có những phụ huynh đã hành hung trẻ khác để dằn mặt, “bảo vệ” con mình. Vụ bé 12 tuổi bị ông Trần Đức Hà (ở khu đô thị Ciputra, quận Bắc Từ Liêm) đánh đến chấn thương sọ não mới đây cần được xử lý nghiêm, nếu không, những hành vi côn đồ này sẽ còn tiếp diễn.

Liên tiếp các vụ đánh trẻ con
Theo phản ánh của chị Trịnh Thị Hải Yến, mẹ cháu N.A., trước đó, cháu N.A. chơi cầu lông cùng con trai ông Trần Đức Hà (SN 1970, trú tại phòng 701, nhà L2, Ciputra) tại sân bóng. Nhìn thấy N.A. cầm vợt cầu lông của con mình, ông Hà nghi ngờ cháu lấy vợt cầu lông của con nên đã hành hung cháu dã man. Sự việc có sự chứng kiến của ông Đỗ Xuân Chung (bảo vệ khu vui chơi).
 Ảnh minh họa.
Ngay sau đó, chị đã đề nghị bảo vệ trích xuất camera, lập biên bản sự việc. Chị Yến đã trình báo sự việc lên Công an phường Xuân Đỉnh. Công an đã lấy lời khai của các bên liên quan và yêu cầu gia đình đưa cháu N.A. đi giám định. Bệnh viện kết luận cháu N.A. bị chấn thương sọ não, chấn thương ngực, chấn động não, chấn thương phần mềm vùng ngực.
Chỉ ít ngày trước đó, một vụ việc tương tự, thậm chí là đánh trẻ có tổ chức xảy ra đối với cháu bé là nam sinh lớp 8 của trường THCS Quảng Ninh (xã Quảng Ninh, huyện Quảng Xương, Thanh Hóa).
Theo lãnh đạo trường THCS Quảng Ninh, đầu giờ học buổi chiều 30/10/2019, một nhóm 5 người đi ô tô đến cổng trường, rồi xông vào trường đánh em L.X.C. (học sinh lớp 8A của trường). Nguyên nhân dẫn đến sự việc trên được cho là do em C. giấu dép của em H. (nữ sinh lớp 8B cùng trường), gia đình H. nghĩ con mình bị bắt nạt nên đã kéo đến trường để hành hung em C.
Sự việc được giáo viên nhà trường kịp thời phát hiện và can ngăn. Gia đình đã đưa em C. đến bệnh viện kiểm tra sức khỏe, đồng thời đã làm đơn trình báo lên cơ quan công an. Dù kết quả thăm khám sức khỏe của em C. không có tổn thương nặng, nhưng việc hành hung của nhóm người trên ngay tại trường học khiến em bị sang chấn tâm lý.
Với hành vi đánh học sinh của nhóm người nêu trên, Công an xã Quảng Ninh đã quyết định xử phạt hành chính nhóm người trên; trong đó, có 3 người bị phạt mỗi người 1 triệu đồng về hành vi đánh người, 1 người bị phạt 1,4 triệu đồng về hành vi đánh người và xúi giục người khác đánh người.
Với các hành vi côn đồ, bạo hành trẻ em công khai nhưng không được xử lý nghiêm khiến dư luận rất bất bình. Hậu quả của việc đánh trẻ không chỉ dừng lại ở những chấn thương thông thường mà còn gây tổn thương về tâm lý, tinh thần cho các em sau này.
Cần khởi tố vụ án hình sự
Mới đây, Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam đã có văn bản đề nghị Công an quận Bắc Từ Liêm tiến hành điều tra, khởi tố vụ án hình sự đối với hành vi “cố ý gây thương tích đối với người dưới 16 tuổi có tính chất côn đồ” của ông Trần Đức Hà nhằm tránh bỏ sót chứng cứ cũng như bỏ lọt tội phạm.
UBND TP Hà Nội cũng đã có văn bản hỏa tốc gửi Giám đốc Công an TP yêu cầu chỉ đạo Công an quận Bắc Từ Liêm và các đơn vị nghiệp vụ có liên quan tổ chức, xác minh điều tra vụ việc, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm (nếu có) theo quy định của pháp luật.
Trao đổi với báo Kinh tế & Đô thị, luật sư Nguyễn Anh Thơm - Trưởng Văn phòng luật sư Nguyễn Anh cho biết, trẻ em là đối tượng đặc biệt được pháp luật Việt Nam và Công ước quốc tế bảo vệ. Điều 20 Hiến pháp 2013 quy định: “Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về sức khỏe, danh dự và nhân phẩm; không bị tra tấn, bạo lực, truy bức, nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm thân thể, sức khỏe, xúc phạm danh dự, nhân phẩm”.
Điều 27 Luật Trẻ em 2016 quy định về quyền được bảo vệ để không bị bạo lực, bỏ rơi, bỏ mặc “Trẻ em có quyền được bảo vệ dưới mọi hình thức để không bị bạo lực, bỏ rơi, bỏ mặc làm tổn hại đến sự phát triển toàn diện của trẻ em”.
Nhằm có căn cứ xử lý vụ việc, cơ quan điều tra cần trưng cầu giám định tỷ lệ thương tích của cháu bé theo quy định của pháp luật. Nếu kết quả giám định tỷ lệ thương tích cho thấy, các chấn thương vùng đầu (sọ não) là nghiêm trọng, nguy hiểm đến tính mạng cháu bé, ông Trần Đức Hà sẽ phải chịu trách nhiệm về tội “Giết người”, được quy định tại điểm b, n khoản 1 Điều 123 Bộ luật Hình sự.
Trường hợp kết quả giám định tỷ lệ thương tích của cháu bé không nguy hiểm đến tính mạng hoặc không nghiêm trọng dưới 11%, ông Trần Đức Hà cũng phải chịu trách nhiệm về tội “Cố ý gây thương tích” theo điểm c, i khoản 1 Điều 134 Bộ luật Hình sự.
Trong trường hợp cháu bé bị hành hung chỉ bị chấn thương phần mềm, không gây nguy hiểm đến tính mạng, sức khỏe, không có tỷ lệ thương tật (0%), ông Trần Đức Hà sẽ phải xử lý bằng biện pháp hành chính theo Nghị định 167/NĐ-CP với mức phạt tiền từ 2 - 3 triệu đồng đối với hành vi “Xâm hại đến sức khỏe của người khác”.
Ngoài việc xử lý hành vi hành hung cháu bé, ông Trần Đức Hà còn phải có trách nhiệm bồi thường toàn bộ các chi phí khám chữa bệnh, bồi bổ cơ thể, tổn hại tinh thần và các chi phí hợp lý, hợp lệ khác theo quy định của Bộ luật Dân sự.
Hiện tượng người lớn bạo hành trẻ trong gia đình, ở môi trường xã hội, trong đó có chuyện "bênh con mình, đánh con người khác" đang là vấn đề nhức nhối của xã hội. Để giảm thiểu hiện tượng này, ngoài việc tuyên truyền ý thức tuân thủ luật pháp, về quyền của trẻ em, cùng những biện pháp bảo vệ trẻ (đường dây nóng báo cáo các sự việc liên quan đến việc xâm hại trẻ, các tổ chức đứng ra tố cáo, khởi kiện...), cần nghiêm trị những hành vi côn đồ, làm tổn thương sức khỏe cả về thể xác lẫn tinh thần của trẻ em.

Hậu quả của việc đánh trẻ không chỉ dừng lại ở những chấn thương thông thường mà còn gây tổn thương về tâm lý, tinh thần cho các em sau này. Các vụ hành hung trẻ với bất kỳ lý do gì, nếu không bị xử lý nghiêm khắc, sẽ dẫn đến một lối ứng xử đầy bạo lực nhân danh “bảo vệ con” hay một lý do nào đó của những phụ huynh thiếu kiềm chế.