Sáng 30/9, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9/2023 và Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương.
Phiên họp thống nhất đánh giá, nhìn chung, tình hình kinh tế-xã hội tiếp tục xu hướng phục hồi tích cực, tháng sau tốt hơn tháng trước, quý sau cao hơn quý trước và đạt kết quả quan trọng trên nhiều lĩnh vực, với một số kết quả nổi bật.
Trong đó, kinh tế vĩ mô tiếp tục được duy trì ổn định; lạm phát được kiểm soát; tăng trưởng được thúc đẩy; các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm; nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài quốc gia, bội chi ngân sách nhà nước được kiểm soát theo Nghị quyết của Quốc hội.
Lạm phát nhìn chung có xu hướng giảm dần trong bối cảnh lạm phát thế giới neo ở mức cao: CPI bình quân 9 tháng tăng 3,16%, thấp hơn nhiều mục tiêu đề ra (khoảng 4,5%). Tăng trưởng phục hồi tích cực, quý sau cao hơn quý trước: GDP quý I tăng 3,32%, quý II tăng 4,14%, quý III tăng 5,33%; tính chung 9 tháng tăng 4,24%, thuộc nhóm nước tăng trưởng cao trong khu vực và thế giới.
Thị trường tiền tệ, tỷ giá cơ bản ổn định; mặt bằng lãi suất tiền gửi và cho vay mới bình quân giảm khoảng 1% so với cuối năm 2022. Thu ngân sách nhà nước 9 tháng đạt 75,5% dự toán năm, trong khi miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất 152,5 nghìn tỷ đồng và dự kiến cả năm sẽ đạt dự toán thu.
Xuất nhập khẩu tiếp tục xu hướng tích cực, xuất khẩu tháng 9 tăng 4,6%, nhập khẩu tăng 2,6% so với cùng kỳ; tính chung 9 tháng xuất siêu 21,68 tỷ USD (cùng kỳ là 6,9 tỷ USD). An ninh năng lượng (điện, xăng, dầu), an ninh lương thực được bảo đảm. Thị trường lao động phục hồi tốt, cơ bản bảo đảm cân đối cung cầu lao động (lực lượng lao động tăng 760.000 người so với cùng kỳ).
Các ngành, lĩnh vực chủ yếu phục hồi, phát triển ổn định, đặc biệt là lĩnh vực công nghiệp tiếp tục tăng trở lại, giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp quý III tăng 4,57% (quý II tăng 0,95%, quý I giảm 0,75%), trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 5,61%.
Đầu tư được thúc đẩy mạnh mẽ, trở thành một động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội quý I tăng 3,6%; quý II tăng 5,6%; quý III tăng 7,6%; tính chung 9 tháng tăng 5,9%.
Công tác quy hoạch được đẩy mạnh; hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông được tập trung đầu tư. Đã trình Quốc hội thông qua Quy hoạch tổng thể quốc gia; ban hành Quy hoạch điện VIII và nhiều quy hoạch ngành, lĩnh vực, vùng, tỉnh. Đến nay đã có 74 quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh đã thẩm định xong (27 quy hoạch đã được phê duyệt). Quyết liệt triển khai các Nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển 6 vùng kinh tế-xã hội; thành lập và chỉ đạo đẩy mạnh hoạt động, phát huy vai trò của 6 Hội đồng điều phối vùng.
Phát triển doanh nghiệp tiếp tục xu hướng tích cực. Trong tháng 9 có gần 12,7 nghìn doanh nghiệp thành lập mới, tăng 10,6% so với cùng kỳ; có trên 5,8 nghìn doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 13,5%.
Các lĩnh vực văn hoá, xã hội, giáo dục, y tế được chú trọng; an sinh xã hội và đời sống người dân tiếp tục được cải thiện. Thu nhập bình quân người lao động quý III tăng 146.000 đồng so với quý II; tính chung 9 tháng tăng 451.000 đồng so với cùng kỳ. Tỉ lệ hộ dân có thu nhập không thay đổi và tăng lên so với cùng kỳ là 94,1% (cùng kỳ năm 2022 là 83,2%).
Công tác cải cách thủ tục hành chính; sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế được đẩy mạnh; tích cực triển khai Đề án 06. Đã cắt giảm, đơn giản hoá 2.189 quy định kinh doanh; 68,8% thủ tục hành chính được cung cấp trực tuyến. Chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương; rà soát, sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã; đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia, triển khai Đề án 06…
Cùng với đó, tình hình chính trị, xã hội ổn định; quốc phòng, an ninh được giữ vững; trật tự an toàn xã hội cơ bản được bảo đảm. Công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tiếp tục được tăng cường, góp phần củng cố niềm tin trong nhân dân. Công tác đối ngoại, hội nhập quốc tế được đẩy mạnh, nhất là đối ngoại cấp cao, ngoại giao kinh tế; uy tín và vị thế quốc tế của Việt Nam tiếp tục được củng cố, nâng lên. Thông tin truyền thông được chú trọng, nhất là truyền thông chính sách.
Các tổ chức quốc tế tiếp tục đánh giá tích cực về Việt Nam. Đặc biệt, về chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) năm 2023, Việt Nam xếp hạng 46/132, tăng 2 bậc so với năm 2022; xếp hạng môi trường kinh doanh tăng 12 bậc; xếp hạng giá trị thương hiệu quốc gia tăng 01 bậc, xếp thứ 32/100 với trị giá 431 tỷ USD, có mức tăng trưởng nhanh nhất thế giới tính từ năm 2019 đến nay (74%).