Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Những ký ức hào hùng đi cùng năm tháng

Mai Linh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Những giá trị văn hóa truyền thống không những được thế hệ hôm nay giữ gìn vẹn nguyên mà ngày càng được lan tỏa, làm dày thêm bề dày văn hóa lịch sử của Hà Nội.

Sáng 10/10/1954, các đoàn quân từ các cửa ô tiến vào tiếp quản Thủ đô trong rừng cờ hoa đón chào của người dân Hà Nội. Ảnh: Tư liệu TTXVN
Sáng 10/10/1954, các đoàn quân từ các cửa ô tiến vào tiếp quản Thủ đô trong rừng cờ hoa đón chào của người dân Hà Nội. Ảnh: Tư liệu TTXVN

Hà Nội vào Thu thật đẹp, những con đường đầy lá vàng rơi, trong tiết trời se lạnh, phảng phất hương hoa sữa ngọt ngào, sớm mai có chút nắng, chút gió se lạnh, hanh hao nhưng không gắt gỏng, chiều về lại đỏng đảnh chút mưa bất chợt đến rồi đi khiến phố phường như được thay áo mới, lãng mạn hơn, mộng mơ hơn và cũng dịu dàng hơn.

Mùa Thu của Hà Nội đẹp không chỉ bởi cảnh vật, thiên nhiên, đất trời, mà còn đẹp hơn bởi là mùa Thu lịch sử. Một mùa Thu thiêng liêng, tự hào, đáng nhớ nhất của những người con Hà Nội và của bất kỳ người dân Việt Nam nào.

Cách đây 70 năm, cũng mùa Thu ấy, đã ghi dấu một sự kiện hào hùng, oanh liệt của quân và dân ta. Sáng 10/10/1954, cả Hà Nội nhộn nhịp, ngập trong rừng cờ, hoa, cổng chào, băng rôn và biểu ngữ. Hàng vạn người dân tràn ra đường, rạo rực trong ngày hội lớn, chào đón đoàn quân chiến thắng trở về. Chiều cùng ngày, hàng vạn người dân trang nghiêm dự lễ chào cờ do Ủy ban Quân chính tổ chức với sự có mặt của các đơn vị quân đội Nhân dân tham gia tiếp quản thành phố. Cờ đỏ sao vàng phấp phới tung bay trên đỉnh Cột cờ cổ kính... Cả Hà Nội hân hoan niềm vui giải phóng, tự hào về sức mạnh hùng hậu kháng chiến, vô cùng biết ơn Đảng và Bác Hồ kính yêu.

70 năm trôi qua, khói lửa, đạn bom, mất mát cũng đã qua đi nhưng những ký ức hào hùng, những xúc cảm của ngày giải phóng vẫn được thế hệ này qua thế hệ khác gìn giữ vẹn nguyên và lan tỏa mạnh mẽ, để hôm nay, chúng tôi được hòa chung, cảm nhận được sự phấn khởi, sự chộn rộn, niềm vui mừng hạnh phúc, sự tự hào của ngày vui giải phóng trong từng nếp nhà, góc phố thân quen, thông qua những hoạt động kỷ niệm đầy ý nghĩa của Thủ đô, để thêm khắc cốt ghi tâm và biết ơn những hy sinh thầm lặng của biết bao cha ông đã đổ xuống vì độc lập, tự do cho dân tộc.

Triển lãm trực tuyến chủ đề “Hỡi đồng bào Thủ đô!” kéo dài đến ngày 31/10, giới thiệu đến đông đảo công chúng những tài liệu lưu trữ và hình ảnh minh họa về cuộc đấu tranh chống Pháp của quân dân Hà Nội từ cuối thế kỉ 19 đến năm 1954, trong đó rất nhiều tài liệu lần đầu tiên công bố. Triển lãm dưới hình thức 3D trực tuyến giúp người xem có thể trải nghiệm không gian Hà Nội trong cuộc kháng chiến chống Pháp mọi lúc, mọi nơi.

Trưng bày “Ký ức Hà Nội 70 năm” tái hiện không gian Hà Nội xưa trong khu phố cổ Hà Nội giai đoạn toàn quốc kháng chiến của quân và dân Hà Nội tới ngày tiếp quản Thủ đô (1947 - 1954) sẽ diễn ra tại không gian bích họa Phùng Hưng, phường Hàng Mã đến ngày 13/10.

Triển lãm ảnh “Hà Nội - Ngày tiếp quản năm 1954” và chiếu phim tư liệu “Ký ức Hà Nội” sẽ diễn ra tại Trung tâm thông tin văn hóa Hồ Gươm, 2 Lê Thái Tổ, từ ngày 9/10 đến ngày 20/10.

Biệt thự di sản 46 Hàng Bài (49 Trần Hưng Đạo) sẽ là nơi diễn ra triển lãm ảnh “Hà Nội - Một thời để nhớ” gồm 86 bức ảnh đen trắng lần đầu tiên được công bố của hai tác giả Lê Bích và Andy Soloman (phóng viên người Anh), người xem sẽ thấy cảm nhận rõ sự biến đổi của Hà Nội trong thời kỳ đổi mới, một thời để nhớ, để trân trọng.

Tại Thủ đô yêu dấu, từ những tư liệu quý giá này, chúng tôi sẽ được ngược lại thời gian trở về những năm tháng hào hùng của dân tộc để thêm tự hào, thêm yêu, thêm trân trọng và biết ơn những hy sinh của cha ông. Và để chúng ta tin rằng, Hà Nội càng đẹp, càng phát triển, càng hiện đại bao nhiêu thì những giá trị văn hóa lịch sử này càng có bề dày và bền vững bấy nhiêu.