Những ký ức rực lửa về ngày thu tháng Mười

Vi Giáng/phapluatxahoi
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đã hơn thế kỷ trôi qua, thế nhưng ký ức về những tháng năm tuổi trẻ sục sôi cách mạng vẫn vẹn nguyên trong trái tim nhà giáo ưu tú, người chiến sĩ cách mạng Nguyễn Tiến Hà...

Thầy giáo ưu tú từ thời chiến…
Hà Nội, những ngày mùa thu tháng Mười, cuộc trò chuyện với nhà giáo ưu tú Nguyễn Tiến Hà – tên thật là Nguyễn Hữu Tự (SN 1928, quận Đống Đa, Hà Nội) cho chúng tôi được biết nhiều hơn về khí thế cách mạng đã trải qua 67 năm mùa thu lịch sử. Ngày đó, ông Nguyễn Tiến Hà là thanh niên đội tự vệ Đoàn thanh niên cứu quốc thành Hoàng Diệu, tham gia cách mạng năm 1944. Là lớp thanh niên được giác ngộ cách mạng sớm như ngọn cỏ khô gặp lửa cháy bùng lên, chỉ nghĩ đến chuyện cứu nước, cứu nhà, cứu thân.
Thời gian đầu, ông Tiến Hà tham gia làm giáo viên dạy Truyền bá quốc ngữ, tổ chức bí mật của Mặt trận Việt Minh (thành lập năm 1941). Nhớ lại những ngày cầm đèn dầu trong tay, đêm đêm người thanh niên quả cảm đến trường “Công Ích” ngõ Chùa Liên Phái, Bạch Mai (nay thuộc quận Hai Bà Trưng) để dạy chữ cho người lao động. Để giúp cho người dân lao động thoát khỏi nạn mù chữ, đọc được truyền đơn, báo chí cách mạng. Thông qua đó, giác ngộ, động viên, tập hợp họ theo Việt Minh làm cách mạng. Thế rồi thời cơ đã đến, ngày 19-8-1945, ông Tiến Hà đã có mặt trong đoàn quân cách mạng phá tan ách đô hộ phong kiến, thực dân, khởi nghĩa giành chính quyền ở Hà Nội.
 Nhà giáo ưu tú Nguyễn Tiến Hà. Ảnh NVCC
Không lâu sau đó, thực dân Pháp quay lại gây hấn. Ngày 19/12/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến. Ông Tiến Hà xung phong vào Quân đội nhân dân Việt Nam. Trận chiến đầu tiên khoác áo người lính là trong trận chiến quyết tử “Ô Cầu Dền” Bạch Mai thuộc Liên khu 2 (nay thuộc quận Hai Bà Trưng) góp phần cầm chân địch trong suốt 60 ngày đêm khói lửa.
Ông Tiến Hà nhớ lại: “Tôi là người lính trực tiếp tham gia bảo vệ chiến lũy “Ô Cầu Dền”. Do vũ khí hạn chế nên quân ta đắp những ụ đất, kê các cục gỗ, bàn gỗ đóng cọc, sắp xếp thành chiến lũy để cầm chân địch, đồng thời giúp cho bà con có thể an toàn sơ tán. Đội tự vệ Bạch Mai trực tiếp thay phiên nhau lên đắp chốt và được các đơn vị hội phụ nữ cứu quốc tiếp tế thức ăn.
Địch muốn bắn phá chiến lũy để thực hiện kế hoạch “đánh nhanh, thắng nhanh”, chúng điên cuồng nổ bom, bắn phá ác liệt. Trước khí thế cách mạng, quân ta kiên cường vùng lên, không có đại bác, quân ta dùng bom ba càng bắn vào xe tăng của địch. Mỗi một lần bắn bom ba càng là một lần chiến sĩ hi sinh thân mình nhưng các chiến sĩ không hề nao núng, thay nhau làm nhiệm vụ đó. Sự quả cảm của chiến sĩ bộ đội cụ Hồ từng khiến quân địch khiếp sợ”.
Giữa bom rơi lửa đạn, những người chiến sĩ không chỉ dũng cảm xông pha đối mặt với quân thù còn đối mặt cuộc sống “màn trời chiếu đất” vất vả trên mặt trận phòng ngự. Bằng tinh thần quật cường, chiến sĩ Hà Nội với biểu tượng chiến lũy “Ô Cầu Dền” đã kiên cường chiến đấu kìm chân địch suốt 21 ngày (từ ngày 25/12/1946 – 15/1/1947), góp phần làm thất bại âm mưu “đánh nhanh, thắng nhanh” của thực dân Pháp và thắng lợi chung trong 60 ngày đêm bảo vệ Thủ đô Hà Nội.
Sau trận chiến “Ô Cầu Dền”, năm 1948, ông Tiến Hà được điều động về vùng địch “tạm chiếm” thuộc nội ngoại hành Hà Nội để gây cơ sở với vỏ bọc “giáo sư”, dạy các môn Anh, Pháp, Toán. Hoạt động trong lòng địch, tên thật Nguyễn Hữu Tự của ông được đổi thành bí danh Nguyễn Tiến Hà, bí danh đó thực chất là việc gọi chệch của lời thề “Nguyện tiến về Hà Nội” (Nguyện đổi dấu thành Nguyễn) mà ông luôn nung nấu trong lòng.
 Ảnh tư liệu về chiến lũy ''Ô Cầu Dền'' năm 1946
Tháng 5/1950, ông bị địch bắt cùng sách vở với giấy tờ tùy thân, Căn cước giả mang tên Trần Hữu Thỏa, (1 bí danh khác), nghề nghiệp “giáo sư”. Tại Sở Mật thám Bắc Việt (nay là Sở Công an Hà Nội ở phố Trần Hưng Đạo), trước sự tra tấn, đòn roi man rợ nhưng không khuất phục được bản lĩnh cách mạng của người chiến sĩ Thủ đô.
Tại nhà giam, ông cùng với một số đồng chí khác đào tường vượt ngục trốn thoát. Trên đường ra căn cứ, do giao thông viên không thạo đường nên ông và 3 người nữa bị địch bắt lại. Lần này, chúng càng tra tấn ông dã man, tàn bạo hơn tưởng rằng đã chết, chúng đưa “xác” ông sang nhà lao Hỏa Lò (Maison Centrale) để phi tang. Nhờ sự săn sóc của đồng đội là các tù nhân chính trị, ông đã thoát khỏi lưỡi hái tử thần.
Từ cuối tháng 12/1950, ông bị chuyển sang giam ở nhà tù Hỏa Lò chờ ngày ra tòa xét xử. Ở đây ông được các đồng chí cử vào Ban Chi ủy, sau làm Bí Thư Chi bộ bí mật của nhà lao. Theo lệnh “Biến nhà tù đế quốc thành trường học” ông đã tham gia huấn luyện học chính trị, ngoại ngữ, văn hóa cho anh em tù nhân. Nhiều anh em quý mến gọi ông với tên gọi: Thầy giáo Thỏa hay thầy Hiệu trưởng Thỏa.
Cuối năm 1952, ông được trả tự do sau gần 3 năm sống trong nhà tù thực dân, ông tìm cách bắt liên lạc với đơn vị, hoạt động bán công khai với danh xưng Giáo sư Trần Hữu Thỏa. Trước ngày Giải phóng Thủ đô 10-10-1954, người chiến sĩ Thủ đô - thầy giáo Thỏa – Nguyễn Tiến Hà nghiêm trang trong bộ quân phục, sao vàng lấp lánh trên mũ, vinh dự đứng trong Đoàn quân Đại thắng tiến về tiếp quản Thủ đô, giữ trọn lời thề “Nguyện tiến về Hà Nội”. Trong những ngày đầu tiếp quản, do biết ngoại ngữ Anh, Pháp, ông được giao phụ trách Trại hàng binh Âu, Phi.
… Đến thời bình
Sau khi hoàn thành nhiệm vụ quân đội, năm 1955, ông Nguyễn Tiến Hà được chọn chuyển sang ngành giáo dục. Ông giữ nhiều cương vị như: Hiệu trưởng trường cấp II Tân Trào, vừa giảng dạy kiêm Bí thư Chi bộ; Hiệu trưởng trường cấp II, III Nguyễn Huệ với thành tích 3 lần nhận danh hiệu “Chiến sĩ thi đua” và nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ.
Năm học 1960-1961, ông Nguyễn Tiến Hà được cử đi bồi dưỡng tại trường ĐH Sư phạm Hà Nội. Trước phong trào “Giáo dục kết hợp với lao động sản xuất”, thầy giáo Nguyễn Tiến Hà đã trình bày với lãnh đạo nhà trường “Đề án đào tạo giáo viên cấp 3 dạy Kỹ thuật Nông nghiệp” và được cử Chủ nhiệm khoa Kỹ thuật Nông nghiệp trường ĐH Sư phạm Hà Nội. Sau này, ông Nguyễn Tiến Hà được cử về làm chuyên viên cao cấp ở Văn phòng Bộ Giáo dục&Đào tạo cho tới lúc nghỉ hưu vào tháng 4-1991. Ông được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú năm 2010.
Hiện nay, ông Nguyễn Tiến Hà giữ vai trò Trưởng ban liên lạc chiến sỹ cách mạng bị địch bắt tù đày tại Nhà lao Hỏa Lò (1930 - 1954), Phó Ban liên lạc cựu thanh niên cứu quốc thành Hoàng Diệu trước Cách mạng tháng Tám.
Dịp tháng Mười năm nay đặc biệt với nhà giáo ưu tú Nguyễn Tiến Hà khi Đoàn Thanh niên cứu quốc thành Hoàng Diệu vinh dự đón nhận danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân” do Thành ủy Hà Nội trao tặng vào ngày 8/10/2021.
.