Những lần gặp gỡ của tôi với Chủ tịch Hồ Chí Minh

Grigori Belov * - Nguyễn Thảo Nguyên (dịch)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong đời một con người thường có những lần gặp gỡ đọng lại suốt đời trong ký ức như sự kiện rực rỡ. Khoảng giữa những năm 60 thế kỷ trước tôi có mấy cuộc gặp gỡ như thế.

Số phận quân nhân những năm đó đưa tôi tới Việt Nam. Thời kỳ đó nước Việt Nam Dân chủ cộng hoà như một quốc gia độc lập có chủ quyền ở Đông Nam Á đang trải qua những năm tháng khó khăn .
 Chủ tịch Hồ Chí Minh với thiếu nhi Liên Xô tại Trại hè Quốc tế Artek bên bờ Biển Đen, trên bán đảo Crimea, ngày 23/8/1957. (Ảnh: TASS/TTXVN)
Những sự kiện mọi người đều biết trên vịnh Bắc Bộ vào tháng Tám năm 1964 đã trở thành cái cớ để không lực Hoa kỳ tiến hành chiến tranh trên không chống phá Miền Bắc Việt Nam.

Ngày 14 tháng Tám, tôi được gọi lên Matxcova theo lệnh của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Liên Xô, Nguyên soái Liên Xô R.IA. Malinovxki.
Trong câu chuyện ngắn gọn và tin cậy Bộ trưởng bảo tôi - thiếu tướng Belov Grigori Andrevitr, được Chính phủ giao phó nhiệm vụ quan trọng bên ngoài lãnh thổ Liên Xô: “Anh được giao phó - ông nhấn mạnh - chỉ huy các đơn vị quân đội Liên Xô với quân số hạn chế, được phái sang Việt Nam (VNDCCH) để giúp đỡ trong cuộc đấu tranh chống xâm lược Mỹ. Quyết định của Chính phủ Liên Xô giúp đỡ Việt Nam đã được thông qua, mấy hôm nữa anh sẽ phải bay sang Hà Nội - Thủ đô nước VNDCCH”.

Như vậy tôi đến Việt Nam trong vai trò Trưởng đoàn chuyên gia quân sự Liên Xô (tên gọi chính thức của quân nhân Quân đội Liên Xô tại Việt Nam).

Bắt đầu những công việc bận rộn thường ngày để xây dựng tuyến phòng không bảo vệ các thành phố Hà Nội, Hải Phòng, hướng dẫn các chiến sĩ Phòng không và Không quân của Quân đội nhân dân Việt Nam những kỹ năng tác chiến của bộ đội cao xạ tên lửa chống máy bay Mỹ.

Tôi không kể lại ở đây toàn bộ những sự kiện thời đó, hơn thế đã có cuốn sách “Chiến tranh ở Việt Nam. Diễn biến thế nào (1965-1973)” xuất bản tại Matxcova năm 2005 viết khá chi tiết về những sự kiện đó rồi. Tôi muốn kể kỹ càng hơn trong chừng mực có thể những sự kiện đã để lại dấu ấn trong cuộc đời tôi và làm xao động đến sâu thẳm tâm hồn. Tôi, một cựu chiến binh tham gia cuộc Chiến tranh Vệ quốc Vĩ đại, từng là nhân chứng nhiều sự kiện quan trọng và lý thú trong công cuộc bảo vệ Tổ quốc mình, nhận huân chương chiến đấu từ tay chỉ huy và lãnh đạo cấp cao. Nhưng ở đây, tại Việt Nam, lần đầu tiên trong đời tôi thực sự cảm thấy có trách nhiệm với công việc được giao phó trước Tổ quốc tôi - Liên Bang Cộng hoà Xã hội Chủ Nghĩa Xô viết.
 Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Chiến hạm Rạng Đông ở Leningrad, tháng 8/1957. Ảnh: TTXVN
Với trách nhiệm Trưởng đoàn chuyên gia quân sự tôi cần phải giải quyết những vấn đề đảm bảo chiến đấu, có những liên hệ với lãnh đạo Bộ quốc phòng.

Quân đội Nhân dân Việt Nam và hơn thế, đến cấp Thủ tướng và cá nhân Chủ tịch nước VNDCCH - đồng chí Hồ Chí Minh.

Mùa xuân năm 1966 tôi nhận nhiệm vụ của Bộ Quốc phòng Liên Xô trình diễn cho lãnh đạo Quốc phòng Việt Nam xem buổi bắn từ dàn tên lửa di động. Để thực hiện việc cụ thể đó một nhóm sỹ quan - pháo binh đứng đầu là đại tá Azarov đã đến Việt Nam. Nghe báo cáo của đại tá tôi hiểu rõ: dự định sẽ chuyển qua Miền Bắc Việt Nam tới các đơn vị của Mặt trận dân tộc giải phóng Miền Nam Việt Nam những dàn tên lửa công suất nhỏ di động ( theo ngôn từ ở trận địa là “Kachiusa” thu nhỏ) được lắp đặt trên bệ phóng.

Sau khì thỏa thuận những vấn đề liên quan đến việc bắn trình diễn,chúng tôi cùng tướng Trần Sâm, Thứ trưởng Bộ quốc phòng Quân đội nhân dân Việt Nam, bắt tay vào công việc chuẩn bị cho buổi bắn tại thao trường. Sau 7 ngày, công việc chuẩn bị bắn trình diễn đã hoàn tất.

Đến giờ đã định lãnh đạo Bộ quốc phòng Quân đội nhân dân Việt Nam đến trường bắn. Tôi báo cáo với Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Bộ trưởng Bộ quốc phòng, mọi việc chuẩn bị đã sẵn sàng cho buổi bắn theo mục tiêu và toạ độ đã định. Ở trường bắn đã chuẩn bị sẵn các đường liên lạc, hào chiến đấu, hầm tránh, hình nộm trực thăng, xe thiết giáp, những công sự sắt bê tông nhẹ. Tầm xa đạn đạo 8km.

Bộ trưởng Bộ quốc phòng bảo tôi: “Hãy đợi một chút đã”. Mười lăm phút sau chiếc xe ô tô “Pobeđa” đã đến điểm bắn trình diễn, Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà Hồ Chí Minh từ trên xe bước ra. Sau khi nghe tôi báo cáo đã sẵn sàng và nghe trình bày nội dung cơ bản của buổi bắn, đồng chí Hồ Chí Minh đề nghị cho xem dàn tên lửa và đạn dược trên đó.

Trong buổi bắn trình diễn đã phóng đến mục tiêu bắn thử 144 đầu đạn phản lực (cứ 12 quả mỗi dàn). Trong thời gian phát hoả bắn thử ai cũng có việc, người nào việc nấy. Tiếp sau đó là xem kết quả tác chiến của dàn tên lửa “Kachiusa”. Tất nhiên mọi điều xảy ra nhanh gọn và tôi cũng không kịp đánh giá sự kiện gặp gỡ với đồng chí Hồ Chí Minh. Nhiệm vụ tác chiến đã hoàn thành tốt.

Chủ tịch Hồ Chí Minh bước đến chỗ tôi và nói: “Đồng chí Belov, cảm ơn vì tất cả mọi điều. Mong anh hãy chuyển tới lãnh đạo Bộ Quốc phòng Liên Xô lời cảm ơn của chúng tôi và mong muốn được cung cấp nhanh chóng những giàn tên lửa như thế này cho những người anh em của chúng tôi trong Mặt trận dân tộc giải phóng Miền Nam Việt Nam”.

Tôi chăm chú lắng nghe và quan sát khi đồng chí Hồ Chí Minh nói. Lời nói giản dị như trò chuyện, bình dị trong cách ăn mặc, cái nhìn tinh anh, không hề có cái gì dư thừa trong hình ảnh vị lãnh tụ của Nhân dân Việt Nam - tất cả những cái đó đã chinh phục tôi ngay trong những phút giây khi tôi đứng bên cạnh Người. Ngay cả cái bắt tay cũng ấm áp làm sao, nhiệt tình và thân thiện.

Và sau đó, tại khách sạn, trao đổi ý kiến với các đồng chí Liên Xô khác (họ cũng nhớ về ông đúng như vậy), tôi hiểu ra, vì sao nhân dân Việt Nam kính trọng và yêu mến Hồ Chí Minh.

Hồ Chí Minh vẫn nguyên như thế khi chúng tôi gặp ông nhiều lần khác và trong các buổi ông gặp các chiến sỹ và sỹ quan trên tuyến lửa,với các chuyên gia quân sự Liên Xô tiểu đoàn pháo binh của thiếu tá Proxkurnhin.

Nhiều lần được tham dự những buổi lễ trọng thể, những ngày hội của nhân dân Việt Nam, những buổi chiêu đãi chính thức, các chương trình do Chính phủ Việt Nam và Chủ tịch nước tổ chức với sự có mặt của Chủ tịch, lúc nào tôi cũng thấy ông là một chính khách và nhà hoạt động Nhà nước kiệt xuất, bên cạnh việc giải quyết nhiều việc lớn tầm cỡ quốc gia, ông vẫn là một con người rất giản dị, dễ gần - một Con Người viết chữ hoa.

Tổng cộng bảy lần tôi đã được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh. Có lần còn được mời dùng bữa tối ở nhà ông.

Bữa cơm tối hôm đó diễn ra tại ngôi nhà gỗ trong khuôn viên Phủ Chủ tịch. Chúng tôi nói chuyện riêng với Chủ tịch bằng tiếng Nga. Đồng chí Hồ Chí Minh nhớ lại những lần gặp gỡ với những người dân Liên Xô năm 1923, khi ông làm việc ở Quốc tế cộng sản. Tìm hiểu cuộc sống ở Liên Xô, ông nhìn thấy đây là tương lai của đất nước mình thời kỳ đó còn nằm dưới ách cai trị của thực dân Pháp.

Cũng có nhiều câu hỏi liên quan đến đời tư của tôi, đồng chí Hồ Chí Minh quan tâm cụ thể đến gia đình tôi. Bữa tối kéo dài đến gần hai tiếng, nhưng tôi cảm thấy thời gian trôi nhanh như chỉ mới một khoảnh khắc trôi qua.

Từ đó đến nay đã nhiều năm trôi qua và tôi cũng khó nhớ hết các chi tiết của câu chuyện thoải mái giữa hai con người không còn trẻ. Nhưng những điều cơ bản thì vẫn đọng lại rất rõ nét. Đó là tất cả những gì với tình yêu và lòng cảm ơn vô bờ ông nói về Liên Xô, về Nhân dân Liên Xô, về Chiến thắng vĩ đại của Nhân dân Liên Xô trước phát xít Đức xâm lược. Dân tộc Nga, ông nói, là một dân tộc vĩ đại. Dân tộc Nga vốn có bản chất hữu nghị anh em và giúp đỡ các dân tộc khác. Đồng chí Hồ Chí Minh nêu những ví dụ từ lịch sử nước Nga: có dân tộc nào mà những người con trai, con gái nước Nga lại không chìa tay ra giúp đỡ.

“Và hôm nay chúng tôi, những người dân Việt Nam, bằng trải nghiệm của mình cảm nhận được tình cảm giúp đỡ anh em đó. Những kinh nghiệm vô giá của các chiến binh trong cuộc Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại chúng tôi gìn giữ, truyền thống chiến đấu của Liên Xô chúng tôi áp dụng cho các chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam. Nhân dân Việt Nam biết đánh giá những việc tốt và mãi mãi ghi nhớ những gì mà Liên Xô đã dành cho Việt Nam”.

Và để kết thúc bài viết tôi muốn đưa thêm một tình tiết từ cuộc đời tôi, liên quan đến đồng chí Hồ Chí Minh.

Khi kết thúc thời hạn thực hiện nghĩa vụ quốc tế của tôi tại Việt Nam Chủ tịch Hồ Chí Minh trao tặng tôi Huân chương Lao động hạng Nhất - phần thưởng cao quý của Việt Nam, và khẩu súng lục đề tên “ Smith-vesson”.

Xin được cảm ơn sự đánh giá cao công sức phục vụ của tôi. Thực ra đó cũng là chức trách, bổn phận của tôi.

Tôi rất ngạc nhiên trước những lời đồng chí Hồ Chí Minh nói theo một lí do khác: “Đồng chí Belov, tôi muốn cảm ơn vợ của anh. Suốt hai năm trời cô ấy đợi chờ anh, khi anh làm việc cho chúng tôi ở Việt Nam. Anh chuyển lời cảm ơn của tôi tới cô ấy, và đây, để thể hiện lòng kính mến và lòng biết ơn tôi gửi tặng cô ấy bộ đồ nữ trang bằng bạc có gắn ngọc lam”.

Lâu lắm rồi với chúng tôi, đồng chí Hồ Chí Minh không còn nữa, nhưng ngay cả hôm nay trước mắt tôi, ông vẫn như ngày nào tôi đã từng gặp ông hơn bốn mươi năm về trước.

Con người ở lứa tuổi tôi (tôi năm nay đã 91 tuổi) thường hay nhớ về năm tháng đã qua. Những sự kiện tại Việt Nam, nơi tôi có góp phần nhỏ bé sức lao động của tôi, sẽ mãi mãi đọng lại trong tâm trí tôi. Những buổi gặp gỡ của riêng tôi với Chủ tịch Hồ Chí Minh.

----------------------

*Grigori Belov (Григорий Белов) - Thiếu tướng. Từ 1965-1967, ông là Trưởng đoàn chuyên gia quân sự Liên Xô tại Việt Nam