Vấn đề chất lượng đào tạo phi công của Vietnam Airlines đang gây băn khoăn trong dư luận. Ảnh: Chiến Công |
Cả 2 thông tư đều còn nguyên giá trị pháp lý
Trong Công văn 2448/CHK-CTATB gửi Bộ GTVT, Cục Hàng không Việt Nam khẳng định tính hợp pháp, hợp lý của Thông tư 41/2015/TT-BGTVT ngày 12/8/2015 và Thông tư 21/2017/TT-BGTVT ngày 30/7/2017 của Bộ GTVT. Theo Cục Hàng không Việt Nam, Bộ GTVT đã có ý kiến chính thức báo cáo Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình tại Công văn số 5772/BGTVT-PC ngày 31/5/2018, trong đó khẳng định tính hợp pháp của hai văn bản này.Về công tác cấp bằng và chấp nhận chuyển đổi nhà khai thác, Cục Hàng không Việt Nam cho hay, theo quy định tại Điều 14.169 Phụ lục của Thông tư 21/2017/TT-BGTVT ngày 30/7/2017 của Bộ GTVT quy định về quản lý nhân viên trình độ cao, để được chấp nhận chuyển đổi Người khai thác tàu bay, nhân viên hàng không trình độ cao (người lái tàu bay) phải đáp ứng được hai yêu cầu: Thứ nhất, đã chấm dứt hợp đồng lao động và thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ (nếu có) đối với người khai thác tàu bay hiện tại theo quy định.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Sỹ Cương cho rằng, việc giữ lại 120 ngày của Vietnam Airlines và Cục Hàng không Việt Nam không cấp bằng cho phi công chưa chấm dứt hợp đồng là chưa hợp lý. |
Các phi công khẳng định, những quy định trên của Vietnam Airlines đưa ra là trái với Luật Lao động và nhằm mục đích gây khó dễ không cho họ nghỉ việc để chuyển cơ quan làm việc khác.Sau khi các phi công Vietnam Airlines có đơn kiến nghị, đến lượt đại biểu Quốc hội Nguyễn Sỹ Cương – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội cũng có văn bản gửi Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể - phản ánh những bất cập trong công tác tuyển dụng và đào tạo phi công của Vietnam Airlines.
Trong thư, ông Cương cho biết chất lượng đầu vào của các ứng viên phi công Vietnam Airlines không đảm bảo; quá trình huấn luyện, kiểm tra, phỏng vấn phi công tồn tại nhiều bất cập, tiêu cực mà đơn cử là hiện tượng ra giá cho mỗi lần phỏng vấn diễn ra trắng trợn với mức giá từ 20.000USD – 25.000USD. Ngoài ra còn cả tình trạng can thiệp đến vào kết quả thi của “cấp trên”. Điều đó khiến ông Cương đặt ra hoài nghi về chất lượng phi công mà Vietnam Airlines đang đào tạo.Cùng với đó, ông Cương cũng đưa ra những phân tích về thời hạn khi nghỉ việc và bồi hoàn chi phí đào tạo đối với phi công. Đây chính là những điều mà nhiều phi công Vietnam Airlines đã phản ánh trong đơn kiến nghị gửi Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình. Theo ông Cương, Thông tư 41/2015/TT-BGTVT về việc chấm dứt hợp đồng lao động có ghi: Nhân viên hàng không trình độ cao có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trước thời hạn nhưng phải thông báo bằng văn bản cho người khai thác tàu bay, tổ chức bảo dưỡng tàu bay 120 ngày trước ngày dự kiến chấm dứt hợp đồng” nhưng quy định trên đã bị bãi bỏ theo Thông tư 21/2017/TT-BGTVT của Bộ trưởng Bộ GTVT (tại Điều 2). Trong khi đó, trong Công văn 2448/CHK-CTATB mà Cục Hàng không Việt Nam báo cáo với Bộ GTVT thì chỉ trả lời chung chung là Bộ GTVT đã báo cáo Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình tại Công văn số 5772/BGTVT-PC ngày 31/5/2018 trong đó khẳng định tính hợp pháp của hai văn bản này.
Nhiều ý kiến cho rằng, một trong những nội dung đáng chú ý nhất mà ông Nguyễn Sỹ Cương nêu là những tồn tại trong quá trình huấn luyện, kiểm tra và phỏng vấn phi công vẫn chưa được Cục Hàng không Việt Nam làm rõ. Đặc biệt hơn, ông Nguyễn Sỹ Cương còn chỉ ra cả hiện tượng ra giá trắng trợn cho mỗi lần phỏng vấn diễn ra tại Vietnam Airlines, thậm chí cả việc “cấp trên” can thiệp vào kết quả đánh giá học viên.