Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Những luật liên quan đến đất đai, nhà ở: cần sớm đi vào cuộc sống

Tiểu Thúy
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thông tin Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản sẽ có hiệu lực từ 1/8/2024 đang thu hút sự quan tâm lớn của xã hội.

Trong đó nhiều ý kiến kỳ vọng với những quy định mang tính đổi mới, tiến bộ, các luật sẽ tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội, song cũng vẫn còn những băn khoăn về việc bảo đảm các điều kiện để có thể thi hành luật, góp phần đưa luật đi sâu, đi sát vào cuộc sống.

Khách hàng tham khảo một dự án bất động sản. Ảnh: Hải Linh
Khách hàng tham khảo một dự án bất động sản. Ảnh: Hải Linh

Những luật được người dân kỳ vọng

Ngày 29/6/2024, tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai năm 2024, Luật Nhà ở 2023, Luật Kinh doanh bất động sản 2023 và Luật Các tổ chức tín dụng 2024. Như vậy, Luật Đất đai năm 2024, Luật Nhà ở 2023, Luật Kinh doanh bất động sản 2023 sẽ có hiệu lực từ ngày 1/8/2024, sớm hơn 5 tháng so với thời gian thông qua trước đó (ngày 1/1/2025).

Thực tế, Luật Đất đai, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản sớm đi vào cuộc sống không chỉ là mong muốn mà còn là yêu cầu đặt ra của Quốc hội khi biểu quyết thông qua các luật này.

Trong các luật có nhiều quy định mang tính đổi mới, tiến bộ, được người dân và xã hội kỳ vọng sẽ tạo động lực cho phát triển kinh tế, xã hội trong giai đoạn mới. Đồng thời nhiều quy định trong các luật có thể áp dụng được ngay mà không cần văn bản hướng dẫn chi tiết.

Từ khi các luật được thông qua cho đến nay, Chính phủ, Thủ tướng đã quyết liệt chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tích cực, nỗ lực triển khai xây dựng các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành.

Tuy nhiên, một số ý kiến đề nghị thận trọng và tính toán thời điểm luật có hiệu lực cho phù hợp do quan ngại về tiến độ, lộ trình xây dựng, ban hành các văn bản hướng dẫn chi tiết thi hành luật thuộc trách nhiệm của địa phương.

Về vấn đề này, Chính phủ đã khẳng định trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội, những luật này vẫn còn thời gian để các địa phương hoàn thiện, ban hành theo thẩm quyền bảo đảm tiến độ, chất lượng và có hiệu lực từ ngày 1/8/2024.

Cần nhiều văn bản quy định chi tiết

 

Có thế thấy Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Các Tổ chức tín dụng được thông qua, nhiều áp lực vốn có của doanh nghiệp đã được giảm tải, giúp giải quyết nhiều vấn đề DN kêu nhiều năm. Đó là điều chúng tôi rất quan tâm.

Chủ tịch Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình Lê Viết Hải

 

Ngay sau thông tin Quốc hội thông qua Luật Đất đai năm 2024, Luật Nhà ở 2023, Luật Kinh doanh bất động sản 2023 và Luật Các tổ chức tín dụng 2024, nhiều chuyên gia, DN, người dân… bày tỏ ủng hộ đề xuất của Chính phủ để các luật có hiệu lực thi hành sớm hơn. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn một số ý kiến cho rằng, để các luật có thể thực thi tốt thì yêu cầu quan trọng nhất là các nghị định, thông tư, văn bản hướng dẫn phải bảo đảm đầy đủ, chất lượng.

Chia sẻ vui mừng khi hay tin luật được thông qua, anh Nguyễn Thanh Huy (quận 3, TP Hồ Chí Minh) kỳ vọng, các điểm mới của luật sẽ phát huy tích cực trên thực tế, tác động sâu rộng đến nhiều mặt của đời sống, kinh tế, xã hội: “Nỗ lực giải quyết các điểm nghẽn được thể hiện trong các đạo Luật vừa được thông qua dù chưa đạt tới kỳ vọng, nhưng chắc chắn sẽ phát huy hiệu lực tích cực. Tôi mong Chính phủ và các bộ, ngành liên quan bố trí nguồn lực, điều kiện tốt nhất để nhanh chóng đưa luật vào cuộc sống” - anh Huy nói.

Cũng trong tâm trạng phấn khởi khi khi biết tin Quốc hội thông qua cùng lúc 4 luật, chị Lê Thị Hồng Nhung (ngụ quận Đống Đa, Hà Nội) phấn khởi: “Với nhiều điều khoản được điều chỉnh theo hướng bảo vệ lợi ích tối đa cho người dân, tôi tin tưởng và chờ đợi ngày các luật chính thức đi vào cuộc sống”.

Ở góc độ DN, ông Lê Minh Quân - chủ một công ty bất động sản ở TP Hồ Chí Minh cho rằng, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai năm 2024, Luật Nhà ở 2023, Luật Kinh doanh bất động sản 2023 và Luật Các tổ chức tín dụng 2024 được thông qua chắc chắn sẽ tác động tích cực tới nền kinh tế nói chung và thị trường bất động sản nói riêng, các nội dung sửa đổi đã đáp ứng được phần lớn kỳ vọng của DN.

"Đây không chỉ là sự “cởi trói về cơ chế”, như bỏ khung giá đất, bán tài sản trên đất... mà còn là sự cải cách lớn về mặt thủ tục hành chính, loại bỏ khâu trung gian, từng bước tháo gỡ vướng mắc mà các DN hiện nay đang gặp phải như đấu giá, đấu thầu. Từ đó tạo điều kiện cho các DN được tiếp cận đất đai theo hướng công khai và minh bạch hơn" - ông Lê Minh Quân nói.

Tương tự, Phó Tổng thư ký Hội Doanh nhân tư nhân Việt Nam Nguyễn Tiến Thắng cũng nhận định, việc Quốc hội thông qua Luật Đất đai (sửa đổi) và Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), sẽ giúp cộng đồng DN có cơ hội tiếp cận vốn dễ dàng hơn, đặc biệt là vốn giá rẻ.

Khẳng định hoan nghênh nỗ lực, quyết tâm của Chính phủ khi đưa các luật vào thực hiện sớm hơn 5 tháng, tuy nhiên, chuyên gia bất động sản Trần Khánh Quang nhấn mạnh, để các luật này có thể thực thi sớm thì điều kiện cần và đủ là Chính phủ, các bộ, ngành phải có các nghị định, thông tư, văn bản hướng dẫn kịp thời và đảm bảo chất lượng, khả thi, thuận lợi cho địa phương thực hiện.

“Thực tế nếu áp dụng được cả 4 luật sớm sẽ có lợi cho người dân, DN và cả nền kinh tế. Song, nhìn một cách tổng thể, trong bối cảnh tâm lý sợ sai, sợ trách nhiệm đang đè nặng, mà thời gian từ đây đến lúc luật có hiệu lực là ngày 1/8/2024 không còn nhiều, sẽ là thách thức lớn nhất với Chính phủ” - ông Trần Khánh Quang phân tích.

Về vấn đề này, luật sư Lê Thu Thảo - Đoàn luật sư TP Hồ Chí Minh cũng cho rằng những bất cập về cơ chế chính sách sẽ được tháo gỡ khi các luật chính thức có hiệu lực vào ngày 1/8 tới đây. Tuy nhiên, để luật đi nhanh vào đời sống, thì việc quan trọng là cần sớm hoàn thiện thể chế theo hướng ban hành hướng dẫn cụ thể hoá các luật.

“Để tránh khoảng trống pháp lý, bảo đảm Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Các Tổ chức tín dụng thực sự đi vào cuộc sống ngay khi có hiệu lực, các bộ, ngành, địa phương cần tăng tốc xây dựng các văn bản hướng dẫn với yêu cầu đặt ra là phân cấp triệt để cho địa phương và cắt giảm tối đa thủ tục hành chính” - luật sư Lê Thu Thảo nói.

Với nhận định trên, luật sư Thảo đề xuất, phân công cụ thể cho từng bộ, ngành xây dựng văn bản thi hành dưới luật, có tiến độ cụ thể, triển khai tập huấn, tuyên truyền, phổ biến nội dung Luật Đất đai (sửa đổi), các văn bản thi hành, tăng cường công tác kiểm tra giám sát,…

 

Sau khi Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Các Tổ chức tín dụng được ban hành, công tác tổ chức thi hành luật là khâu hết sức quan trọng và cần thiết. Vì vậy mong là các văn bản hướng dẫn thi hành luật sẽ được tiến hành một cách sớm nhất, nhanh nhất, để các chính sách sẽ đi vào cuộc sống ngay khi các luật có hiệu lực.

TS Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế