Mâm cỗ cúng Táo quân
Theo phong tục tập quán của người Việt, ngày 23 tháng Chạp (âm lịch) là ngày vua bếp lên chầu trời báo cáo việc bếp núc, làm ăn của 1 gia đình trong năm đó. Dân gian gọi ngày này là ngày cúng Tết Táo quân. Đây cũng là tục lệ bày tỏ sự tri ân đối với các vị thần đã quanh năm lo toan cai quản duy trì nếp sinh hoạt gia đình, đồng thời nhắc nhở mỗi người có trách nhiệm hơn trong việc quan tâm, thu vén gia đình.Thần Táo Quân trong tín ngưỡng dân gian Việt Nam có nguồn gốc từ ba vị thần Thổ Công, Thổ Địa, Thổ Kỳ của Lão giáo. Nhưng được Việt hóa thành sự tích "2 ông 1 bà" - vị thần Đất, vị thần Nhà, vị thần Bếp núc. Tuy vậy người dân vẫn quen gọi chung là Táo quân hoặc ông Táo.Trong ngày này, gia đình nào cũng phải chuẩn bị mâm cỗ, vàng mã tươm tất để tiễn các thần. Mâm cỗ cúng không cần quá cầu kỳ song phải thể hiện được sự trang trọng, chu đáo và tấm lòng đối với các vị. Theo đó, các gia đình có thể làm cỗ chay hoặc cúng lễ mặn. Thông thường mâm cỗ mặn tiễn ông Táo đầy đủ nhất bao gồm: 1 đĩa gạo, 1 đĩa muối, 5 lạng thịt vai luộc, 1 bát canh mọc, 1 đĩa xào thập cẩm, 1 đĩa giò, 1 con cá chép, 1 đĩa xôi gấc, 1 đĩa chè kho, 1 đĩa hoa quả, 1 ấm trà sen, 3 chén rượu, 1 quả bưởi, 1 quả cau, lá trầu, 1 lọ hoa đào nhỏ, 1 lọ hoa cúc, 1 tập giấy tiền, vàng mã.Tuy nhiên, với cuộc sống bận rộn hiện này, mâm cỗ cúng Táo quân cũng được đơn giản hóa với các món cơ bản kèm tiền, vàng mã. Lễ vật để tiễn Táo quân về chầu trời theo truyền thống gồm có tiền vàng, 3 chiếc mũ, trong đó 2 chiếc mũ có cánh chuồn cho 2 ông Táo và 1 chiếc không có cánh chuồn cho bà Táo kèm theo một chiếc áo, một đôi hia bằng giấy. Sau khi cúng và hương cháy được 2/3, các loại vàng mã này sẽ được hóa (đốt đi) để gửi cho các vị Táo quân.Theo phong tục, cá chép là phương tiện duy nhất các Táo quân sử dụng để về trời. Vì thế, cá chép là biểu tượng của ngày 23 tháng Chạp. Thông thường, các gia đình sẽ chuẩn bị 1 hoặc 3 con cá chép nhỏ thả vào chậu nước đặt cạnh mâm cỗ cúng. Sau khi hoàn thành việc làm lễ, cá chép sẽ được phóng sinh ở sông, ao hồ với ngụ ý "cá chép hóa rồng", làm phương tiện để các Táo quân cưỡi về chầu trời.
Giờ giấc và địa điểm cúng ông Công, ông TáoLễ cúng ông Công, ông Táo là một trong nhưng lễ quan trọng của dịp Tết nguyên đán, mở đầu cho hàng loạt các nghi lễ trong Tết Nguyên đán của người Việt, kéo dài từ ngày 23 tháng Chạp cho đến rằm tháng Giêng. Thời điểm đẹp nhất để cúng ông Công, ông Táo là vào giờ Ngọ (11h-13h) ngày 23 tháng Chạp. Tuy nhiên, tùy theo điều kiện gia đình, mọi người cũng có thể làm lễ cúng vào trưa và chiều ngày 22 hoặc sáng ngày 23 tháng Chạp. Sau khi tiễn ông Táo về trời, mọi người thường bắt đầu dọn dẹp nhà cửa, lau chùi đồ cúng ông bà tổ tiên, treo tranh, câu đối, cắm hoa… chuẩn bị đón năm mới.Theo các chuyên gia phong thủy thì bàn thờ ông Táo nên đặt trong bếp, có thể bên cạnh hoặc bên trên bếp. Hiện, ở một số chùa lớn cũng thường có ban thờ riêng cúng Táo quân. Xưa, lễ cúng Táo quân thường đặt trong bếp, nơi đặt ban thờ riêng các Táo. Song ngày nay, việc thờ cúng đã đơn giản hóa, nhiều nhà không có ban thờ riêng ông Táo.Với những nhà không có ban thờ Táo quân riêng sẽ chuẩn bị một mâm cơm cúng đặt dưới gian bếp và thêm một mâm khác thắp hương ở ban thờ thần linh, gia tiên thực hiện nghi lễ cúng chính. Khi cúng, người dân nổi lửa để bếp cháy đỏ rồi bày mâm cỗ.