Những lưu ý về vụ lúa Xuân 2015

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng Thủy văn quốc gia, vụ Xuân năm 2015 là vụ Xuân nghiêng ấm, nhiệt độ cao đầu vụ, có thể rét cuối vụ.

Do đó, Sở NN&PTNT Hà Nội khuyến cáo bà con nông dân một số biện pháp kỹ thuật giai đoạn đầu vụ như sau:

Về cơ cấu giống, bà con nên gieo cấy bằng các giống lúa ngắn ngày, ưu tiên các loại giống có khả năng chống chịu tốt với điều kiện ngoại cảnh và sâu bệnh, đặc biệt là các giống chống chịu tốt với bệnh đạo ôn như Lúa lai (Bắc thơm số 7, Nhị ưu 838, TH 3-5, Nếp vàng 1...); Nhóm lúa thuần (Khang dân, Q5, TBR45, TBR36, Thiên ưu 8...).

Về thời vụ gieo cấy, bà con nên bố trí thời vụ gieo cấy phù hợp để lúa trỗ bông tập trung từ khoảng ngày 1 – 15/5. Gieo mạ tập trung từ 25/1 - 5/2, có che phủ nilon. Theo lịch, năm nay thời tiết lập Xuân sớm (ngày 4/2/2015, tức ngày 16/12 năm Giáp Ngọ). Vì vậy, bà con nên cấy tập trung trong tháng 2. Lưu ý, không gieo mạ (hoặc gieo thẳng) và cấy vào những ngày trời rét đậm, nhiệt độ dưới 150C.

Về làm đất, đến thời điểm này vẫn còn nhiều diện tích chưa cày lật, lượng tàn dư rơm rạ, cỏ dại trên đồng ruộng là rất lớn. Đây là môi trường cư trú của các loại sâu bệnh hại qua vụ Đông chuyển sang vụ Xuân. Vì vậy, bà con cần tiến hành vệ sinh đồng ruộng và cày lật đất càng sớm càng tốt. Đối với bón phân, nên thực hiện bón lót nhiều, bón lót sâu. Bà con lưu ý chỉ sử dụng phân bón của các công ty có uy tín, tuyệt đối không bón đạm đơn. Lượng phân bón trên một sào theo tỷ lệ: Bón lót 2 – 3 tạ phân chuồng hoặc 7 – 10kg phân vi sinh và một bao 25kg NPK loại 5:10:3, 6:11:2, 6:12:2. Bón phân NPK chuyên lót trước khi bừa lần cuối để tạo mối liên kết chặt chẽ, hạn chế mất phân, cung cấp dinh dưỡng cho cây lúa giai đoạn đứng cái làm đòng và trỗ bông, đồng thời giúp bộ rễ ăn sâu chống đổ tốt hơn.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần