Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Những “món quà của tử thần”​: Tự nguyện giao nộp không dễ!

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Những trái bom mìn sau chiến tranh do người dân tìm thấy ít khi được giao nộp đúng quy định.

Ngoài sự thiếu tự giác của người dân, các thủ tục giao nhận phức tạp cùng mức hỗ trợ quá thấp, khiến những “món quà của tử thần” đều có con đường chung là… ra hàng đồng nát.
Anh Trần Cảnh Hiền và số vũ khí mình sưu tập được.
Anh Trần Cảnh Hiền và số vũ khí mình sưu tập được.
Anh Trần Cảnh Hiền (32 tuổi, trú tại phường Vĩnh Điện, thị xã Điện Bàn, Quảng Nam) vừa tự nguyện giao nộp cho Công an thị xã Điện Bàn một “kho” vũ khí, đạn dược, bom mìn với số lượng lên đến gần 100 hiện vật.  Số vũ khí này do anh thu thập được trong nhiều năm với ý định mở một bảo tàng chiến tranh tư nhân.

Thiếu tá Nguyễn Công Đức - Đội trưởng Đội cảnh sát Quản lý hành chính về Trật tự xã hội, công an thị xã Điện Bàn cho biết, qua nắm bắt tình hình, đơn vị biết anh Hiền có nhiều vũ khí trái với quy định nên đã vận động giao nộp. Đại úy Lê Văn Ánh - Trợ lý kỹ thuật, Ban chỉ huy quân sự thị xã Điện Bàn cho biết: “Không phải anh Hiền vi phạm pháp luật khi thu thập và trưng bày mà do anh chưa biết luật. Qua vận động, mới đây anh Hiền đã chủ động chở số vũ khí đi giao nộp”.

Ngày 19/11/2015, khi giao nộp, anh Hiền cho biết “Số hiện vật là vũ khí và bom, đạn tôi tự nguyện giao nộp là một phần có giá trị nhất trong bộ sưu tập về kỷ vật chiến tranh của tôi. Nó phản ánh đầy đủ nhất sự khủng khiếp, ác liệt mà chiến tranh gây ra”. Dẫu vậy, anh Hiền vẫn đề cao việc phải chấp hành luật pháp về quản lý vũ khí. “Nếu số vũ khí đó được vào bảo tàng và có một góc riêng thuyết minh thì tôi rất vui. Ít nhất thì mình vẫn còn được biết đến là một người đã sưu tập và đưa hiện vật đến với người tìm hiểu lịch sử” - anh Hiền chia sẻ.

Đúng với mong muốn ấy, số bom mìn giao nộp được Bảo tàng Điện Bàn tạm tiếp nhận. Đơn vị này đã có tờ trình xin tiếp nhận “kho” vũ khí để phục vụ công tác trưng bày. Theo ước tính của anh Hiền, để có được gần 100 hiện vật trên, anh đã bỏ ra không dưới 100 triệu đồng để mua về. Sau 4 tháng giao nộp, số vũ khí đã được đưa vào bảo tàng nhưng anh Hiền chưa biết mình sẽ được hỗ trợ bao nhiêu và đơn vị nào chịu trách nhiệm hỗ trợ đó. Vừa rồi, khi có ý kiến, anh Hiền được biết, hiện bảo tàng đang đề xuất hỗ trợ cho anh 30 triệu đồng và phải chờ phê duyệt.

Thủ tục rườm rà, mức hỗ trợ quá thấp chỉ bằng 1/3 số tiền bỏ ra để có số bom mìn ấy khiến anh Hiền rất bức xúc. Hơn nữa chẳng biết đến bao giờ số tiền hỗ trợ ấy mới được phê duyệt và đến với tay người dân tự giác tuân thủ pháp luật này?

Lòng tự nguyện hăng hái giờ đã nguội lạnh: “Như vậy thật khó để những người dân khác tự đi giao nộp bom mìn cho chính quyền. Bởi làm vậy không có lợi như bán đồng nát”.

Với số vũ khí, bom mìn có giá trị trưng bày này, mức hỗ trợ do bảo tàng là rất ưu đãi, tuy nhiên sự ưu đãi ấy vẫn không bằng được giá trị của nó khi bán ra thị trường (đã có người hỏi mua với giá 140 triệu đồng). Vậy nên với những vũ khí, bom mìn ít giá trị trưng bày nhưng còn nguyên sức nổ chỉ có một con đường duy nhất là đến với thị trường “đồng nát”, thị trường này có được các tiêu chí mà chính quyền, bảo tàng và các đơn vị quản lý của ta không thể cạnh tranh: Giá cao, nhận tiền ngay.

Quản lý và khống chế những “món quà tử thần” chỉ bằng lòng tự giác, tự nguyện của người dân thì không thể có được kết quả mong muốn. Những quả bom, mìn sẽ còn phát nổ thương tâm khi lòng tự nguyện bị nguội lạnh.