Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Những mùa sương trôi

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - - Ông đang có khách ở phòng đợi. Nhân thò đầu vào cửa gọi rồi quay lưng đi thẳng....

Kinhtedothi - - Ông đang có khách ở phòng đợi.

Nhân thò đầu vào cửa gọi rồi quay lưng đi thẳng. Thạch ngước nhìn đồng hồ trước mặt đang chỉ đúng 8 giờ sáng. Đêm hôm tiếp đoàn phía Nam tận khuya giờ phải gấp rút hoàn thiện bài viết dở dang cho kịp lên trang báo, thật mệt phải gặp khách lúc này.

- Chào anh, anh là Thạch phải không?

Lại giọng phía Nam.

 - Em là Hùng, từ Đồng Nai ra sáng nay.

Thạch lại gật, khẽ mỉm cười rồi ngước mắt nhìn ra ngoài cho Hùng tự nhiên lúc đang lục lọi trong túi sách để dưới chân ghế. Không biết tay phóng viên nào viết bài sai để người ta đến gõ cửa đầu giờ sáng. Rõ khổ.
 Minh họa: HOÀI VĂN.
Minh họa: HOÀI VĂN.
- Xin lỗi, có phải bài này của anh? Tiếng Hùng vẫn nhỏ nhẹ và nhìn Thạch chăm chú.

Thạch đưa tay nhận mảnh giấy đã được in ra từ trên internet. Rành rành bài mình vừa lên mặt báo rồi thả vào mạng tuần trước.

- Dạ, em là... em của chị Linh, người có tên...

- Thế Linh đâu hở Hùng? - Thạch dáo dác nhìn ra ngoài.

- Chị ấy không ra được...

Tôi đã quay trở về dòng sông Bánh Lái và đi dọc theo những triền cỏ. Mùa này bông cỏ may nở rộ từng vạt, có những nụ hoa tím đang thả bóng thật nhẹ trên dòng nước. Ba mươi chín năm trước, sau những đợt mưa chiều chao qua sông thì trời tạnh ráo, bảy sắc cầu vồng thả móng trên đồi Cánh Võng kéo về đoạn cuối sông Ba đợi chiều buông dần là sương giăng và lại có những đợt mưa tiếp theo.

Kể từ lúc không còn tiếng súng đêm đêm vọng về, ba mươi chín năm sương vẫn trôi trên sông và thời gian qua, mái đầu của những đứa trẻ ở vùng đất bên sông Bánh Lái này cũng dần pha sương. Linh là cô nhỏ đầu tiên tôi gặp khi ở trọ nhà Linh lúc phố thị Tuy Hòa đang đủ mọi sắc lính từ Tây Nguyên chạy về đồng bằng, lúc thời khắc khó khăn ấy cùng với những tin đồn chia cắt vĩ tuyến 13 nơi đèo Cả làm mảnh đất nhỏ giữa Nam Trung Bộ càng tiêu điều. Tôi theo cha mẹ rời phố về với dòng sông. Và Linh - cô nhỏ có làn da bánh mật, mái tóc đuôi gà, nụ cười bẽn lẽn đã làm dịu đi tất cả. Sau này có thêm Loan, Anh, Trúc cùng vui đùa với lũ chúng tôi từ đất phố về tạm trú bên dòng Bánh Lái.

Thạch đưa Hùng lên quán nước nơi tiếp giáp đoạn cuối sông Bánh Lái đổ về nhánh rẽ sông Ba. Thạch chỉ Hùng ngọn đồi Cánh Võng phía xa.

- Anh Quang không đến sao anh?

Thạch im lặng nhìn bóng người ngồi trên chiếc ghe đang dùng sào tách đàn vịt vẫy cánh chao chát, mãi sau mới nói:

- Quang đi công tác hai hôm nay, anh có gọi thì Quang bảo vài ngày nữa mới về được dù rất muốn gặp em.

- Vậy em phải vào thôi, tiếc thật.

- Hùng để lại địa chỉ, bọn anh sẽ vô trong ấy.- Chỗ này, ngày trước... Hùng nhắc khẽ.

- Ừ, chỗ này ngày trước là điểm tiếp giáp phố thị và nẻo quê. Bọn anh theo gia đình tản cư lên chỗ Linh kề dòng Bánh Lái.

- Qua lời chị Linh kể thì...

Qua lời Linh kể thì đám nhóc bọn tôi giống như các cô chiêu, cậu ấm với áo quần tinh tươm, mặt mày sạch sẽ lúc chiếc xe 3 bánh Lam bro thả xuống vào buổi chiều có cha mẹ đón đợi sẵn. Lúc đó, mẹ Linh vừa đi làm đồng về, quần xắn đến gối lấm lem bùn đất. Còn Linh đang nấu cơm mặt mũi nhọ nhem bồ hóng. Bọn tôi ùa vào nhà bên chung sân với nhà Linh. Chợt trông thấy Linh đang tò mò nhìn thì Hồng đưa tay chỉ “Ê, có con nhỏ nhà quê nhìn mình kìa!”. Quang, con bác Hai lừ mắt “Cấm chọc nghe chưa, vào hết trong nhà đi” và quay sang Linh mỉm cười thân thiện.

Sẩm tối với cơn mưa rào tuôn đổ ào ạt và chấm dứt đột ngột cho màn sương đêm trôi, cánh đồng phủ trắng, dòng sông phủ trắng, vườn nhà cũng trắng hơi sương hòa trong ánh chớp của lửa đạn xối vào núi Sầm, đổ trên đỉnh Chóp Chài và những cánh quân thấp thoáng dọc dòng Bánh Lái xuôi về phố thị. Khi ấy, trong ầm ầm lửa đạn, trong căn nhà mẹ Linh, trong ánh đèn dầu thắp sáng, mọi người đều ngồi quanh túm tụm với một ý nghĩ duy nhất, nếu những quả đạn ca nông rót theo hình cánh cung từ đỉnh núi Nhạn tuôn xuống dọc triền sông mà trúng căn nhà này thì hẳn rằng... Lúc đó, tôi nhìn Linh ngồi bên mẹ, mắt em vẫn mở to, vẫn nhìn tôi lặng lẽ như chưa hề cảm nhận chiến tranh.

- Thời gian ấy, cha em ở trong Đồng Nai, ông đang hoạt động bí mật cùng công nhân đồn điền cao su. Giải phóng vừa xong, cha ra ngoài này đưa gia đình vào nên bây giờ... có thêm em! Hùng cười đưa mắt nhìn sông chang nắng.

- Anh biết chị Linh nhớ anh Quang mỗi khi nhìn sông không?

Thạch nhẹ gật đầu.

Đận ấy, giữa trưa, đợi bọn con gái ngủ say, Linh rủ Thạch cùng Quang ra sông. Nắng chát không ngọn gió, cả lũy tre cũng lặng tờ, cả ba cứ để nguyên cả đồ mà nhào xuống. Dân phố biển lúc này cũng chịu thua dân sông vì Linh bơi thanh thoát, rẽ nước đều đều. Thạch mệt nên vào trước tựa người trên nhánh rễ choãi sát mé nước. Lúc Linh bơi vào chỗ Thạch, vừa vuốt tóc xõa trên mặt, vừa níu lấy rễ si để bước lên thì Thạch ngẩn cả người; thân hình Linh tròn trịa qua bộ đồ vải tím ướt đẫm, cơ thể con gái phơi bày chỗ thắt, chỗ giãn, chỗ phập phồng, chỗ hiển hiện và chỗ nép kín và Quang cũng vừa dợm đến như chết sững lúc Linh xoay người đối diện. Thoáng trên đôi mắt ngơ ngác và đôi má chợt bừng đỏ, Linh vụt người lao vội. Linh vừa đến giữa dòng thì những cụm khói hình nấm bốc lên dọc rìa làng và hướng dần ra sông. Tiếng nổ chát chúa trên đầu, mặt đất lắc lư như đưa võng cùng mặt sông cuộn sóng vì những quả pháo rót cấp tập. Lần đầu tiên trong đời, Thạch nhìn cái chết cận kề và quay người nhìn sông.

Và mọi việc qua đi khi núi Nhạn, nơi đỉnh cao lồng lộng gió đã có màu cờ rực đỏ. Tôi chia tay Linh từ một ngõ xóm rợp mát bóng dừa vào buổi sáng vừa dứt cơn mưa rào. Cơn mưa phố thị cũng đã tạnh ráo cho nắng hanh hao với đầy dấu vết chiến tranh còn hằn mọi nơi và tôi đã về lại dòng sông tìm Linh sau ngày 30 tháng 4, lúc đất nước đã liền một dải. Khi đặt bước chân vào ngõ xóm cũ cùng chiếc nơ tím và lời hẹn về với dòng sông thì gia đình Linh chẳng còn ở đó, mọi người cho biết, em theo mẹ vào Nam.

- Anh biết chị Linh từng về lại nơi này không? Hùng nhìn Thạch thoáng dò hỏi.

Thạch ngạc nhiên lắc đầu:

- Không, bọn anh không hề biết Linh về Tuy Hòa.

- Nửa năm sau chị ấy về lại dòng sông cũ và xuống phố. Con đường nhà anh và Quang gần kề cách một ngã tư, tỏa nhiều bóng mát của hàng cây xà cừ.

Buổi sáng mờ sương, chị Linh đợi các anh ở góc đường Lê Lợi. Từ xa, chị lại thấy anh Quang đạp xe đi học, nhưng thật tiếc, phía sau lại chở thêm người bạn gái tóc thắt bím...

Thôi chết. Cô gái có hai bím tóc mà ngày ngày Quang chở đến trường là Hà, con ông chú tập kết từ Hải Hưng nay về Nam. Sao Linh không gọi?

- Chị ấy không hề gọi và quay ra bến xe cho kịp chuyến về Đồng Nai. Trên tay vẫn còn một vật...

Thạch ngơ ngác nhìn Hùng lúc Hùng lấy từ trong túi ra gói giấy và đặt nhẹ lên bàn.

- Anh Quang có gia đình chưa anh?

Thạch lắc đầu nhìn ra cánh đồng, lúa đang vào độ trĩu hạt lắt lay theo gió.

- Còn Linh?

- Chị Linh đã có chồng lúc ba mươi tuổi. Khi xem được bài báo anh viết, chị liền nhờ em ra ngoài này gặp hai người. Chị gửi lại vật này cho anh Quang mà trước kia chị không trao được.

Hùng mở gói giấy và trao cho Thạch không quên điểm nụ cười dài:

- Ngày xưa, sao khéo bày đặt!

Đó là chiếc khăn tay trắng viền xanh, có nụ hồng, có đôi chim bồ câu đang bay trên đồi Cánh Võng cùng dòng sông Bánh Lái vắt ngang.

- Anh Quang nhờ anh viết bài báo khi nào?

- Cách đây gần năm.

- Chị Linh nói anh ấy hãy lấy vợ sẽ tạo được thoải mái trong lòng, sẽ cân bằng mọi việc và chị ấy cũng khỏi nặng nợ bởi nụ hôn ban đầu khi anh Quang ra đi với câu: “Anh sẽ về lại”, hơn ba mươi năm rồi...

Nắng đã lên cao, gió nồm nam thổi về dào dạt chao nghiêng từng sóng lúa dập dờn trong màu nắng.

- Đêm qua em có về dòng sông Bánh Lái, nó vẫn đẹp và hiền hòa như bài viết. Bây giờ em phải đi kẻo trễ; không gặp anh Quang cũng tiếc vì còn phải nhận chiếc nơ tím ngày nào cho chị Linh. Khi nào tiện, hai anh vào trong ấy.

Ba mươi chín năm đi qua như lớp sương trôi ngày cũ. Tôi về đặt bước chân trên dòng sông năm nào với con đường cũ, ngõ cũ dù bây giờ nó đã thay đổi nhưng dù nó đẹp gấp bao nhiêu lần thì tôi vẫn là con người cũ để tìm Linh, cô bạn nhỏ trong những ngày giải phóng quê nhà. Dù tóc điểm sương, tôi vẫn mong một ngày được gặp lại em để kể về những kỷ niệm không thể nào quên, bởi em đã cho tuổi thơ tôi những giờ phút bình yên với hoa dủ dẻ vàng, hoa dâm bụt đỏ, hoa sim tím rực lưng đồi trong những ngày cuối cùng của chiến tranh.

Hùng đã đi và quán dần đông khách.

Thạch nhìn về phía đồi Cánh Võng và dưới chân mình là ngã ba của hai dòng sông nước trôi đang nhập làm một. Quang và Thạch đã bao lần ngồi nơi này vào mỗi chiều cuối tuần của tháng 4. Quang kể về vùng đất cũ rất nhiều dù Thạch có thờ ơ đến mấy. Trước đây hai năm, cũng vào một chiều cuối tháng 4, đột nhiên Quang lại bảo: Linh dạo này ra sao và được mấy đứa con, tao nhớ thật, mày ạ; nhất là vào những ngày này. Sau đấy một năm, căn bệnh ung thư của Quang bộc phát. Thạch viết cho Quang những dòng chữ cuối dành cho một người. Trên giường bệnh, Quang cố đọc, cố sửa vài chỗ, cố nở nụ cười héo hắt dù nước mắt lưng tròng. Hai hôm sau...

Sương vẫn trôi trên sông cùng vành trăng khuyết treo trên đồi Cánh Võng đầy yên lắng với cơn gió nhẹ thổi mang theo hương hoa dủ dẻ vàng phảng phất. Trời không có cơn mưa nhỏ ào ạt đến và đi như ngày cũ xa vời của ba mươi chín năm về trước. Không biết giờ đây, nơi em ở có cơn mưa nhỏ nào trôi qua không?

Và nếu vô tình Linh đọc hàng chữ này, cho dù ở cách xa ngàn dặm hay ở một nơi thật gần mà tôi không thể gặp được, không trao được kỷ vật đã thay đổi màu sắc bởi thời gian; thì cũng mong một lần em về lại chốn cũ để nhớ lại những ngày cuối cùng của chiến tranh, nơi một góc nhỏ của vùng đất vào mùa sương luôn trôi trên sông.

Chiếc nơ tím nhạt màu vẫn nằm trong túi ngực Thạch.

Anh đặt thêm chiếc khăn tay trắng viền xanh vào trong ấy rồi đứng lên rời quán.