Những ngân hàng nào giảm lãi suất theo quy định mới của NHNN

Thảo Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Hàng loạt ngân hàng thay đổi biểu lãi suất huy động để đảm bảo quy định mới của Ngân hàng Nhà nước (NHNN).

Theo quyết định của NHNN, từ ngày 3/4, trần lãi suất tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng giảm xuống 0,5%/năm; lãi suất tối đa áp dụng cho tiền gửi từ 1 tháng đến dưới 6 tháng còn 5,5%/năm.

Lãi suất huy động giảm đồng loạt

Khảo sát lãi suất tại 31 ngân hàng, đầu giờ chiều nay, tại kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng, lãi suất tối đa được các ngân hàng giảm về mức 5,5%/năm.

Ở kỳ hạn 1 tháng, thấp nhất là CBBank, SHB lãi suất huy động là 3,8%. Kỳ hạn 3 đến dưới 6 tháng, như Techcombank, NamABank,  KienLongBank lãi suất tối đa kỳ hạn 5 tháng là 5,5%; Thậm chí nhiều ngân hàng còn giảm về mức 5,3% như MB hay 5,2% như SHB, PVComBank và SeABank. Thấp nhất nhóm tư nhân là Ngân hàng Bản Việt khi chỉ còn lãi suất 4,7%/năm.

Ảnh minh hoạ
Ảnh minh hoạ

Bên cạnh các kỳ hạn dưới 6 tháng, nhiều ngân hàng cũng giảm lãi suất huy động cho các kỳ hạn từ 6 tháng trở lên. Cụ thể, OceanBank đồng loạt giảm 0,2 - 0,6 điểm % tại các kỳ hạn từ 6 tháng trở lên. Hiện lãi suất cao nhất mà ngân hàng này đang niêm yết là 8,3% tại các kỳ hạn 12 – 36 tháng. SHB lãi suất 6 tháng 6,6%;

Saigonbank cũng giảm 0,3 - 0,5 điểm % tại các kỳ hạn từ 6 tháng trở lên; TPBank 6 tháng còn 6,1% và giảm 0,1 - 0,45 điểm ở các kỳ hạn trên 12 tháng.

Hiện, tại kỳ hạn 6 tháng, tất cả các ngân hàng đưa đưa lãi suất tiền gửi xuống dưới 9%. Đáng chú ý, SCB xuống 7,8% trong khi trước đó đạt 9%/năm.

Ở nhóm Big 4, lãi suất kỳ hạn 6 tháng đồng loạt được BIDV, Agribank, Vietcombank, Vietinbank áp dụng 5,8%. Đây cũng là mức lãi suất ở kỳ hạn 6 tháng thấp nhất thị trường hiện nay.

Tại kỳ hạn 12 tháng, lãi suất huy động được các ngân hàng niêm yết phổ biến 7,7-8,2%

Đây là đợt giảm lãi suất lớn thứ hai chỉ trong vòng 2 tuần qua. Trước đó, các ngân hàng đã đồng loạt giảm lãi suất huy động sau khi NHNN giảm lãi suất điều hành từ ngày 15/3.

Trong vài tuần qua, lãi suất huy động đã nhanh chóng sụt giảm từ 1 - 2%/năm. Những đơn vị giảm lãi suất gồm: VPBank, VIB, Sacombank, SHB, HDBank, Viet Capital Bank, NCB, Kienlongbank, DongABank, Saigonbank, VietABank, Oceanbank, PVCombank, VietBank, PGBank.

Nếu so với giai đoạn cao điểm cuối năm ngoái, khi có thời điểm lãi suất lên tới 12% một năm, thì lãi suất tiết kiệm đã giảm mạnh.

Trên thị trường liên ngân hàng, lãi suất những ngày gần đây cũng giảm khá mạnh do thanh khoản của các ngân hàng khá dồi dào. Cụ thể, lãi suất kỳ hạn qua đêm còn khoảng 1,14%/năm; 1 - 2 tuần còn khoảng 1,5 - 2,4%/năm, 1 tháng còn 4,4%/năm, 3 tháng còn 6,74%/năm, 6 tháng còn 8,1%/năm.

Lãi suất cho vay sẽ chỉ còn quanh 10%

Theo các chuyên gia, thanh khoản hiện đang dồi dào, lãi suất huy động kỳ hạn dài có thể về 7%/năm, lãi suất cho vay chỉ còn quanh 10%/năm

Trong báo cáo phân tích mới đây, Công ty chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) cho rằng, mặt bằng lãi suất huy động có xu hướng giảm và có thể duy trì quanh ngưỡng 7%, tương ứng mặt bằng lãi suất cho vay bình quân quanh ngưỡng 10% (đối với kỳ hạn 12 tháng bình quân nhóm ngân hàng quốc doanh) thời điểm cuối năm, nhờ các yếu tố hỗ trợ sau: Lạm phát được kiểm soát dưới 4,5%; Thanh khoản ngân hàng ổn định; Fed đang ở cuối lộ trình tăng lãi suất, kì vọng đảo chiều chính sách vào cuối quý II/2023.

Quan sát quá khứ giai đoạn 2000 - 2022, KBSV nhận thấy trong môi trường lạm phát bình quân biến động trong khoảng 4 - 5% thì lãi suất huy động 12 tháng sẽ duy trì quanh mức 7 - 8% và lãi suất cho vay bình quân biến động từ 9,5 -11%/năm.

Ngoài ra, thanh khoản 3 tháng đầu năm 2023 của hệ thống ngân hàng đã ổn định, tạo môi trường thuận lợi hỗ trợ việc giảm mặt bằng lãi suất, nhờ nghiệp vụ mua 3,5 tỷ USD gia tăng dự trữ ngoại hối của NHNN, tương ứng bơm khoảng 82.000 tỷ đồng vào hệ thống ngân hàng.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần