Cả nước có 52,5 triệu người tham gia lực lượng lao động, trong đó khoảng 51,5 triệu người có việc làm; khoảng 1,06 triệu người thất nghiệp, giảm 160 nghìn người so với quý 3/2023, theo Bản tin thị trường lao động Việt Nam quý 4/2023 do Bộ LĐTB&XH công bố. Thu nhập bình quân của người lao động là 7,3 triệu đồng/tháng, tăng 180 nghìn đồng so với quý 3/2023.
Những ngành có biến động việc làm là Công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 75.000 người; Nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản tăng 57.000 người; Hoạt động dịch vụ khác tăng 39.000 người; Giáo dục và Đào tạo tăng 27.000 người; Y tế và hoạt động trợ giúp xã hội tăng 18.000 người.
Trong khi đó, một số ngành giảm việc làm. Đó là ngành Bán buôn và bán lẻ, Sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác giảm 120.000 người; ngành Vận tải, kho bãi giảm 36.000 người; Hoạt động làm thuê và các công việc trong hộ gia đình giảm 21.000 người; Dịch vụ lưu trú và ăn uống giảm 17.000 người làm và ngành Khai khoáng giảm 12.000 người.
Từ phân tích dữ liệu đăng tuyển dụng của DN và người lao động tìm việc làm từ internet trong quý 4/2023 (21.160 lượt DN đăng tuyển dụng 69.442 lao động, 77.553 người lao động tìm việc), Bộ LĐTB&XH cho biết xu hướng tuyển dụng lao động quý 1/2024. Theo đó, yêu cầu trình độ đại học trở lên là 53,7%; cao đẳng, trung cấp, sơ cấp 39,0% và 7,3% không yêu cầu người lao động có chuyên môn kỹ thuật. Về vị trí việc làm, nhân viên chiếm 68,5%; quản lý bậc trung chiếm 18,5%; việc làm tạm thời chiếm 6,9%.
Về đặc điểm của người đi tìm việc, cho thấy: 43,8% người lao động có trình độ đại học trở lên; 32,1% người lao động có trình độ cao đẳng, trung cấp và 24,1% không có bằng cấp chứng chỉ. Có tới 53,9% người lao động muốn ứng tuyển vị trí nhân viên; 25,3% vị trí quản lý bậc trung và 17,2% vị trí làm việc tạm thời.
Từ phân tích xu hướng tuyển dụng và đặc điểm của người đi tìm việc cho thấy, nguồn cung và cầu lao động đang vênh nhau. Cụ thể, các DN đang cần nhiều lao động trình độ trung cấp, cao đẳng, đại học trở lên (53,7%), trong khi số người lao động có mong muốn làm ở vị trí này lại thấp hơn (43,8%). DN cần tuyển ít quản lý bậc trung (18,5%) thì nhiều người lao động lại đăng ký ứng tuyển vào vị trí này (25,3%). Và, trong khi 7,3% DN không yêu cầu chuyên môn kỹ thuật thì 24,1% người lao động đi tìm việc không có bằng cấp/chứng chỉ...
Bộ LĐTB&XH nhận định triển vọng thị trường lao động quý 1 của năm 2024 là 51,7 triệu người có việc làm, tăng 217 nghìn người so với quý 4/2023.
Dự báo 3 ngành nghề có nhu cầu tăng việc làm là: Sản xuất, chế biến thực phẩm tăng 1,8%; Sản xuất thiết bị điện tăng 1,6%; Sản xuất da và các sản phẩm có liên quan tăng 1,6%.
Những ngành nghề giảm việc làm là: In, sao chép bản ghi các loại giảm 13%; Hoạt động xây dựng chuyên dụng giảm 5,4% và Sản xuất thiết bị điện giảm 3,2%.