[Những ngày không thể quên ở “tâm dịch” Thanh Xuân Trung] Bài 1: Chiến dịch di dời dân khẩn cấp chưa từng có

Hồng Thái
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ổ dịch tại ngõ 328-330 đường Nguyễn Trãi (phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân, Hà Nội) bùng phát từ ngày 22/8/2021, diễn biến nhanh chóng, phức tạp và khó lường. Chính quyền địa phương đã nỗ lực thực hiện các biện pháp để kiểm soát, khống chế thành công ổ dịch; trong đó, chiến dịch di dời dân khẩn cấp chưa từng có tiền lệ đã được triển khai.

Khi những người dân cuối cùng trở về nhà an toàn vào ngày 29/9, không ai dám tin ổ dịch có gần 600 ca mắc Covid-19 trong 2 ngõ 328-330 đường Nguyễn Trãi lại có thể được kiểm soát, khống chế thành công chỉ trong vòng hơn một tháng. Đó là minh chứng cho thấy các quyết sách táo bạo, chưa từng có tiền lệ của cấp ủy, chính quyền quận Thanh Xuân đã mang lại hiệu quả trong cuộc chiến chống dịch Covid-19.

Quan tâm cuộc sống người dân trong khu vực phong tỏa

Trò chuyện với báo Kinh tế & Đô thị, Phó Bí thư Quận ủy, Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân Võ Đăng Dũng cho biết, ngay sau khi nhận được thông tin trường hợp 2 mẹ con xét nghiệm dương tính ngày 22/8 tại Bệnh viện Hồng Ngọc, quận đã cử ngay cán bộ xuống đánh giá tình hình, quyết định phong toả, cách ly khoanh vùng; lấy mẫu xét nghiệm các trường hợp liên quan. Khu vực phong tỏa có khoảng 700 hộ dân với hơn 2.000 nhân khẩu.

Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân Võ Đăng Dũng cho biết, ngay sau khi có thông tin về trường hợp mắc Covid-19 trên địa bàn phường Thanh Xuân Trung, quận đã tổ chức xét nghiệm diện rộng cho hơn 2.000 người dân, đảm bảo 100% công dân khu vực này đều được xét nghiệm

Quận đã quyết định thành lập tổ công tác đặc biệt, gồm 51 thành viên, bao gồm lực lượng công an, dân quân tự vệ, y tế, tình nguyện viên làm nhiệm vụ, sinh hoạt ngay tại “tâm dịch”, lắp 10 camera an ninh giám sát. Để đảm bảo điều kiện ăn ở tập trung trong khu vực phong tỏa, tổ công tác đã trưng dụng một trường học trên địa bàn làm nơi ăn nghỉ và làm việc. Trong thời gian phong tỏa, tổ công tác luôn duy trì tuần tra cả ngày lẫn đêm, thường xuyên thay nhau túc trực tại các chốt, duy trì 13 chốt trực 24/24 giờ hàng ngày.

Đặc biệt, các thành viên trực tiếp tuyên truyền Nhân dân chấp hành nghiêm việc phòng, chống dịch; vận chuyển nhu yếu phẩm, lương thực thực phẩm đến tận nhà; sẵn sàng hỗ trợ người dân khi có yêu cầu. Bất kể trời nắng hay mưa, lương thực, thực phẩm, thuốc men cũng như những phần quà hỗ trợ từ các nơi chuyển đến, đều được các thành viên trong tổ kịp thời trao đến tận tay người dân trong khu vực cách ly.

Một trong những nhiệm vụ thường xuyên của các thành viên tổ công tác đặc biệt, đó là cùng các cán bộ y tế đến từng nhà dân để lấy mẫu xét nghiệm Covid-19; trực tiếp mời, gọi và hướng dẫn công dân thuộc diện F0, F1 đi chữa bệnh và cách ly tập trung. Những ngày phát sinh nhiều ca F0, dù đồng hồ điểm 12 giờ đêm, hay 2 - 3 giờ sáng, các thành viên trong tổ luôn trong trang phục bảo hộ, làm việc liên tục và khẩn trương, chia nhau gõ cửa từng nhà để mời từng trường hợp thuộc diện đi chữa bệnh, cách ly.

Lương thực, rau củ được các dân quân tự vệ, tình nguyện viên phát miễn phí cho các hộ dân khu vực phong tỏa

Trường hợp người già yếu, các thành viên trong tổ thay nhau dìu, cõng, khiêng bằng cáng; với trẻ nhỏ thì bế bồng. Thậm chí, có ông cụ ngoài 70 tuổi, gần 20 năm nằm liệt trên gác mái nhỏ trong một căn hộ tập thể cũ, nhưng có kết quả dương tính với SARS-CoV-2. Các thành viên trong tổ công tác đã kiên trì hàng giờ thuyết phục, hỗ trợ cắt tóc cho cụ; sau đó hợp sức khiêng cụ xuống khỏi căn phòng nhỏ và đưa đi chữa bệnh, cách ly theo quy định.

“Có thời điểm, tình nguyện viên hăng say làm nhiệm vụ đến nỗi bị ngất, 10/51 thành viên trong tổ công tác bị sốt xuất huyết, nhưng cả tổ không nao núng tinh thần, thay nhau đảm nhận công việc” - Phó Trưởng Công an phường Thanh Xuân Trung Mai Văn Đạo - Tổ trưởng tổ công tác chia sẻ.

Theo chia sẻ của người dân sống trong khu vực phong tỏa, chỉ trong vòng một tuần, gần 400 ca F0 được phát hiện. Kinh hoàng! Đây chưa phải là con số cuối cùng. Có nhiều gia đình cả nhà đều bị dính Covid-19, thậm chí có nhà 10 người thì cả 10 đều trở thành F0, từ cụ 80 đến con trẻ vài tuổi, xót xa cho cảnh ly tán. Đã có người tử vong và hôn mê sâu. Các gia đình trong ngõ lập nhóm trên Zalo để chia sẻ, cập nhật thông tin. Lo sợ lây nhiễm và hoảng loạn là những gì người dân cảm nhận được trong những ngày này. Sự lo sợ là rất tự nhiên, ta thường sợ khi ta không biết rõ về thứ đang đe dọa mình. Biến thể Delta vô tình và không biết nói nên mọi người lại càng hoang mang.

Mặc dù quận Thanh Xuân đã triển khai các giải pháp quyết liệt, tuy nhiên qua tham vấn, các chuyên gia đánh giá, với điều kiện ăn ở, sinh hoạt ở khu vực phong tỏa có nhiều nhà tập thể cũ xây dựng từ những năm 1960, sử dụng chung các khu vệ sinh tiềm ẩn nguy cơ rất cao, tình trạng lây nhiễm còn rất phức tạp. Khu vực xuất hiện chùm ca bệnh này lại ở khu tập thể cũ với mật độ dân cư đông, ngõ nhỏ, ngách nhỏ, diện tích chật hẹp nên khả năng tiếp xúc rất lớn. Chùm ca bệnh này có sự tương đồng như chùm ca bệnh ở phường Văn Chương, hay phường Văn Miếu (quận Đống Đa).

Xây dựng, triển khai phương án giãn dân khẩn cấp trong đêm

“Sau lần xét nghiệm thứ ba, chúng tôi nhận thấy mức độ lây lan dịch bệnh rất cao. Nếu trong hộ gia đình có 1 ca F0, gần như 100% thành viên trong gia đình sẽ bị nhiễm nên quận đã xây dựng phương án giãn dân, bảo đảm đời sống Nhân dân. Trước đó, thực hiện chỉ đạo của Thường trực Thành ủy, UBND TP Hà Nội, quận cũng đã chủ động đưa 600 người dân đi chữa bệnh, cách ly tập trung và thực hiện các biện pháp chống dịch rất nghiêm” - Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân Võ Đăng Dũng chia sẻ.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính hỏi thăm, động viên các thành viên tổ Covid cộng đồng đang thực hiện nhiệm vụ tại khu vực phường Thanh Xuân Trung chiều 31/8

Chiều 31/8, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã trực tiếp kiểm tra công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại phường Thanh Xuân Trung - nơi đang là “điểm nóng” về dịch của Thủ đô. Thủ tướng chỉ đạo phải triển khai ngay việc giãn dân để hạn chế lây lan. Tiếp thu chỉ đạo của Thủ tướng và những chỉ đạo trực tiếp từ Thành ủy, UBND TP Hà Nội, ngay trong đêm 31/8, Thường trực Quận ủy Thanh Xuân đã họp bàn, triển khai các biện pháp cấp bách.

Cuộc họp kéo dài tới 2 giờ sáng 1/9, các ý kiến đều nhận định nếu không di dời thì phần lớn người dân sống ở khu vực phong tỏa sẽ bị lây nhiễm. Vì thế, Thường trực Quận ủy Thanh Xuân đã thống nhất phương án tổ chức giãn dân ở ngõ 328-330 Nguyễn Trãi tới 2 khu cách ly tập trung tại huyện Thạch Thất. Ngay trong đêm, từ 2 giờ đến 6 giờ sáng 1/9, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch quận Thanh Xuân đã xây dựng xong phương án giãn dân chi tiết.

“Trước đó, nắm bắt tình hình thực tế, quận đã có ý tưởng này và đã báo cáo UBND TP xin giãn bớt dân ở khu vực phong tỏa. Đây là tiền đề quan trọng để chúng tôi có thể cấp tốc hoàn thiện phương án” - Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân Võ Đăng Dũng chia sẻ.

9 giờ sáng 1/9, phương án được ban hành, và đến 14 giờ chiều, quận tổ chức cuộc họp chỉ đạo triển khai phương án đưa Nhân dân đi giãn cách. Toàn bộ phương án di dời dân khẩn cấp được triển khai thần tốc trong chưa đầy một ngày. Để triển khai phương án di dời người dân đến nơi ở mới, quận đã gửi thư ngỏ tới người dân, xây dựng nhóm Zalo của toàn thể người dân trong khu vực này; khuyến khích người dân tự nguyện di dời, đăng ký để quận hỗ trợ. 

Từ đêm 1/9 đến 3/9, UBND quận Thanh Xuân đã đưa gần 1.200 công dân ngõ 328-330 đường Nguyễn Trãi đi cách ly tập trung tại Ký túc xá Đại học FPT và Trung tâm Bồi dưỡng kiến thức An ninh - Quốc phòng (Đại học Quốc gia Hà Nội)

Từ đêm 1/9 đến 3/9, UBND quận Thanh Xuân đã đưa 1.164 công dân ngõ 328-330 đường Nguyễn Trãi đi cách ly tập trung tại 2 khu vực ở huyện Thạch Thất, gồm ký túc xá Đại học FPT và Trung tâm Giáo dục quốc phòng - an ninh (Đại học quốc gia Hà Nội). Phần lớn các hộ dân đều hiểu, chia sẻ với chính quyền trong thời điểm khó khăn dịch bệnh.

Hơn 100 người còn ở lại trong vùng lõi của “ổ dịch” cũng được cách ly và áp dụng các biện pháp y tế theo quy định. Những người ở lại phần lớn là người già yếu, bệnh nền, phụ nữ mang thai có bệnh và những người ở lại để chăm sóc người đặc biệt yếu. Khi ở lại, tất cả đều có đơn cam đoan thực hiện các biện pháp cách ly tại nhà; đồng thời được đội ngũ y tế vào khám để xác định mức độ bệnh lý. Quận cũng triển khai khử khuẩn, vệ sinh môi trường, đảm bảo an ninh trật tự, PCCC, bảo vệ tài sản của Nhân dân trong khu vực phong tỏa.

Chúng tôi rất sốt ruột bởi chống dịch phải rất thần tốc, chậm trễ một chút có khi nguy hiểm rồi. Cuộc họp của Thường trực Quận ủy Thanh Xuân kéo dài tới 2 giờ sáng 1/9, các ý kiến đều nhận định, nếu không di dời thì phần lớn người dân sống ở khu vực phong tỏa sẽ bị lây nhiễm. Vì thế, ngay trong đêm, từ 2 giờ đến 6 giờ sáng 1/9, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch quận Thanh Xuân đã xây dựng xong phương án giãn dân chi tiết, và tổ chức đưa người dân đi cách ly tập trung từ đêm 1/9.

Phó Bí thư Quận ủy, Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân Võ Đăng Dũng