Những người bệnh suốt đời cần máu

Trần Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đến Trung tâm Thalassemia, Viện Huyết học Truyền máu T.Ư trong tâm điểm đợt khan hiếm nhóm máu O, nhớ mãi hình ảnh đôi mắt đầy lo âu của một thai phụ bụng đã vượt mặt mong mỏi được truyền máu để duy trì sự sống cho cả hai mẹ con.

Nỗi âu lo ấy còn ẩn sau bóng dáng của những người bà, người mẹ cả đời gánh trên vai hành trình chữa bệnh cho con.
Chờ máu để nuôi dưỡng bào thai

Mắc bệnh tan máu bẩm sinh (Thalassemia), 26 năm nay, chị Đinh Hoài Trang (sinh năm 1992, Nam Định) phải sống nhờ máu những người xa lạ. Lâu thì một tháng một lần, có đợt một tháng hai lần, Trang khăn gói lên Viện Huyết học - Truyền máu T.Ư để truyền máu duy trì sự sống. Mang trong mình nhóm máu O, lại đang mang bầu tháng thứ 7, chị Trang thấp thỏm không yên khi biết nhóm máu này đang trong tình trạng khan hiếm.
 Người dân đến đăng ký hiến máu tại Viện Huyết học - Truyền máu T.Ư sáng 21/8.
Từ ngày có thai, lượng máu chị Trang truyền vào phải tăng lên để lấy máu nuôi dưỡng bào thai, nên cứ 20 ngày một lần chị phải truyền tối thiểu 350ml máu. Vậy nhưng, đợt thiếu máu này, dù đã được ưu tiên, chị mới chỉ được truyền 100ml máu. Thiếu máu, huyết sắc tố bị giảm mạnh, cơ thể vốn đã yếu ớt của chị lại càng mệt mỏi. Vỗ về đứa con trong bụng, chị Trang bùi ngùi kể: “Em mang bệnh nên bố mẹ chồng phản đối không cho cưới, hai vợ chồng vẫn quyết đến với nhau, đến giờ cháu trong bụng vẫn chưa được ông bà chấp nhận. Thiệt thòi đủ đường, em chỉ mong sớm có máu để truyền cho mẹ khỏe, con khỏe”.

Để chia sẻ với những người bệnh đang cần máu, sáng 24/8, tập thể cán bộ, nhân viên báo Kinh tế & Đô thị sẽ tổ chức Ngày hội hiến máu tình nguyện. Đây là hoạt động thường niên của báo nhằm chia sẻ tình trạng thiếu nguồn máu cấp cứu và điều trị cho bệnh nhân, nhất là trong dịp Viện Huyết học - Truyền máu T.Ư đang kêu gọi người dân hiến nhóm máu O này.

Giữa hành lang Trung tâm Thalassemia, một bé gái 6 tuổi tay cắm dây truyền khóc thét lên khi thấy bác sĩ ghé vào hỏi. Vừa mới trải qua cơn đau khi lấy tủy để xét nghiệm ngày hôm trước nên bé vẫn hoảng sợ. Thời gian ở viện nhiều hơn ở nhà, hành trang đi viện của bé được mẹ mang theo cả bút chì, bút màu, tập tô và tập viết nét chữ. Quyệt ngang dòng nước mắt lăn trên gò má, mẹ bé gái giọng run lại, nói: “Giá như trước sinh, vợ chồng tôi chỉ cần được nghe đến 4 chữ “tan máu bẩm sinh” thì chắc cuộc đời cháu sẽ không bất hạnh như này. Từ lúc bé được 4 tháng đã phải sống nhờ bằng máu của người khác, cả đời cháu sẽ phải như thế. Mỗi lần nghe thông tin thiếu máu, vợ chồng tôi lại đứng ngồi không yên”.
 Phó Giám đốc Trung tâm Máu Quốc gia Trần Ngọc Quế trong lần hiến máu thứ 51.
Cũng đang nằm chờ có máu để truyền, em Nguyễn Thị Thảo Vân (sinh năm 2002, Hải Dương) lâu lâu lại nhắc bà nội đi hỏi bác sĩ xem bao giờ mình được ra viện. Mắc bệnh Thalassemia từ lúc mới sinh, năm Vân 11 tuổi, mệt mỏi với cảnh con cái bệnh tật, mẹ em đã bỏ đi để lại Vân và cậu em trai cho bà nội nuôi. Nghe bà kể lại, năm học lớp 1 bụng Vân to như cái trống nên phải nghỉ học ở nhà đi điều trị, từ đó đến giờ bệnh tình kéo dài nên Vân cũng không thể đến trường. “Tôi thì làm ruộng, bố nó đi làm thuê, mỗi lần lên viện truyền máu, tiền đi đường ăn uống của hai bà cháu, rồi tiền viện phí cũng mất 2 – 3 triệu. Đợt này thiếu máu, phải ở lại viện chờ, mà chờ thêm ngày nào lại phát sinh tiền ngày đấy, vừa tốn kém mà cả bà và cháu cùng mệt mỏi” – bà Hối tâm sự.

Sẻ chia sự sống

Mấy ngày nay, hơn một nửa bệnh nhân tại Trung tâm Thalassemia có nhu cầu truyền máu nhóm O bồn chồn, lo lắng vì sợ tình trạng thiếu máu kéo dài. Trò chuyện với chúng tôi, bác sĩ Lê Thanh Tâm luôn cầu mong đợt thiếu máu này sẽ không kéo dài như dịp Tết năm 2016. Bác sĩ Tâm nhớ lại, lúc đó có 250 bệnh nhân nội trú đang chờ truyền máu. Hằng ngày, các bác sĩ phải đi từng bệnh nhân đo huyết sắc tố để ưu tiên bệnh nhân bị giảm huyết sắc tố mạnh được truyền máu trước. Có những bệnh nhân phải nằm viện 2 tuần để chờ máu, tốn thêm tiền ăn ở, nhiều bệnh nhân kêu than, bác sĩ cũng sốt ruột, nhưng chẳng còn cách nào ngoài chờ nguồn máu từ người hiến.
 Khám cho bệnh nhân mắc tan máu bẩm sinh. Ảnh: Trần Nga
Thiếu máu, bệnh nhân mắc Thalassemia thể nặng sẽ đứng trước nguy cơ mắc các bệnh tim mạch, suy tim, thậm chí gây tử vong. “Một giọt máu cho đi – Một cuộc đời ở lại”, thấu hiểu nỗi đau của người bệnh, chính những bác sĩ đang công tác tại Viện Huyết học - Truyền máu T.Ư đã chia sẻ dòng máu của mình. Thậm chí có bác sĩ đã hiến máu tới 51 lần như Phó Giám đốc Trung tâm Máu Quốc gia Trần Ngọc Quế. Tham gia hiến máu từ thời sinh viên, đều đặn mỗi năm tham gia hiến máu 3 lần, bác sĩ Quế cho rằng, việc hiến máu cứu người là trách nhiệm và nghĩa vụ của những người làm công tác huyết học – truyền máu. Có lẽ vì vậy mà mỗi đợt kêu gọi hiến máu, những bác sĩ tại Viện luôn là những người tiên phong. Phong trào hiến máu cứu người cũng đã lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng, ngay sau khi Viện Huyết học – Truyền máu T.Ư kêu gọi hiến máu khẩn cấp nhóm máu O đã có hàng trăm người đến viện để chia sẻ dòng máu nóng của mình với người bệnh.
 Các bác sĩ Viện Huyết học Truyền máu T.Ư luôn tiên phong trong các đợt hiến máu tình nguyện.
Họ có thể là những giáo viên, giảng viên tranh thủ tiết trống, là những nhân viên văn phòng tranh thủ giờ nghỉ trưa đến viện để hiến máu. Thậm chí, có người là công nhân xây dựng của một công trình gần bệnh viện khi nghe tin kêu gọi hiến máu cũng sẵn sàng nghỉ một ngày công để đi hiến máu với mong muốn chia sẻ nỗi đau cùng những người bệnh nghèo. Chị Trần Thịnh An - một nhân viên văn phòng hối hả đến hiến máu sau bữa cơm trưa để kịp giờ làm chiều đã chia sẻ với tôi rằng, mỗi lần hiến máu đúng dịp khan hiếm lại cảm thấy hoan hỉ vì đã làm được điều nho nhỏ chia sẻ với người bệnh, và sau mỗi lần hiến máu tình nguyện chị lại thấy mình như trẻ hơn…
 Chị Trần Thịnh An tham gia hiến máu trong đợt khan hiếm nhóm máu O lần này.
Bước qua cửa một buồng bệnh, một bệnh nhân nữ chỉ khoảng hơn 20 tuổi kéo tôi lại và dặn: “Các chị cố kêu gọi thêm nhiều người đến hiến máu cho chúng em để truyền nhé. Chúng em có thể chịu đói, chịu rét nhưng một ngày mà thiếu máu thì thấy bất an lắm. Không được truyền đủ máu, chúng em thấy mệt mỏi, đau đầu, chóng mặt, khó chịu lắm”. Còn nhớ, trong ngày hội quân Hành trình đỏ 2018 vừa qua, một bệnh nhân Thalassemia đã tâm sự, nếu không có những giọt máu của người hiến tặng thì hàng ngàn người mắc căn bệnh này khó có thể sống sót. Mặc dù khi được truyền máu, người bệnh không biết những giọt máu này do ai hiến tặng, song đối với họ đó là những giọt nghĩa tình của những ân nhân, những “người hùng” mà họ không quen biết nhưng lại sẵn sàng chia sẻ sự sống cho mình.

"Hiện lượng máu nhóm O dự trữ tại Viện chỉ còn gần 2.000 đơn vị. Trong khi mỗi ngày, trung bình Viện cần tối thiểu 500 - 700 đơn vị nhóm máu O để cung cấp cho nhu cầu cấp cứu và điều trị tại 180 bệnh viện ở Hà Nội và các tỉnh phía Bắc. Sau khi Viện Huyết học – Truyền máu T.Ư phát đi thông điệp thiếu nhóm máu O, trong những ngày qua, Viện liên tục đón tiếp người dân có nhóm máu O đến hiến máu. Chúng tôi mong muốn những nghĩa cử cao đẹp này tiếp tục được sẻ chia, nhân lên trong cộng đồng, để người bệnh bớt đi sự chờ đợi mỏi mòn được truyền máu." - Viện trưởng Viện Huyết học - Truyền máu T.Ư

Bạch Quốc Khánh

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần