Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Những người cố ý lây truyền dịch bệnh có thể đối mặt với mức phạt nghiêm khắc

Bảo Thắng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong trường hợp cố ý lây truyền dịch bệnh cho người khác, dẫn đến Thủ tướng phải công bố dịch, đối tượng vi phạm phải đối mặt bản án đến 12 năm tù.

Đêm 6/3, lãnh đạo TP Hà Nội đã phải họp khẩn liên quan trường hợp một công dân nhiễm dịch bệnh Covid-19. Sau khi thông tin chính thức được công bố, bệnh nhân thứ 17 được xác định là N.H.N (26 tuổi), ở quận Ba Đình, TP Hà Nội. Điều đáng nói, ngay sau thông tin này được phát đi, rất nhiều ý kiến trái chiều xung quanh trường hợp N.H.N.
Xét riêng về góc độ pháp lý, nhiều chuyên gia cho rằng, bệnh nhân N.H.N có thể phải đối mặt với một bản án nghiêm khắc nếu tình huống xấu xảy ra.
Cụ thể, theo luật sư Lê Công (Đoàn luật sư TP Hà Nội), trường hợp của N.H.N, nếu cơ quan chức năng có đủ căn cứ, bệnh nhân này phải đối mặt với pháp luật hình sự, với mức án cao nhất tới 12 năm tù.
Luật sư Lê Công dẫn chứng, theo hồ sơ ban đầu, bệnh nhân N đã đi qua nhiều quốc gia và các quốc gia này đều đang có dịch, thậm chí, có tỷ lệ tử vong rất cao như Italia. Ngoài ra, người nhà của bệnh nhân N cũng được thông báo đã dương tính với dịch bệnh Covid-19. Điều này có nghĩa, tình huống N mắc bệnh là rất cao.
“Trong pháp luật, có những trường hợp quy định bắt buộc phải biết, phải nhận ra nguy cơ dù có chuyên môn hay không” - luật sư Công cho biết. Áp vào tình huống của bệnh nhân thứ 17 cho thấy, N hoàn toàn cảm nhận được những nguy cơ mình có thể mắc phải. Và, với nhận thức thông thường, lẽ ra, N.H.N đã phải tiếp cận cơ quan y tế để thăm khám.
Tại Việt Nam, hiện có 2 hệ thống pháp luật điều chỉnh hành vi liên quan việc lây truyền dịch bệnh. Thứ nhất, Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2007, có hiệu lực từ 1/7/2008 đã nghiêm cấm việc cố ý làm lây lan tác nhân gây bệnh truyền nhiễm; che giấu, không khai báo hoặc khai báo không kịp thời các trường hợp mắc bệnh truyền nhiễm theo quy định của pháp luật; cố ý khai báo, thông tin sai sự thật về bệnh truyền nhiễm; không chấp hành các biện pháp phòng, chống bệnh truyền nhiễm theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền.
Ở lĩnh vực hành chính, theo luật sư Công, có thể bị xử phạt đến 10 triệu đồng. Nếu tình huống nghiêm trọng hơn, có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự đến 12 năm tù.
Theo đó, tại Điều 240 Bộ luật Hình sự quy định về tội Làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người quy định, người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 1 năm đến 5 năm: Đưa ra hoặc cho phép đưa ra khỏi vùng có dịch bệnh động vật, thực vật, sản phẩm động vật, thực vật hoặc vật phẩm khác có khả năng lây truyền dịch bệnh nguy hiểm cho người, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác; đưa vào hoặc cho phép đưa vào lãnh thổ Việt Nam động vật, thực vật hoặc sản phẩm động vật, thực vật bị nhiễm bệnh hoặc mang mầm bệnh nguy hiểm có khả năng lây truyền cho người; Hành vi khác làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người.
Theo luật sư Lê Công, phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 5 năm đến 10 năm: Dẫn đến phải công bố dịch thuộc thẩm quyền của Chủ tịch UBND cấp tỉnh hoặc Bộ trưởng Bộ Y tế; làm chết người. Và đến 12 năm tù nếu dẫn đến phải công bố dịch thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ; làm chết 2 người trở lên và người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.
Như vậy, theo luật sư Lê Công, trường hợp bệnh nhân N được các cơ quan tố tụng chứng minh vi phạm với các hành vi kể trên, tức, một bản án nghiêm khắc có thể sẽ được tuyên cho theo đúng quy định tố tụng.