Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Những người không thích cười

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chỉ sau ít tháng được đề bạt lên chức viện trưởng, ông đột nhiên muốn cấp dưới phải thật tươi cười.

Nhưng khuôn mặt ít khi co giãn của ông thì vẫn thế, giữ mãi thái độ lạnh nhạt khó gần. Trước đây, ở chức phó viện trưởng, ai nói ai cười thế nào cũng mặc, giờ ở “đế chế” của ông, một điều thật sự khác đã xảy ra. Nhưng đồng nghiệp thì không quên hình ảnh ông viện phó  X. lụi cụi để ý đến từng chi tiết nhỏ của đám nhân viên nữ thích ăn quà vặt. Nào là: Buôn chuyện ít thôi, để ý vào công việc. Nào là, ăn mặc thì lòe loẹt, nghiêm chỉnh vào! Đám nhân viên nữ ăn mặc nghiêm chỉnh, ông lại nhắc: Nhân viên nữ ở ta khô cứng quá, lúc nào cũng đóng “kín cổng cao tường”. Từ cấp trưởng phòng trở xuống, muốn xin nghỉ, dù đã nói qua với viện trưởng, nhưng vẫn phải báo cáo viện phó X., không được phép xin qua trưởng phòng. Ông X. đặc biệt thích đám cấp dưới mời nhậu. Đơn giản vì ông thích được người khác cưng chiều, và ngoài bàn nhậu ông có nhiều thời gian nghe cấp dưới nịnh nọt hơn. Nhưng dù nghe nịnh, các cơ mặt của ông cũng không hiện ra sự thoải mái chân thật. Ấy thế mà ai tỏ vẻ vâng dạ lễ phép mà khuất xa nói xấu, thì ông vẫn lôi ra cho bằng được. Suốt mấy năm trời ông X. và viện trưởng trước “uỵch” nhau ngấm ngầm. Cả hai cố che đậy nhưng không che nổi mắt chúng tôi. Thế rồi thời thế thay đổi, viện trưởng cũ không thể lên cao hơn, phải về hưu. Cơ quan chịu sự quản lý của viện trưởng mới, ông X. lên thay, học hàm giáo sư. Ông có tham vọng cải tổ viện.

Đầu tiên là ông họp toàn thể cơ quan, giọng ông dõng dạc đầy quyền lực: Cơ quan ta là cơ quan văn hóa, tiếp xúc và làm việc nhiều đến văn hóa. Lối ứng xử văn hóa là điều cực kỳ quan trọng, mà thể hiện một cách gần gũi và đầy đủ nhất là nụ cười. Nụ cười càng ấm thì tình cảm càng đầy, nó cho thấy chúng ta tôn trọng khách đến, nó chỉ cho người ta thấy thái độ cởi mở hợp tác của chúng ta. Vì thế, chúng ta hãy thể hiện cho thật tốt thiện chí của những người làm trong cơ quan văn hóa, bằng cách tập cười thật tươi.

Nói đến đó, ông làm động tác cười mẫu. Tất nhiên, cơ miệng, môi cơ bản biến đổi, nhưng đôi mắt lầm lì của ông cơ bản giữ nguyên. Đám nhân viên nữ bấm bụng cười làm theo. Họ sợ ánh mắt của viện trưởng tia vào.

- Công việc rất đơn giản. Tôi đi nhiều nơi, ở những cơ quan đầy chất văn hóa đó, người ta còn cúi đầu khi khách đến và đi. Tất nhiên không thể thiếu nụ cười trìu mến. Vì vậy, tôi sẽ sắp xếp ở quầy lễ tân hai nữ nhân viên mới, ăn mặc ngay ngắn nghiêm chỉnh, nụ cười tươi. Đó là bộ mặt của chúng ta. Hai cô đó khi tiễn khách, phải cúi đầu thành kính, dù người đó địa vị thế nào. Toàn bộ cơ quan sẽ được bố trí ngày thứ Bảy, Chủ nhật gần nhất để học cười. Tôi sẽ đi mời chuyên gia cười. Mọi người có nhất trí không?

Tất cả đồng thanh:

- Dạ nhất trí ạ.

Viện trưởng nhấn mạnh:

- Có làm được không?

Cả hội trường đồng thanh như những cỗ máy:

- Dạ, làm được ạ!

Đúng là viện trưởng có một kế hoạch mau chóng và chi tiết. Ngay tuần đó, một chuyên gia dạy cười đã được mời đến. Sĩ số của viện chỉ vắng có một. Viện trưởng bảo sẽ bố trí cho cô này học sau. Chuyên gia cười nói con người ta ngày càng tiết kiệm nụ cười. Nụ cười có tác dụng thế nào đối với đời sống cũng được giảng chi tiết. Tôi nhìn đám nhân viên nữ uống từng lời, thấy mình thêm hứng thú học. Hết hai buổi, cả cơ quan hừng hực quyết tâm.

Thứ Hai đầu tuần, viện trưởng đến từ lúc cửa cơ quan vẫn còn im ỉm đóng với một cặp bánh mỳ kẹp thịt. Bác bảo vệ lăng xăng mở cổng sau hồi còi xe của anh lái. Viện trưởng bước xuống, anh lái đỗ gọn xe rồi tìm cách chợp mắt thêm. Viện trưởng giám sát tình hình cải thiện của viện. Hôm học cười, bác bảo vệ cũng có mặt. Nay bác cười rất tươi. Viện trưởng thấy ấm bụng.

Cả cơ quan đúng là có một sự đổi khác. Bình thường chúng tôi gặp nhau, có khi chỉ chào nhẹ, cười nhẹ hoặc không thân lắm thì hơi gật đầu. Nay phải cười thật nở, giãn cơ mặt ra, đủ để người khác thấy thái độ thân thiện của mình. Vào nhà vệ sinh, gặp người kém thân thì ít khi nói chuyện sâu, nay phải cười tươi với nhau, buộc phải nói thêm chuyện gì đó để có cớ mà cười được dài. Đúng là một bầu không khí lạc quan. Những khuôn miệng tươi như hoa, đủ xua đi biết bao nhập nhoạng của kinh tế suy thoái ám ảnh chung và chùm lên nhiều viện nghiên cứu.
Minh họa: Hoa Quỳnh
Minh họa: Hoa Quỳnh
Đến sau viện trưởng là hai cô lễ tân mặc áo dài óng ả đứng. Bất kể gặp nhân viên, khách khứa, chị lao công đẩy cửa kính tiền sảnh bước vào cũng phải hơi cúi đầu và mỉm cười. Bẩy giờ rưỡi sáng đến lúc này hai lễ tân thấm mỏi cổ. Nhất là thứ hai đầu tuần khách khứa đông người ra vào nườm nượp. Trong đó số bè bạn quan hệ với viện trưởng đến nhờ vả cháu con không ít. Chi tiết mà tính thì tần suất cúi đầu mỉm cười của hai lễ tân tương đương của cả cơ quan và khách khứa cộng lại. Khách nói với viện trưởng cơ quan tiến bộ nền nếp quá. “Phải thế chứ, cơ quan chúng em có muốn cũng không làm được, cơ quan bác thật tài tình”. Những lời khen đại loại vậy khiến viện trưởng vô cùng mãn nguyện. Ông rút kinh nghiệm ngày đầu với hai viện phó. Lúc tôi vào, ông khoe cứ đà này chẳng mấy chốc cơ quan ta đứng đầu về văn hóa ứng xử.

Công việc suôn sẻ một tuần đầu. Sau đó hai cô lễ tân xin nghỉ vì mỏi cổ và miệng, đầu óc bị choáng. Tôi và đám đàn ông con trai không đến nỗi đau cổ nhưng miệng thì mỏi, đến nỗi thành ra một quán tính rằng cứ nghe thấy tiếng cửa phòng mở là cửa miệng đã phải làm động tác cười. Viện trưởng X. nhận được lời xin phép của hai lễ tân. Ông hơi hoảng hốt: “Chết thật, phải tìm ai đó thay chứ nhỉ!”. Nghĩ và làm ngay, đích thân ông điều động một nhân viên văn phòng và một nữ kế toán mới học việc đứng thế chỗ, chỉ chào và cười với khách. Được đúng hai ngày hai cô gái không chịu nổi nữa, phải rút vào bên trong. Hai lễ tân cũ đỡ mỏi miệng tiếp tục lãnh trách nhiệm.

Hiệu quả công việc tất nhiên có phần tiến bộ. Chúng tôi tuy mệt nhưng thêm hăng say. Một số cán bộ viện có tuổi phải đi châm cứu vì chứng loạn giãn cơ mặt, già đi trông thấy. Ô hay, cười thì phải tươi trẻ, nhưng sao lại già đi được? Một nụ cười bằng mười thang thuốc bổ cơ mà? Đành là vậy, nhưng người có tuổi kém “chịu nhiệt” cũng thấy đó là một áp lực, một nỗi lo lắng, bởi bình thường, họ luôn cố tỏ ra nghiêm nghị. Nụ cười chỉ dành cho đối tác thân cận và cánh hẩu. Đằng này với cả người yêu kẻ ghét, cơ mặt đều phải làm việc, sao ông… quá tải cho được. Chỉ cánh trẻ chúng tôi là thấy mọi việc đang dần đâu vào đấy, không có mấy xáo trộn trong sinh hoạt. Thậm chí một vài bạn trẻ còn tỏ ra hào hứng khi thấy cánh già cảm thấy khổ sở nhễ nhại.

Nhưng câu chuyện đã tiến triển một chiều hướng khá tiêu cực. Là khi viện trưởng X. gọi anh em vào nhắc nhở thì ai cũng phải cười. Bị mắng cũng thấy cười. Bị quát cũng thấy cười. Bị kiểm điểm cũng cười được. Anh Nhân trưởng phòng Cơ sở bị quạt một trận về mấy đề tài dở ẹc khi ký kết với huyện A. mà anh làm chủ nhiệm. Anh Nhân đã ngoài năm mươi tuổi mái đầu chúi xuống tội nghiệp, mấy ngày qua mất ngủ nên lúc này nhìn anh càng già nua tội nghiệp. Hơn thế, anh cố phải nở nụ cười. Càng cười thì anh càng bộc lộ sự khổ sở. Ai cũng thương anh. Nhưng viện trưởng thì bực mình. “Cậu cười cái gì, lúc này cậu còn cười được à? Cậu làm cẩu thả, cậu quan liêu, cậu…”.

Tôi nhìn thấy anh Nhân cúi ngằm mặt, nhưng nụ cười không tắt. Lạ thật. Chúng tôi ngồi trong cuộc họp, im thin thít, nhưng miệng vẫn cười. Chắc lẽ lúc này, viện trưởng coi những nụ cười đó là lố bịch, nên quát: “Các anh chị cũng vậy. Còn cười được sao? Trình độ thấp kém của các cậu đang kéo đổ cơ quan đấy. Im hết đi!”.

Dường như tất cả đều nín cười. Mấy cô gái trẻ theo quán tính, vẫn tươi tỉnh liền bị viện trưởng lia mắt sang. “Này nhé, chỗ này không phải nơi đùa bỡn”. Viện trưởng vẫn một mình làm chủ diễn đàn. Ông nói hết từ đầu đến cuối với những lời giáo huấn sặc mùi đạo đức giả. Bác viện phó mới được đôn lên chỉ có mỗi việc té nước theo mưa: “Dạ, viện trưởng nói phải. Anh em chúng ta nên chấp hành. Từ lần sau, mỗi người cần cố gắng hơn một chút, để ý hơn vào công việc, quán xuyến từ đầu đến cuối. Việc giao cho đối tác, nhưng chúng ta vẫn phải là những người cầm trịch”. Cả hội trường vỗ tay tán thưởng, cười. Viện trưởng X. đập bàn: “Sao lại cười, tôi cấm không được cười kiểu đó nữa. Các anh định vào hùa giễu tôi chắc. Chuyện này chẳng có gì đáng cười cả!”. Phòng họp lại im bặt.

Viện trưởng tổng kết cuộc họp, giao các phòng chuẩn chỉ làm việc, bất cứ biến chuyển gì phải báo cáo ngay. Nhất là những tháng cuối năm, ngành văn hóa có nhiều phương án nâng cao đời sống văn hóa cơ sở, văn hóa ứng xử nơi công cộng. Viện ta cũng theo guồng đó, phải phấn đấu, phải tiến lên.

Một tuần sau viện tôi được thành phố khen thưởng là cơ quan làm việc có văn hóa. Ai cũng biết điều này là nhờ vào việc cải thiện nụ cười trong cơ quan, mà tác giả là viện trưởng. Hôm đi nhận bằng khen, viện trưởng X. vui và hãnh diện khó tả. Cùng với niềm vui đó thì số người phải đi bệnh viện vì triệu chứng loạn co cơ mặt tăng cao. Có người bảo dù chẳng muốn nhưng cứ gặp người khác là cơ mặt lại co lên, làm cho khuôn miệng hình thành khóe cười. Lúc mọi người mệt mỏi rã rượi thì không khí cơ quan chùng xuống. Viện trưởng tinh ý xốc lại ngay:

- Các anh chị không được nản. Cơ quan ta được đánh giá tốt, có lẽ sắp được đưa ra làm mẫu để các cơ quan khác làm theo. Tôi đề nghị các anh chị cố lên.

Với tinh thần chỉ đạo đầy trách nhiệm ấy, chúng tôi bấm bụng bảo nhau vâng lời sếp. Viện trưởng nửa nghi ngờ nửa tin tưởng giao nhiệm vụ cho viện phó phải sát sao mỗi khi ông đi vắng. Chỉ sau khi thúc anh em với tinh thần nhiệt huyết hãy cố gắng hết mình thì viện trưởng đi công tác xa mười ngày. Viện phó chỉ đạo sát sao hơn viện trưởng, đến nỗi ai cũng thấy mỏi hết cả miệng, nhìn vào những bản kế hoạch rối rắm cũng cười, lương bổng giảm sút cũng cười. Và bất ngờ, xa cơ quan được đúng một tuần, viện trưởng về gấp vì cụ thân sinh qua đời. Cả viện đến viếng. Những người thân cận với ông còn được mời tham gia ban lễ tang. Chuyện hài hước đã xảy ra. Đám nhân viên mặt ai cũng bị hớn hở quá trớn. Đám tang phải buồn thì nhìn mặt ai cũng như hoa. Thế có chết người ta không. Cấp dưới nói lời chia buồn với cấp trên thì lại toe toét cười. Viện trưởng bực mình điên tiết. Ngay tức khắc, ông quát vào mặt viện phó: “Cậu chỉ đạo thế nào, để anh em đến viếng bố tôi mà còn cười được”. Viện phó cúi gằm mặt. Chúng tôi bấm bụng cười khi thấy cảnh này. Thú thật là chúng tôi có thích cười đâu. Tại viện trưởng cả đấy chứ. Hẳn là ai cũng đoán được, ông X. cay cú thế nào. Đúng là một nỗi tréo ngoe. Gậy lưng đập lưng ông thật rồi.