Những người thật cần thiết đến TP Hồ Chí Minh phải thực hiện xét nghiệm

D. Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - TP Hồ Chí Minh phải khẩn trương thống nhất với Bộ Y tế, các địa phương lân cận để có hướng dẫn kiểm soát chặt chẽ người ra, vào, bảo đảm lưu thông hàng hoá không bị ách tắc. Những người thật cần thiết đến TP Hồ Chí Minh phải thực hiện xét nghiệm.

Ngày 5/7, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 đã họp trực tuyến với TP Hồ Chí Minh để triển khai các giải pháp phòng chống dịch bệnh.

Tiết kiệm, hiệu quả, không chạy theo số lượng

Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã đặt nhiều câu hỏi cụ thể xung quanh vấn đề xét nghiệm và truy vết của TP Hồ Chí Minh.

 Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 đã họp trực tuyến với TP Hồ Chí Minh để triển khai các giải pháp phòng chống dịch bệnh.

Phó Thủ tướng đề nghị TP Hồ Chí Minh cần kết hợp các công nghệ xét nghiệm, ứng dụng công nghệ thông tin để đẩy nhanh tốc độ xét nghiệm có trọng tâm, trọng điểm, “trên tinh thần tiết kiệm, hiệu quả nhất, không chạy theo số lượng”, phục vụ công tác truy vết, phát hiện nhanh ca nhiễm.

“Tuyệt đối không để tình trạng lấy mẫu nhiều nhưng không xét nghiệm kịp do công suất xét nghiệm không đáp ứng được hoặc không có đủ thông tin. Kết quả xét nghiệm phải đầy đủ thông tin, bao gồm cả nồng độ virus, để phục vụ công tác truy vết”, Phó Thủ tướng yêu cầu.

Bên cạnh đó, đối với người dân có nhu cầu đi lại, Thành phố phải có phương án thông báo kết quả xét nghiệm cho người dân.

Lãnh đạo TP Hồ Chí Minh cho biết những ngày qua do có nhiều đơn vị tham gia xét nghiệm nên việc kết nối dữ liệu chưa được nhuần nhuyễn, nhưng tình trạng này đã được khắc phục.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết, TP Hồ Chí Minh đã thành lập Trung tâm Điều hành xét nghiệm do một Phó Chủ tịch UBND Thành phố phụ trách nhằm phân bổ lực lượng linh hoạt, giúp các đơn vị thực hiện xét nghiệm nhanh nhất và đúng thời gian. 

Những người đã được xét nghiệm sẽ được cấp chứng nhận dưới dạng mã QR để ra, vào những nơi, địa điểm yêu cầu phải có kết quả xét nghiệm âm tính. Tuy nhiên,  dù có kết quả xét nghiệm âm tính nhưng không có nghĩa là tuyệt đối an toàn, mọi người dân phải tiếp tục thực hiện nghiêm các biện pháp 5K.

Hoàn thiện hướng dẫn các biện pháp kiểm soát liên quan đến hoạt động đi, lại

Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu Bộ Y tế, các địa phương phải kiểm soát người ra, vào vùng dịch. Thủ tướng Chính phủ đã nhiều lần quán triệt Bộ Y tế phải cập nhật, công bố trên trang thông tin điện tử của Bộ danh sách các quận, huyện, tỉnh, thành phố là vùng dịch.

Hiện nay, TPHCM đang nỗ lực kiểm soát tình hình dịch bệnh. Cùng với việc tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 10/CT-UBND, TPHCM phải khẩn trương thống nhất với Bộ Y tế, các địa phương lân cận để có hướng dẫn kiểm soát chặt chẽ người ra, vào TPHCM, bảo đảm lưu thông hàng hoá không bị ách tắc. Những người thật cần thiết đến TPHCM phải thực hiện xét nghiệm.

Bộ Y tế đã có Công điện số 973/CĐ-BYT ngày 30/6/2021 về việc tăng cường phòng, chống lây nhiễm SARS-CoV-2 cho người điều khiển, người đi trên phương tiện vận tải hàng hóa, hành khách liên tỉnh trong đó có nội dung hướng dẫn lái xe phải có kết quả xét nghiệm âm tính đối với virus SARS-CoV-2. Trước đề nghị của TP Hồ Chí Minh về việc bổ sung, làm rõ thời gian có giá trị đối với kết quả xét nghiệm, Bộ Y tế cam kết, trong ngày 5/7 sẽ có hướng dẫn cụ thể.

TPHCM, Bộ Y tế, các bộ, ngành, địa phương khẩn trương thống nhất, sớm hoàn thành hướng dẫn về các biện pháp kiểm soát liên quan đến hoạt động đi, lại, có thời gian thông báo ít nhất trước 24 tiếng đồng hồ cho người dân.

Phó Thủ tướng cũng lưu ý về thực hiện hướng dẫn người dân khi đi lại phải có kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2. Còn nhiều phản ánh ở một số địa phương, nhất là TP Hồ Chí Minh, cho thấy việc tổ chức xét nghiệm còn chưa thuận lợi, cần chấn chỉnh tình trạng này.

Bộ TT&TT cùng với Bộ Y tế khẩn trương hướng dẫn cụ thể việc tích hợp kết quả xét nghiệm, tiêm vaccine của người dân vào mã QR cá nhân, tạo thuận lợi cho các điểm kiểm soát người ra, vào vùng dịch.

Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn cho rằng nếu thực hiện đúng những chỉ đạo về tích hợp khai báo y tế, kết quả xét nghiệm, tiêm vaccine vào trong một mã QR cho người dân thì từ kinh nghiệm của hàng không, một số tuyến vận tải đường bộ sẽ không xảy ra ách tắc. Ngược lại, nếu chúng ta không chuẩn bị kỹ thì sẽ gây ách tắc rất lớn.

Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng khẳng định về mặt công nghệ, tất cả người dân đều đã được cấp mã QR qua các ứng dụng như khai báo y tế hay Bluezone, NCOVI. Người dân chỉ cần quét điện thoại chứa mã QR khi đi qua các điểm kiểm soát.

Trong vòng 24 giờ tới, Bộ TT&TT cùng với Bộ Y tế khẩn trương tích hợp kết quả xét nghiệm, tiêm vaccine vào mã QR cá nhân. Bộ TT&TT cũng đề nghị tất cả những người có nhu cầu ra, vào TPHCM bắt buộc khai báo y tế, thực hiện xét nghiệm đầy đủ. Đối với công nhân ngoại tỉnh làm việc tại TP Hồ Chí Minh, Thành phố sẽ có thoả thuận cụ thể với các tỉnh lân cận.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần