Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Những nhà đầu tư bất động sản… ngược dòng

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Chịu áp lực không nhỏ từ sự suy thoái của thị trường song một số dự án bất động sản quy mô lớn vẫn được triển khai thực hiện theo đúng tiến độ, cho thấy tiềm năng tài chính cũng như thái độ nghiêm túc của nhà đầu tư.

Cuối tuần qua, Công ty TNHH Gamuda Land Việt Nam đã có thông báo về tình hình triển khai dự án, trong đó nhấn mạnh đến một nội dung quan trọng là “công tác triển khai xây dựng dự án Gamuda City tại quận Hoàng Mai, Hà Nội đang được tiến hành theo đúng tiến độ”.

Công ty này cũng cho hay, dự án khu đô thị Gamuda Gardens - một dự án thành phần quan trọng của Gamuda City - cũng đã được UBND thành phố Hà Nội cấp giấy chứng nhận đầu tư. Cùng với Gamuda Lakes, Gamuda Gardens là hai dự án đô thị quan trọng nhất của Gamuda City, bên cạnh hai dự án trung tâm thương mại là Gamuda Central và Gamuda Plaza.

Ông Cheong Ho Kuan, Tổng giám đốc Gamuda Land Việt Nam cho biết đến cuối năm 2011, Gamuda Gardens sẽ chính thức khai trương và chương trình mở bán bất động sản của Gamuda City sẽ bắt đầu giao dịch duy nhất tại sàn bất động sản Gamuda Land Việt Nam.

Tại đây, chủ đầu tư sẽ xây dựng hơn 2.000 đơn vị nhà ở, bao gồm biệt thự đơn lập, biệt thự song lập, nhà liền kề, và căn hộ chung cư. Hiện tại, phòng trưng bày Gamuda City đã được xây dựng hoàn thiện trong khuôn viên dự án Gamuda City để chuẩn bị đón khách tham quan dự án.

Khi Hà Nội cấp phép dự án này vào năm 2008, không ít dị nghị rằng phải chăng Gamuda đã được ưu đãi quá mức khi được giao một dự án lớn ở một vị trí tốt như vậy?

Ít người hiểu rằng điểm khác biệt của nhà đầu tư này là thay vì triển khai nhanh chóng và bán hàng để sớm thu hồi vốn, họ lặng lẽ hoàn thiện hạ tầng và triển khai xây dựng các dự án khác nhằm cải thiện môi trường khu vực. Tiêu biểu nhất trong số này là dự án nhà máy xử lý nước thải Yên Sở, thực hiện theo hình thức xây dựng - chuyển giao, và được xem như là một trong những điều kiện ban đầu để Gamuda City được cấp phép.

Cho đến nay, Gamuda đã và đang đầu tư gần 400 triệu USD vào dự án có công suất tới 200.000 m3/ngày này để làm sạch các hồ hiện tại. Nhà máy này hiện đã hoàn thành được 95% và dự kiến sẽ chính thức đưa vào hoạt động vào đầu năm 2012.

Hàng chục triệu USD khác cũng đã được nhà đầu tư bỏ ra để hoàn thiện hạ tầng dự án, điều mà trong con mắt của các nhà đầu tư nội địa, điều đó có thể là… “dở hơi”. Với bấy nhiêu vốn liếng dưới dạng tiền mặt, các nhà đầu tư nội địa sẵn sàng làm những dự án khác sinh lợi nhanh hơn nhiều.

Ở phía Bắc, cũng được tính vào hàng “đại dự án”, dự án khu đô thị Tây Hồ Tây không được thuận lợi lắm trong việc triển khai mà nguyên nhân chính là vấn đề giải phóng mặt bằng. So với Gamuda City, dự án này ở vào vị thế đẹp hơn và có lẽ vì thế mà việc giải phóng mặt bằng cũng “khoai” hơn, nhất là trong bối cảnh các dự án khác xung quanh đã đạt được nhiều thành công quan trọng trên phương diện kinh doanh.

Thông tin mới nhất cho đến nay là nhà đầu tư này đã tiến hành trả tiền bồi thường đợt 9 cho 67 hộ dân tại xã Cổ Nhuế (huyện Từ Liêm) có đất thu hồi trong phạm vi dự án. 6 năm sau ngày nhận giấy phép, và sau 9 lần chi trả, chủ đầu tư mới hoàn tất hỗ trợ, bồi thường cho 989 hộ với tổng kinh phí là 1.167 tỷ đồng. Tuy nhiên, tổng diện tích đã bồi thường mới chỉ là 84,4 ha, đạt 72% diện tích giai đoạn 1 của dự án. 

Bỏ ra bấy nhiêu thời gian và chi phí tới bấy nhiêu tiền, nhưng cho đến nay, chủ đầu tư vẫn chưa thể xác định cụ thể thời điểm khởi công dự án mà chỉ cam kết chung chung là “sẽ tiếp tục phối hợp với các bên liên quan thúc đẩy tiến độ giải phóng mặt bằng nhằm khởi công dự án trong thời gian sớm nhất có thể”.

Câu chuyện của dự án Tây Hồ Tây có thể coi là ví dụ điển hình cho việc kéo dài tiến độ, một điều mà các nhà đầu tư trong nước thường rất “ớn”. Tuy nhiên, điều đó cũng cho thấy tiềm năng thực sự và cái nhìn dài hạn của chủ đầu tư; họ sẵn sàng chi tiền chi dù chưa nhìn thấy khả năng thu hồi vốn chắc chắn từ việc bán hàng.

Điều này, về căn bản, khác với nhiều nhà đầu tư trong nước. Các dự án trong nước sau khi được cấp phép sẽ phải nhanh chóng triển khai với mục tiêu nhanh chóng đưa “hàng” ra thị trường, nhằm quay vòng nhanh dòng vốn ít ỏi của mình. Sự “liêu xiêu” của nhiều chủ đầu tư trong giai đoạn trầm lắng của thị trường hiện nay là minh chứng rõ nhất cho điều này.

Theo các chuyên gia về bất động sản, đây chính là giai đoạn thử thách đối với các nhà đầu tư. Bán hàng khó là chuyện bình thường, nhưng bán khó mà vẫn có vốn để triển khai dự án đúng tiến độ thì quả là “xứng danh anh hùng”.

Trong bối cảnh đó, trường hợp của Vingroup (tên mới của hai doanh nghiệp Vinpearl và Vincom sau khi sáp nhập) có thể coi là một ngoại lệ. Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Sài Đồng, đơn vị thành viên của Vingroup mới đây đã tiến hành bàn giao 50 biệt thự đầu tiên trong dự án khu đô thị sinh thái Vincom Village.

Sự kiện này được ví von như là một vệt sáng trong bức tranh màu xám của thị trường. Nó cũng cho thấy những cam kết của Vingroup về tiến độ xây dựng đã được đảm bảo.

Hiện tại, toàn bộ các hạng mục của dự án được triển khai đồng bộ bởi hơn 20.000 công nhân của các nhà thầu đang ngày đêm làm việc trên công trường. Bên cạnh đó, hàng trăm cán bộ và chuyên gia kỹ thuật cũng thường xuyên túc trực và có mặt để kiểm tra giám sát tiến độ và chất lượng thi công.

Hồi đầu năm nay, khi công bố dự án này, một lãnh đạo Vingroup đã nói rằng để đẩy nhanh tiến độ dự án, nhà đầu tư có thể dùng tới 10 nhà thầu chỉ để hoàn tất 1 km đường.

Tình huống đó có lẽ đã không xảy ra, nhưng với tiến độ thi công như hiện nay, dự kiến đầu năm 2012 sẽ có 300 gia đình chính thức trở thành những cư dân đầu tiên của khu đô thị Vincom Village, cho thấy câu chuyện tiến độ đã được chủ đầu tư đặc biệt chú trọng.

Những câu chuyện này rất đáng để các lãnh đạo của Hà Nội xem xét trong quá trình cấp phép các dự án sau này. Tiềm năng của nhà đầu tư phải được xem là yếu tố quan trọng nhất trong việc tiến hành phê duyệt dự án, thay vì cảnh “trăm hoa đua nở” như lâu nay.

Hàng trăm dự án khu đô thị lớn nhỏ các loại đã được phê duyệt trong vòng vài năm qua, nhưng cho đến nay, phần lớn đều triển khai nhỏ giọt. Mục tiêu cao nhất của quản lý nhà nước trong vấn đề phát triển đô thị chính là phân bổ hợp lý tài nguyên đất đai cho các nhà đầu tư thực sự có khả năng, để từ đó thúc đẩy hạ tầng đô thị phát triển, cung cấp được nhiều hàng hóa cho thị trường.

Hơn bao giờ hết, việc lựa chọn nhà đầu tư đang trở nên đặc biệt quan trọng, nhất là trong bối cảnh thị trường trầm lắng hiện nay.