Những nhận biết sai lầm về rau sạch

Chia sẻ Zalo

Theo ông Trần Trung Chính - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần phát triển chuỗi liên kết thực phẩm sạch Việt Nam (MR Sạch), những loại rau bị sâu ăn hại khiến lá bị xấu, cằn cỗi... chưa thể gọi là rau sạch.

Bởi, rau sạch phải đảm bảo các yếu tố như nguồn nước sạch, đất sạch, giống sạch (không bị đột biến gen, hóa chất...), thuốc bảo vệ thực vật cũng phải sạch.

Lâu nay, vấn đề rau sạch vẫn luôn là mối quan tâm của hầu hết các gia đình. Tuy nhiên, để phân biệt được loại rau nào sạch, rau nào bẩn đang là một bài toán khó đối với người tiêu dùng.

Bằng chứng, một khảo sát từ Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (IPSARD) công bố năm 2015 đã cho thấy, tại Hà Nội, 73% người bán rau không phân biệt được rau bẩn và rau an toàn. Tỷ lệ tương tự với người mua là 95%.
Những loại rau bị sâu ăn hại lá khiến sản phẩm bị xấu, cằn cỗi... không phải là rau sạch, mà do nguồn đất bị ô nhiễm.
Những loại rau bị sâu ăn hại lá khiến sản phẩm bị xấu, cằn cỗi... không phải là rau sạch, mà do nguồn đất bị ô nhiễm.
 Để khắc phục được tình trạng trên, nhiều gia đình đành đặt niềm tin vào những loại rau với thương hiệu 'hàng quê', mà không ít người bán hàng đang chào bán tại những chợ cóc, chợ tạm ở Hà Nội. Theo giới thiệu, những loại rau xanh này hoàn toàn yên tâm là sạch, không phun thuốc vì nó cằn cỗi, lá bị sâu ăn, thậm chí sâu vẫn còn 'ẩn núp' trên một hai cành rau…
Tuy nhiên, trao đổi với PV về vấn đề này, ông Trần Trung Chính - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần phát triển chuỗi liên kết thực phẩm sạch Việt Nam (MR Sạch) cho biết, những loại rau xanh bị sâu ăn lá hoặc sâu vẫn còn tồn tại trên 1, 2 ngọn rau… chưa thể gọi là rau sạch. Bởi, rau sạch phải đảm bảo các yếu tố như nguồn nước sạch, đất sạch, giống sạch (không bị đột biến gen, hóa chất...), thuốc bảo vệ thực vật cũng phải sạch. Đây là những ý tố mà các hộ trồng rau nhỏ lẻ chưa thực sự quan tâm.

Theo đó, hiện nay, do thói quen sử dụng thuốc bảo vệ thực vật mà các nhà vườn chỉ sử dụng một số thuốc bảo vệ thực vật quen thuộc, tràn lan trên thị trường mà chưa tìm hiểu kỹ về xuất xứ nguồn gốc nhà sản xuất. Bên cạnh đó, nhiều hộ trồng rau cũng chưa tuân thủ thời gian cách ly an toàn cho rau trước khi thu hoạch không được thực hiện (7 - 10 ngày).

Đặc biệt, khi sử dụng không đúng cách hoặc quá nhiều các loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật khiến cho cây trồng không hấp thụ hết gây nên tình trạng tồn dư phân bón, thuốc bảo vệ thực vật trong đất, từ đó tích luỹ vào cây trồng, có thể khiến người ăn ngộ độc. Thậm chí, về lâu dài, khi ăn những loại rau bị nhiễm khuẩn này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người.

Để giải quyết vấn đề này, lãnh đạo MR Sạch cho biết, để đảm bảo an toàn phải làm sạch và cải tạo lại đất với thời gian từ 6 tháng - 3 năm (tùy từng khu đất trồng), trước khi trồng rau.

Đưa ra lời khuyên an toàn cho người tiêu dùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần phát triển chuỗi liên kết thực phẩm sạch Việt Nam cho rằng, các gia đình nên mua rau an toàn tại những cửa hàng uy tín, có thương hiệu và dám chịu cam kết về chất lượng sản phẩm.

Cách nhận biết rau an toàn

Chia sẻ về cách nhận biết rau an toàn và rau không an toàn, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần phát triển chuỗi liên kết thực phẩm sạch Việt Nam cho biết, rau an toàn thường có màu nhạt hơn, còn rau không an toàn thường mỡ màng. Đặc biệt, khi chế biến vị của rau an toàn thường đậm hơn rau không an toàn. Rau không an toàn ăn sẽ mềm hơn nhưng vị rất nhạt.

Ngoài ra, khi luộc rau an toàn nước sẽ rất trong, không có váng. Còn rau không an toàn nước luộc bị đục và có một lớp váng nổi lên trên mặt nước.

Về chế độ bảo quản: Thông thường, thời hạn bảo quản trong tủ lạnh của rau an toàn sẽ dài hơn so với rau không an toàn. Theo đó, chỉ trong khoảng 2 ngày là rau không an toàn sẽ bị dập, úng, thối, hỏng. Còn đối với rau an toàn thì thời gian bảo quản sẽ được lâu hơn trong khoảng 4 - 5 ngày.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần