Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Những nội dung chính của Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10/2018

Nam Thành
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, thận trọng; kiểm soát chặt chẽ các hoạt động buôn bán, vận chuyển lợn; đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị để sớm triển khai các dự án trọng điểm; bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội Tết Nguyên đán năm 2019... là những nội dung quan trọng tại Nghị quyết 140/NQ-CP phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10/2018.

Thủ tướng phát biểu mở đầu phiên họp Chính phủ tháng 10/2018. Ảnh: VGP/Quang Hiếu
Để hoàn thành kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) năm 2018 với kết quả cao nhất và chuẩn bị triển khai kế hoạch phát triển KT-XH năm 2019, Chính phủ yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương đề cao trách nhiệm trước Nhân dân, trách nhiệm của người đứng đầu, tiếp tục phát huy những ưu điểm, kết quả đã đạt được, tập trung khắc phục những tồn tại, hạn chế, khẩn trương giải quyết những vấn đề mà Quốc hội, đồng bào, cử tri cả nước quan tâm liên quan đến ngành, lĩnh vực phụ trách; thường xuyên đôn đốc, kiểm tra việc thi hành công vụ của công chức, viên chức thuộc bộ, cơ quan, đơn vị mình, tạo chuyển động tích cực trong toàn hệ thống; đồng thời nỗ lực, sáng tạo trong điều hành, quyết tâm hoàn thành tốt các nhiệm vụ đã đề ra trong 2 tháng còn lại của năm 2018.
Tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, thận trọng
Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các bộ, ngành, địa phương theo dõi sát diễn biến thị trường tiền tệ, tài chính, giá cả hàng hóa trên thế giới và trong nước, phối hợp chặt chẽ trong điều hành các chính sách tiền tệ, tín dụng, tài khóa, thương mại và đầu tư, bảo đảm giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, thận trọng, duy trì thanh khoản ở mức hợp lý, kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào lĩnh vực bất động sản, chứng khoán; chủ động điều hành thanh khoản, lãi suất, tỷ giá phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô và tình hình thị trường trong và ngoài nước, ứng phó kịp thời với những tác động bất lợi của thị trường tài chính thế giới và cuộc chiến tranh thương mại Hoa Kỳ - Trung Quốc.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan khẩn trương xây dựng dự thảo Nghị quyết về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2019, trình Chính phủ tại phiên họp thường kỳ tháng 11/2018. Nghiên cứu, phân tích, dự báo tình hình thế giới và trong nước, xây dựng kịch bản tăng trưởng kinh tế năm 2019 và đề ra giải pháp, đối sách phù hợp ngay từ đầu năm.
Tổng kết đánh giá kết quả thực hiện Chiến lược tổng thể phát triển khu vực dịch vụ của Việt Nam đến năm 2020; xây dựng Chiến lược tổng thể phát triển khu vực dịch vụ của Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, bảo đảm thống nhất, đồng bộ với Kế hoạch cơ cấu lại các ngành dịch vụ theo các Nghị quyết của Trung ương và Quốc hội về tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế; đồng thời nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách liên quan để xóa bỏ rào cản, thúc đẩy phát triển các ngành dịch vụ.
Các bộ, cơ quan, địa phương phải coi việc tháo gỡ bất cập, vướng mắc về thể chế, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh là nhiệm vụ trọng tâm xuyên suốt và nỗ lực, sáng tạo hơn nữa trong triển khai thực hiện. Tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công; sớm hoàn thành, đưa vào hoạt động, nhất là các dự án trọng điểm, dự án quan trọng, các dự án thuộc chương trình mục tiêu quốc gia.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính rà soát, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tăng cường thanh tra, kiểm tra các dự án chậm tiến độ giải ngân, nghiêm khắc kiểm điểm trách nhiệm của tổ chức, cá nhân liên quan gây chậm trễ trong việc thực hiện kế hoạch đầu tư công, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Bộ Tài chính tăng cường kỷ luật tài chính - ngân sách, kiểm soát chặt chẽ thu, chi ngân sách nhà nước, nợ công, tài sản công; có giải pháp phù hợp và kịp thời để phát triển hiệu quả, bền vững thị trường chứng khoán. Phối hợp chặt chẽ với lực lượng chức năng của các bộ, cơ quan và địa phương liên quan tăng cường kiểm tra, kiểm soát phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, nhất là dịp cuối năm và Tết Nguyên đán 2019.
Kiểm soát chặt chẽ các hoạt động buôn bán, vận chuyển lợn
Nghị quyết nêu rõ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan tổ chức thực hiện các biện pháp kiểm soát chặt chẽ các hoạt động buôn bán, vận chuyển lợn, các sản phẩm thịt lợn nhập khẩu, nhất là tại các cửa khẩu, đường mòn, lối mở khu vực biên giới, không để lợn và sản phẩm thịt lợn từ các nước đang có dịch bệnh tả lợn châu Phi xâm nhập vào Việt Nam.
Tập trung rà soát, có giải pháp thúc đẩy xuất khẩu, nâng cao giá trị các mặt hàng nông sản còn dư địa. Chỉ đạo các địa phương ven biển triển khai các giải pháp đồng bộ, quyết liệt về phòng, chống, ngăn chặn triệt để việc khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo, không quản lý.
Theo dõi diễn biến thời tiết, cảnh báo kịp thời, chủ động phương án phòng, chống thiên tai, đặc biệt là phòng, chống rét đậm, rét hại cho người và vật nuôi ở khu vực các tỉnh miền núi phía Bắc; tình trạng khô hạn ở khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên và đề xuất việc chuẩn bị tổ chức Hội nghị triển khai công tác phòng, chống khô hạn đối với khu vực này.
Bộ Công Thương rà soát, tháo gỡ khó khăn đối với các dự án sản xuất hàng xuất khẩu. Xây dựng kế hoạch bảo đảm nguồn cung cấp hàng hóa, bình ổn giá cả, không để xảy ra tình trạng khan hiếm hàng hóa, gây sốt giá dịp Tết Nguyên đán 2019. Phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phổ biến, hướng dẫn doanh nghiệp và người dân nhận diện cơ hội và thách thức của Hiệp định CPTPP và các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã và sẽ chuẩn bị ký kết tham gia.
Bộ Xây dựng phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành và UBND các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương tập trung nâng cao chất lượng công tác quản lý nhà nước về phát triển đô thị; tập trung nghiên cứu, đề xuất các mô hình mới về phát triển đô thị; chấn chỉnh kịp thời các vi phạm pháp luật trong hoạt động xây dựng, đầu tư phát triển đô thị; tăng cường đôn đốc các địa phương thực hiện nghiêm Chỉ thị số 29/CT-TTg ngày 09/10/2018 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước đối với công tác quản lý, vận hành, sử dụng nhà chung cư.
Trực tiếp thanh tra một số vụ việc vi phạm nghiêm trọng, điển hình và báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Theo dõi chặt chẽ diễn biến thị trường bất động sản, tiếp tục đề xuất các giải pháp kiểm soát và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển lành mạnh. 
Đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị để sớm triển khai các dự án trọng điểm
Bộ Giao thông vận tải rà soát, điều chỉnh quy hoạch đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông; đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị để sớm triển khai các dự án trọng điểm như: Dự án Cảng Hàng không quốc tế Long Thành, mở rộng Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam. Đôn đốc, kiểm tra, bảo đảm chất lượng và đẩy nhanh tiến độ thi công, hoàn thành các công trình đang thực hiện theo đúng kế hoạch. Phối hợp với lực lượng chức năng của Bộ Công an và các địa phương tăng cường điều tiết, tổ chức quản lý chặt chẽ hoạt động vận tải, phục vụ nhu cầu đi lại của người dân dịp Tết Nguyên đán 2019. Rà soát, có phương án xử lý dứt điểm các điểm đen tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông.
Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo làm tốt công tác dự báo khí tượng, thủy văn, phòng chống thiên tai. Phối hợp với các Bộ, ngành liên quan thực hiện nghiêm Chỉ thị số 27/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác quản lý đối với hoạt động nhập khẩu và sử dụng phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất; trong đó tập trung làm rõ nhu cầu nhập khẩu phế liệu về Việt Nam làm nguyên liệu phục vụ cho các hoạt động sản xuất; khẩn trương báo cáo Thủ tướng Danh mục phế liệu được phép nhập khẩu; chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu, đề xuất phương án giải quyết, xử lý các lô hàng phế liệu tồn đọng tại các cảng biển theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường và hải quan.
Bên cạnh đó, chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư thống nhất cơ chế, nguồn vốn thực hiện Chương trình mục tiêu xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng thuộc đối tượng công ích giai đoạn 2016 - 2020, trong đó chú trọng xử lý ô nhiễm môi trường do tồn lưu thuốc bảo vệ thực vật. Phối hợp với Ủy ban quốc gia về Chính phủ điện tử, Văn phòng Chính phủ xây dựng cơ sở dữ liệu thông tin địa lý, đất đai, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Xử lý nghiêm các doanh nghiệp vi phạm pháp luật xuất khẩu lao động
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tiếp tục thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, tạo việc làm, giảm nghèo, nhất là đối với đồng bào vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số. Tiếp tục phối hợp huy động các nguồn lực xã hội để hỗ trợ, giúp đỡ người nghèo. Phối hợp với các địa phương tập trung giải quyết các hồ sơ người có công còn tồn đọng. Phối hợp với Bộ Tài chính rà soát, đánh giá tác động của các chính sách ưu đãi đối với người có công, người cao tuổi, đề xuất giải pháp bảo đảm công bằng, tạo đồng thuận xã hội. Xử lý nghiêm các doanh nghiệp vi phạm pháp luật trong hoạt động xuất khẩu lao động.
Chính phủ đồng ý áp dụng mức lương cơ sở quy định tại Nghị định số 72/2018/NĐ-CP trong giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh. Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định thời điểm áp dụng cụ thể trong năm 2018.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chỉ đạo rà soát, khắc phục những hạn chế, bất cập của ngành du lịch để có giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả năng lực cạnh tranh. Tăng cường quản lý và kiểm soát chất lượng kinh doanh dịch vụ du lịch và phương tiện phục vụ khách du lịch.
Bộ Y tế tích cực thực hiện Chương trình hành động của Chính phủ triển khai Nghị quyết Trung ương về y tế và dân số. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong thanh toán bảo hiểm y tế và trong công tác quản lý khám chữa bệnh. Chủ động phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát đảm bảo an toàn thực phẩm, xử lý nghiêm và công khai các vi phạm về an toàn thực phẩm.
Khắc phục triệt để những hạn chế, bất cập trong thi THPT quốc gia
Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ động trao đổi, mở rộng đối thoại, nâng cao chất lượng chuyên môn của đội ngũ cán bộ xây dựng chính sách, tạo đồng thuận của xã hội trong thực hiện đổi mới toàn diện giáo dục.
Về kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia năm 2019, Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo, tổ chức kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia năm 2019 theo thẩm quyền trên cơ sở tiếp tục phát huy những mặt tích cực, đồng thời khắc phục triệt để những hạn chế, bất cập trong những kỳ thi trước đây, nhất là công tác ra đề thi, coi thi, phương pháp chấm thi, bảo đảm chính xác, trung thực, khách quan.
Về việc triển khai chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức thực hiện chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới theo lộ trình quy định tại Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội; chuẩn bị đầy đủ các điều kiện cần thiết để thực hiện. Giao Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, thay mặt Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội.
Bộ Khoa học và Công nghệ đẩy mạnh thực hiện và khai thác hiệu quả Đề án hệ tri thức Việt số hóa và hệ thống cơ sở dữ liệu khoa học công nghệ quốc gia. Tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, nhất là công nghệ nền tảng đáp ứng yêu cầu của Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Kịp thời hỗ trợ, công nhận các sáng kiến, sáng chế của người dân, doanh nghiệp để phát huy năng lực đổi mới, sáng tạo của toàn xã hội. Thực hiện tốt việc bảo hộ sở hữu trí tuệ.
Bộ Tư pháp tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật; phối hợp với các cơ quan báo chí dành thời lượng phù hợp cho công tác này. Theo dõi, đôn đốc, hướng dẫn việc xử lý văn bản trái pháp luật, tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ việc kiểm điểm trách nhiệm của cá nhân, đơn vị ban hành văn bản quy phạm pháp luật trái pháp luật.
Bộ Nội vụ và các bộ, ngành, địa phương tích cực triển khai Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết của Trung ương về đổi mới, sắp xếp tổ chức, bộ máy, tinh giản biên chế, xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp; nâng cao hiệu quả đơn vị sự nghiệp công lập; chính sách tiền lương.
Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về kiểm tra công vụ tiếp tục đôn đốc, kiểm tra hoạt động thi hành công vụ, nhất là nạn tham nhũng vặt, hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập, báo cáo công khai tại phiên họp Chính phủ thường kỳ.
Bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội Tết Nguyên đán năm 2019
Chính phủ yêu cầu Bộ Công an chỉ đạo lực lượng tăng cường công tác nắm tình hình, kịp thời xử lý có hiệu quả các tình huống phức tạp nổi lên về an ninh, trật tự. Tập trung đấu tranh ngăn chặn âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động. Chủ động mở cao điểm tấn công trấn áp tội phạm, truy nã tội phạm, bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội Tết Nguyên đán năm 2019; trong đó tập trung vào các loại tội phạm cướp giật, trộm cắp, đánh bạc, hoạt động “tín dụng đen”, đòi nợ thuê, ma túy, buôn lậu, hàng giả, hàng cấm, vi phạm quy định về an toàn thực phẩm, mua bán, tàng trữ pháo...
Các Bộ: Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương, Giao thông vận tải, Thông tin và Truyền thông khẩn trương phối hợp với Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp bàn giao hồ sơ quản lý các tập đoàn, tổng công ty nhà nước theo đúng thời hạn quy định tại Nghị định số 131/2018/NĐ-CP. Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và các bộ, cơ quan quản lý nhà nước xây dựng cơ chế phối hợp trong việc thực hiện nhiệm vụ bảo đảm quốc phòng an ninh, phòng chống khủng bố, an toàn hàng không, an toàn hàng hải, phòng chống tham nhũng, phòng chống buôn lậu gian lận thương mại… theo chức năng, nhiệm vụ được phân công.
Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng kế hoạch nghiên cứu cơ chế, chính sách thúc đẩy lĩnh vực bưu chính phát triển làm nền tảng cho thương mại điện tử. Phối hợp với các nước hình thành trung tâm An toàn an ninh mạng khu vực ASEAN; xây dựng Đề án chuyển đổi số quốc gia; xây dựng chính sách ưu tiên phát triển mạng xã hội trong nước; thúc đẩy phát triển hệ sinh thái số Việt Nam. Chỉ đạo các cơ quan báo chí tiếp tục đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền về tình hình KT-XH của đất nước, đề cao giá trị đạo đức, lối sống tốt đẹp, kịp thời cung cấp thông tin chính thống để tạo đồng thuận xã hội và thực hiện, thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra.
Yêu cầu người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm Quy định số 08-QĐ/TW của Trung ương về trách nhiệm nêu gương đối với người đứng đầu các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị và kỷ luật, kỷ cương hành chính. Các thành viên Chính phủ thực hiện nghiêm túc việc trả lời chất vấn của Đại biểu Quốc hội; khẩn trương xây dựng kế hoạch triển khai việc thực hiện các cam kết trước Quốc hội và cử tri cả nước tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV.