Theo một điều tra mới đây của Viện Khoa học xã hội Việt Nam, tỷ lệ sống chung với bố mẹ vợ đang tăng lên ở nhóm tuổi trẻ, hiện có trên 11% các cặp vợ chồng ăn ở cùng nhà vợ sau khi kết hôn. Có thể vợ là con một, nhà vợ đơn chiếc, có thể do điều kiện cần tiết kiệm chi phí, thuận tiện đi làm… Đặc biệt, rất nhiều người có hoàn cảnh gia đình khá giả nhưng vẫn… ở rể. Họ không ngại mang tiếng như cánh đàn ông ở những thế hệ trước vì bản thân họ tự nguyện và độc lập về kinh tế, có vị thế trong xã hội và gia đình.
Trường hợp của Hiếu là một ví dụ. Vợ của Hiếu là con gái duy nhất của gia đình. Ngay từ buổi đầu yêu nhau, cô đã khéo léo cho Hiếu biết trước yêu cầu của gia đình là "bắt rể". Trước khi cưới, Hiếu cũng đắn đo, cuối cùng, vì thương và thông cảm cho vợ, nên anh đã đồng ý ở rể. "Bố mẹ tôi lúc đầu cũng không thoải mái lắm vì gia đình kinh tế khá giả. Bố mẹ vợ phải qua nói chuyện nhiều lần, ông bà mới đồng ý. Và đến bây giờ, sau những năm chung sống, tôi thấy cuộc sống với gia đình vợ thật dễ chịu, bản thân bố mẹ đẻ cũng lấy đó làm mừng. Chuyện ra ở riêng hay quay về nhà với bố mẹ chồng tự nhiên không còn cần thiết" - anh Hiếu trải lòng.
Ảnh minh họa
Trường hợp của Phương cũng vậy. Sau đám cưới, anh dọn hòm xiểng sang nhà bố mẹ vợ. Đến nay đã gần bốn năm, hầu như không còn ai trêu chọc hay hỏi han anh về chuyện ở rể, vì lúc nào thấy anh cũng rạng ngời hạnh phúc. Vợ anh chỉ có một em gái đã lấy chồng xa. Bây giờ bố mẹ vợ đối xử với anh như con trai cưng. Anh cũng yêu thương bố mẹ vợ như bố mẹ đẻ.
Theo nhiều nhà tâm lý, tuy số người tự nguyện chưa hẳn nhiều, nhưng nếu được tuyên truyền, cổ vũ, thì thời gian tới, số đàn ông ở rể sẽ nâng lên. Và, điều này cũng đồng nghĩa với việc các gia đình đỡ "khát" con trai vì thay vào đó đã có con rể hiếu thảo và cũng đồng nghĩa với việc "cán cân" mất cân bằng giới tính khi sinh đỡ lệch hơn.
Vượt qua mâu thuẫn
Mặc dù các quan niệm mới đã hình thành, nhưng ở rể hay làm dâu cũng đều giống nhau ở việc phải học cách sống chung. Hạnh phúc hay khổ sở phụ thuộc nhiều vào việc người trong cuộc ứng xử thế nào, có làm chủ được bản thân hay không. Nhiều người thường không thoải mái trong buổi đầu sống cùng gia đình vợ. Họ cũng lúng túng, lo lắng và cảm thấy áp lực như cô dâu mới cưới về nhà chồng. Nhiều người nói: Dù rất hợp gu với bố vợ và ông bà khá tâm lý, họ vẫn chưa thể xem bố mẹ vợ như bố mẹ đẻ được như cách vợ họ thân thiết với bố mẹ chồng. Trong cách cư xử thường ngày, họ khá giữ kẽ và cảm giác bố mẹ vợ cũng như thế, cho nên xung đột thường không xảy ra.
Thực tế cho thấy, phần lớn các trường hợp ở rể không được cơm lành canh ngọt đều không phải vì tính nết không hợp, mà do tư tưởng kỳ thị đối với việc này. Nhiều khi lại xuất phát từ chính con rể, anh ta nghĩ hơi nhiều đến sĩ diện mà ít quan tâm đến cảm xúc của những người xung quanh. Để giúp chồng hòa nhập với cuộc sống ở rể, vai trò của người vợ rất quan trọng. Sự cảm kích vì chồng đã "hy sinh" nên được duy trì suốt những năm chung sống để tăng sự tôn trọng lẫn nhau. Và nếu người con rể hiếu nghĩa với bố mẹ vợ, sống có trách nhiệm với gia đình, người vợ khéo léo, không "ỷ thế" nhà mình khiến chồng chạm tự ái... thì việc ở rể sẽ rất thuận lợi.