Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Những quy định mới sẽ có hiệu lực từ tháng 4/2021

Trương Huyền
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Áp dụng mẫu thẻ bảo hiểm y tế mới, thêm loại phí hải quan, điều kiện miễn thuế với nhập khẩu linh kiện... là những quy định mới, sẽ có hiệu lực từ tháng 4/2021.

 Những quy định mới sẽ có hiệu lực từ tháng 4/2021
Kiểm tra hoạt động dịch vụ kế toán theo quy định mới
Từ 1/4/2021 việc kiểm tra hoạt động dịch vụ kế toán được thực hiện theo quy định mới tại Thông tư số 09/2021/TT-BTC do Bộ Tài chính mới ban hành.

Thông tư nêu rõ các nội dung kiểm tra hoạt động dịch vụ kế toán. Theo đó, kiểm tra tình hình tuân thủ các quy định của pháp luật về đăng ký, duy trì điều kiện hành nghề và điều kiện kinh doanh dịch vụ kế toán của người hành nghề dịch vụ kế toán và các đơn vị kinh doanh dịch vụ kế toán tại Việt Nam, bao gồm: Việc đăng ký, duy trì điều kiện kinh doanh dịch vụ kế toán và thực hiện nghĩa vụ báo cáo, thông báo của đơn vị kinh doanh dịch vụ kế toán; việc đăng ký, duy trì điều kiện hành nghề dịch vụ kế toán và thực hiện nghĩa vụ báo cáo, thông báo của kế toán viên hành nghề.

Đồng thời kiểm tra tình hình tuân thủ các quy định của chuẩn mực nghề nghiệp, chế độ kế toán và pháp luật kế toán liên quan của đối tượng được kiểm tra khi cung cấp dịch vụ kế toán cho khách hàng. Chuẩn mực nghề nghiệp bao gồm các chuẩn mực kế toán và chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp kế toán, kiểm toán.
Áp dụng mẫu thẻ bảo hiểm y tế mới

Từ ngày 1/4/2021, Quyết định 1666/QĐ-BHXH của Bảo hiểm xã hội Việt Nam chính thức có hiệu lực. Theo đó, áp dụng mẫu thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) mới với nhiều cải tiến so với trước đây:

Kích thước thẻ nhỏ gọn như một chiếc thẻ ATM, chỉ dài 85,6mm và rộng 53,98mm trong khi mẫu thẻ cũ dài đến 98mm và rộng 66mm;

Thẻ sẽ được in plastic thay vì chỉ là một mảnh giấy mỏng manh như thẻ cũ. Do đó, sẽ hạn chế được tình trạng nhàu nát, ẩm mốc, rách hỏng khi gặp nước…

Mã số thẻ sẽ chỉ còn 10 chữ số (chính là mã số bảo hiểm xã hội) thay vì 15 ký tự như trước đây. Mức hưởng của người tham gia BHYT sẽ được thể hiện tại góc bên phải của thẻ, theo các kí tự từ 1 đến 5.

Mặt sau của thẻ có các thông tin về nơi cấp, đổi thẻ; hướng dẫn kiểm tra chi phí khám, chữa bệnh - những thông tin mà mẫu thẻ trước đây không hề có.

Với các thẻ cũ, Quyết định này cũng nhấn mạnh, trong thời gian chờ đổi sang mẫu thẻ mới, nếu vẫn còn thời hạn sử dụng thì tiếp tục được dùng để khám bệnh, chữa bệnh.

Lưu ý: Phôi thẻ BHYT đã in theo mẫu cũ chưa sử dụng hết đến ngày 01/4/2021 vẫn được tiếp tục sử dụng cấp cho các đối tượng tham gia BHYT.
Thêm loại phí hải quan mới

Thông tư 14/2021/TT-BTC đã bổ sung một loại phí hải quan mới là phí cấp, cấp lại sổ tạm quản (sổ ATA) đối với hàng hóa tạm xuất, tái nhập theo Nghị định 64/2020/NĐ-CP.

Mức thu phí hải quan cấp sổ ATA là 1.000.000 đồng/sổ và phí cấp lại sổ ATA là 500.000 đồng/sổ.

Ngoài bổ sung loại phí nêu trên, mức thu các loại phí khác vẫn được giữ nguyên như trước đây, trong đó có: Phí hải quan đối với hàng xuất, nhập khẩu, phương tiện vận tải xuất, nhập cảnh: 200.000 đồng/tờ khai; Lệ phí đối với phương tiện quá cảnh đường bộ (ô tô, đầu kéo, máy kéo): 200.000 đồng/phương tiện…

Cũng theo Thông tư này, phí hải quan sẽ được miễn đối với các trường hợp như: Hàng viện trợ nhận đạo, viện trợ không hoàn lại; Hàng xuất, nhập khẩu gửi qua dịch vụ chuyển phát nhanh có giá trị từ 01 triệu đồng trở xuống hoặc có số tiền thuế phải nộp dưới 100.000 đồng…

Thông tư này có hiệu lực từ ngày 5/4/2021.
Quy định mới về phân tích để phân loại hàng hóa xuất nhập khẩu

Bộ Tài chính ban hành Thông tư 17/2021/TT-BTC sửa đổi, bổ sung Thông tư 14/2015/TT-BTC về phân loại, phân tích để kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa xuất nhập khẩu, có hiệu lực kể từ ngày 12/4/2021.

Theo Thông tư 17/2021/TT-BTC, hồ sơ yêu cầu phân tích để phân loại hàng hóa gồm: Mỗi mặt hàng lập 1 Phiếu yêu cầu phân tích hàng hóa xuất nhập khẩu (XNK) kiêm Biên bản lấy mẫu hàng hóa; Phiếu ghi số, ngày văn bản, chứng từ thuộc hồ sơ hải quan liên quan đến mẫu hàng hóa; Mẫu hàng hóa yêu cầu phân tích; Tài liệu kỹ thuật của hàng hóa, trường hợp không có tài liệu kỹ thuật thì cơ quan hải quan nơi gửi hồ sơ phải nêu rõ lý do.

Như vậy, so với quy định hiện hành tại Thông tư 14/2015/TT-BTC, hồ sơ được bổ sung thêm “Tài liệu kỹ thuật của hàng hóa, trường hợp không có tài liệu kỹ thuật thì cơ quan hải quan nơi gửi hồ sơ phải nêu rõ lý do”.

Đồng thời Thông tư 17/2021/TT-BTC cũng sửa đổi, bổ sung về phân loại, áp dụng mức thuế đối với một số trường hợp đặc biệt như sau: "Trường hợp có sự khác biệt về mô tả hàng hóa tại Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam và mô tả hàng hóa theo Danh mục HS (Danh mục hài hòa mô tả và mã hóa hàng hóa của Tổ chức Hải quan thế giới), Danh mục AHTN (Danh mục thuế quan hài hòa ASEAN) thì áp dụng trực tiếp mô tả hàng hóa theo Danh mục HS, Danh mục AHTN để phân loại và hướng dẫn phân loại theo nguyên tắc áp dụng quy định của Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên”.
Đánh đập chó mèo bị phạt lên đến 3 triệu đồng

Chính phủ đã quy định mức phạt nghiêm khắc đối với các hành vi vi phạm nguyên tắc đối xử nhân đạo đối với vật nuôi.

Cụ thể, khoản 1 Điều 29 của Nghị định 14/2021/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 20/4/2021 chỉ rõ: Phạt tiền từ 1.000.000 - 3.000.000 đồng đối với hành vi đánh đập, hành hạ tàn nhẫn đối với vật nuôi.

Riêng với cơ sở giết mổ tập trung, nếu đánh đập vật nuôi trước khi giết mổ; không có biện pháp gây ngất vật nuôi trước khi giết mổ cũng sẽ bị phạt tiền từ 3.000.000 - 5.000.000 đồng.

Ngoài ra, Nghị định cũng chỉ rõ, với mô hình chăn nuôi nông hộ (chăn nuôi nhỏ lẻ tại hộ gia đình), nếu không có biện pháp xử lý phân, nước thải chăn nuôi bảo đảm vệ sinh môi trường và gây ảnh hưởng đến người xung quanh sẽ bị phạt từ 500.000 đồng - 1.000.000 đồng.

Trong trường hợp trên, ngoài bị phạt tiền, còn buộc phải khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường và báo cáo kết quả khắc phục…
Điều kiện miễn thuế với nhập khẩu linh kiện

Theo Nghị định 18/2021/NĐ-CP, nguyên liệu, vật tư, linh kiện trong nước chưa sản xuất được, sẽ được miễn thuế nhập khẩu trong 05 năm để sản xuất phục vụ các dự án sau: Dự án đầu tư thuộc Danh mục ngành, nghề đặc biệt ưu đãi đầu tư; Dự án đầu tư thuộc Danh mục địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; Dự án đầu tư của doanh nghiệp công nghệ cao, doanh nghiệp khoa học và công nghệ, tổ chức khoa học và công nghệ.

Thời gian bắt đầu sản xuất là thời gian sản xuất chính thức, không bao gồm thời gian sản xuất thử. Người nộp thuế tự kê khai, tự chịu trách nhiệm về ngày thực tế sản xuất và thông báo trước khi làm thủ tục hải quan.

Hết thời hạn miễn thuế 5 năm, người nộp thuế phải kê khai, nộp đủ thuế theo quy định đối với lượng nguyên liệu, vật tư, linh kiện nhập khẩu đã được miễn thuế nhưng không sử dụng hết.

Nghị định này có hiệu lực từ ngày 25/4/2021.