Từ ngày 1/8/2018 - 31/12/2020, công chức, viên chức chuyên trách về công nghệ thông tin tại Hà Nội sẽ được hỗ trợ từ 1,5 - 2 lần mức lương cơ sở |
Hỗ trợ với công chức, viên chức Hà Nội
Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội khóa XV, kỳ họp thứ 6 đã thông qua Nghị quyết số 04/2018/NQ - HĐND quy định về việc ban hành nội dung, mức chi đặc thù thuộc thẩm quyền của HĐND TP Hà Nội.Theo đó, từ ngày 1/8/2018 - 31/12/2020, công chức, viên chức chuyên trách về công nghệ thông tin tại Hà Nội sẽ được hỗ trợ 2 lần mức lương cơ sở/người/tháng, nếu có trình độ đại học trở lên hoặc 1,5 lần mức lương cơ sở/người/tháng, nếu có trình độ cao đẳng hoặc trung cấp.Nghị quyết 04/2018/NQ - HĐND cũng nêu rõ, trong thời gian trên, một số khoản chi sẽ được quy định như sau:Chi hỗ trợ ban đầu cho cán bộ bị thương, tai nạn khi đang làm nhiệm vụ đảm bảo trật tự an toàn giao thông (TTATGT) là 2.000.000 đồng/người.Chi hỗ trợ ban đầu cho gia đình cán bộ hy sinh đang làm nhiệm vụ đảm bảo TTATGT là 5.000.000 đồng/người; Bồi dưỡng thành viên của Ban An toàn giao thông Thành phố 700.000 đồng/người/tháng.Chi hoạt động kiểm tra, giám sát về TTATGT là 100.000 đồng/người/ca (4 giờ trở lên); chi bồi dưỡng cán bộ Thanh tra giao thông 1.000.000 đồng/người/tháng…
Hỗ trợ DN mới thành lập trên địa bàn TP Hà NộiNghị quyết số 04/2018/NQ - HĐND cũng quy định về chinh sách hỗ trợ DN thành lập mới trên địa bàn TP. Cụ thể: Hỗ trợ công bố nội dung đăng ký DN lần đầu tại Công thông tin đăng ký DN quốc gia cho DN nhỏ và vừa thành lập mới là 300.000 đồng/1 DN. Đồng thời hỗ trợ kinh phí làm 1 dấu pháp nhân cho DN thành lập mới và DN thành lập mới chuyển đổi từ hộ kinh doanh theo chi phí thực tế nhưng tối đa không quá 300.000 đồng/1 DN.Hỗ trợ kinh phí chuyển phát nhanh cho DN thành lập mới, DN thành lập mới chuyển từ hộ kinh doanh có nhu cầu nhận kết quả Giấy chứng nhận đăng ký DN tại nhà hoặc trụ sở làm việc theo giá cước thực tế của chi nhánh TCTy Bưu điện Việt nam - Bưu điện TP Hà Nội.Xem toàn văn Nghị quyết 04/2018/NQ - HĐND TẠI ĐÂY
Hà Nội thí điểm Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị trong 2 nămQuyết định 26/2018/QĐ-TTg ngày 22/06/2018 của Thủ tướng Chính phủ về thí điểm thành lập Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị trực thuộc UBNDquận, huyện, thị xã tại TP Hà Nội nêu rõ, Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị được thành lập trên cơ sở tổ chức lại Đội Thanh tra xây dựng quận, huyện, thị xã thuộc Thanh tra Sở Xây dựng. Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị có chức năng tham mưu, giúp UBND cấp huyện thực thi các quy định pháp luật trong lĩnh vực trật tự xây dựng đô thị.Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị được yêu cầu các chủ đầu tư xuất trình giấy phép xây dựng, các tài liệu liên quan đến việc xây dựng công trình; thực hiện nhiệm vụ thông báo, kiến nghị và gửi tài liệu có liên quan cho cơ quan điều tra, viện kiểm sát xem xét, khởi tố đối với người thực hiện hành vi vi phạm pháp luật thuộc phạm vi quản lý.Thời gian thí điểm là 24 tháng. Nghị định này có hiệu lực từ ngày 10/8/2018.
Quy định về liên kết giáo dục với nước ngoàiChính phủ vừa ban hành Nghị định 86/2018/NĐ-CP quy định về hợp tác, đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục, trong đó quy định về liên kết giáo dục với nước ngoài có hiệu lực thi hành từ 1/8/2018.Cụ thể, đối tượng liên kết giáo dục là cơ sở giáo dục mầm non tư thục, cơ sở giáo dục phổ thông tư thục của Việt Nam và cơ sở giáo dục hoạt động hợp pháp ở nước ngoài, được cơ quan, tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục hoặc cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài công nhận về chất lượng giáo dục.Việc đánh giá kết quả học tập, kiểm tra, thi, công nhận hoàn thành chương trình giáo dục, công nhận tốt nghiệp được thực hiện theo quy định của pháp luật Việt Nam và của nước sở tại nơi cung cấp chương trình giáo dục. Người học hoàn thành chương trình giáo dục tích hợp cấp trung học phổ thông phải được cấp văn bằng tốt nghiệp của Việt Nam và của nước ngoài.Thời hạn của liên kết giáo dục không quá 5 năm kể từ ngày được phê duyệt và có thể được gia hạn, mỗi lần gia hạn không quá 5 năm.Nghị định cũng quy định về gia hạn hoặc điều chỉnh liên kết giáo dục; đình chỉ tuyển sinh hoặc chấm dứt hoạt động liên kết giáo dục; trách nhiệm của các bên liên kết giáo dục.
Áp dụng tiêu chuẩn mới với viên chức ngành giáo dục nghề nghiệpBộ Lao động Thương binh và Xã hội vừa ban hành Thông tư 03/2018/TT-BLĐTBXH ngày 15/06/2018, quy định tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành giáo dục nghề nghiệp và có hiệu lực từ 1/8. Theo đó, viên chức chuyên ngành giáo dục nghề nghiệp phải đảm bảo 4 tiêu chuẩn chung gồm: Tâm huyết với nghề, giữ gìn phẩm chất, danh dự, uy tín, lương tâm nhà giáo; có tinh thần đoàn kết, thương yêu, giúp đỡ đồng nghiệp trong cuộc sống và trong công tác; có lòng nhân ái, bao dung, độ lượng, đối xử hòa nhã với người học, đồng nghiệp...Tận tụy với công việc, thực hiện đúng điều lệ, quy chế, nội quy của cơ sở giáo dục nghề nghiệp của ngành.Công bằng trong giảng dạy và giáo dục, đánh giá đúng thực chất năng lực của người học; thực hành tiết kiệm, chống bệnh thành tích, chống tham nhũng, lãng phí.Có phẩm chất, đạo đức tốt; Đạt trình độ chuẩn được đào tạo về chuyên môn và nghiệp vụ; Có đủ sức khỏe theo yêu cầu nghề nghiệp; Có lý lịch rõ ràng.
Cấm ngân hàng mua trái phiếu để cơ cấu nợ cho doanh nghiệpNgân hàng Nhà nước Việt Nam đã ban hành Thông tư số 15/2018/TT-NHNN ngày 18/06/2018 sửa đổi, bổ sung Thông tư số 22/2016/TT-NHNN quy định việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài mua trái phiếu doanh nghiệp.Đáng chú ý, Thông tư quy định các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài không được mua trái phiếu doanh nghiệp phát hành để cơ cấu lại các khoản nợ của doanh nghiệp. Đồng thời, bãi bỏ quy định về các loại trái phiếu doanh nghiệp được mua.Theo Thông tư này, quy định nội bộ về mua trái phiếu doanh nghiệp của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải có thêm tối thiểu các nội dung gồm quy định kiểm soát nội bộ hoạt động mua trái phiếu doanh nghiệp, đặc biệt là trái phiếu phát hành với mục đích thực hiện các dự án, dự án thuộc các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro…; Quy định cụ thể về các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro và chính sách tín dụng đầu tư vào các lĩnh vực này.Thông tư này có hiệu lực từ ngày 2/8/2018.
Tăng mức trợ cấp hàng tháng đối với cán bộ xã đã nghỉ việcĐây là nội dung được quy định tại Thông tư 08/2018/TT-BNV vừa được Bộ Nội vụ ban hành hướng dẫn thực hiện điều chỉnh mức trợ cấp hàng tháng đối với cán bộ xã đã nghỉ việc theo Quyết định số 130-CP ngày 20/6/1975 của Hội đồng Chính phủ và Quyết định số 111-HĐBT ngày 13/10/1981 của Hội đồng Bộ trưởng.Cụ thể, từ ngày 1/7/2018, thực hiện điều chỉnh mức trợ cấp hàng tháng đối với cán bộ xã già yếu nghỉ việc theo quy định tại Điều 2 Nghị định số 88/2018/NĐ-CP của Chính phủ điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hàng tháng tăng thêm 6,92% mức trợ cấp hàng tháng trên mức trợ cấp được hưởng tại thời điểm tháng 6 năm 2018.Đối với cán bộ nguyên là Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã: 1.846.000 đồng/tháng x 1,0692 = 1.974.000 đồng/tháng.Đối với cán bộ nguyên là Phó Bí thư, Phó Chủ tịch, Thường trực Đảng ủy, Ủy viên thư ký Ủy ban nhân dân, Thư ký Hội đồng nhân dân xã, Xã đội trưởng, Trưởng công an xã: 1.786.000 đồng/tháng x 1,0692 = 1.910.000 đồng/tháng. Đối với các chức danh còn lại: 1.653.000 đồng/tháng x 1,0692 = 1.768.000 đồng/tháng.Thông tư 08 có hiệu lực từ ngày 15/8/2018, các chế độ quy định tại Thông tư này được thực hiện kể từ ngày 1/7/2018.Tăng mức trợ cấp cho người có công Chính phủ vừa ban hành Nghị định 99/2018/NĐ-CPquy định mức trợ cấp, phụ cấp ưu đãi đối với người có công với cách mạng.Nghị định quy định rõ về mức trợ cấp, phụ cấp ưu đãi hàng tháng như sau: Mức trợ cấp đối với Người hoạt động cách mạng trước ngày 1/1/1945: Diện thoát ly là 1.693.000 đồng; diện không thoát ly 2.874.000 đồng. Trợ cấp tiền tuất đối với thân nhân của 1 liệt sĩ 1.515.000 đồng; trợ cấp tiền tuất đối với thân nhân của 2 liệt sĩ 3.030.000 đồng; trợ cấp tiền tuất đối với thân nhân của 3 liệt sĩ trở lên 4.545.000 đồng. Bà mẹ Việt Nam anh hùng (hưởng trợ cấp tiền tuất hàng tháng theo mức trợ cấp tiền tuất đối với thân nhân liệt sĩ) và hưởng mức phụ cấp 1.270.000 đồng.Người phục vụ Bà mẹ Việt Nam anh hùng sống ở gia đình hưởng mức trợ cấp 1.515.000 đồng. Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động trong thời kỳ kháng chiến hưởng mức trợ cấp 1.270.000 đồng.Trường hợp Bệnh binh suy giảm khả năng lao động từ 41% - 50%, mức trợ cấp 1.581.000 đồng; suy giảm khả năng lao động từ 81% - 90%, mức trợ cấp 3.465.000 đồng… Trợ cấp ưu đãi hàng năm được quy định như sau: Liệt sĩ không còn người hưởng trợ cấp tiền tuất hàng tháng thì người thờ cúng liệt sĩ được hưởng trợ cấp thờ cúng là 500.000 đồng.Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 27/8/2018.
Liên kết trong sản xuất nông nghiệp được hỗ trợ đến 10 tỷChính phủ đã ban hành Nghị định 98/2018/NĐ-CP về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.Theo Nghị định này, dự án liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp được hỗ trợ như sau:Hỗ trợ 30% vốn đầu tư máy móc trang thiết bị; xây dựng các công trình hạ tầng phục vụ liên kết (nhà xưởng, bến bãi …). Tổng mức hỗ trợ không quá 10 tỷ đồng.Hỗ trợ 100% chi phí tư vấn xây dựng liên kết, tối đa không quá 300 triệu đồng.Hỗ trợ 40% chi phí chuyển giao, ứng dụng khoa học kỹ thuật mới, áp dụng quy trình kỹ thuật và quản lý chất lượng đồng bộ theo chuỗi.Để được hưởng ưu đãi, các bên liên kết phải đảm bảo một số điều kiện như: Phù hợp với quy hoạch; Có Giấy chứng nhận hoặc cam kết bảo đảm chất lương sản phẩm, an toàn thực phẩm; Thời gian liên kết tối thiểu 3 năm hoặc 5 năm.Nghị định này có hiệu lực từ ngày 20/08/2018.
Phát hiện tôm bơm tạp chất phải lập biên bản tại chỗNgày 10/07/2018, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành Thông tư 07/2018/TT-BNNPTNT quy định về kiểm tra tạp chất trong tôm và sản phẩm tôm.Thông tư quy định rõ: Đối với hình thức kiểm tra đột xuất là hoạt động kiểm tra được thực hiện khi có thông tin vi phạm. Thông tin vi phạm về tạp chất được thu thập từ các nguồn do tổ chức, cá nhân tố giác, thông tin của cơ quan Công an, thông tin về kết quả kiểm soát tạp chất trong tôm của các cơ quan chức năng và thông tin cảnh báo của nước nhập khẩu.Trường hợp tổ chức kiểm tra theo Đoàn, khi phát hiện vi phạm về tạp chất hoặc kết quả kiểm tra tại chỗ kết luận lô tôm có tạp chất, Trưởng đoàn kiểm tra phải lập biên bản vi phạm hành chính theo thẩm quyền. Đồng thời, niêm phong tang vật phương tiện vi phạm hành chính.Trưởng đoàn kiểm tra có trách nhiệm báo cáo Thủ trưởng cơ quan kiểm tra để ban hành quyết định tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm trong thời hạn không quá 24 giờ kể từ khi niêm phong.Trường hợp kiểm tra viên được phân công kiểm tra độc lập, khi phát hiện vi phạm về tạp chất hoặc kết quả kiểm tra tại chỗ kết luận lô tôm có tập chất thì phải lập biên bản; báo cáo Thủ trưởng cơ quan kiểm tra để có biện pháp xử lý phù hợp.Thông tư có hiệu lực từ ngày 24/08/2018.