Rủi ro từ lãi suất và lạm phát còn cao
Trong báo cáo Triển vọng Kinh tế Thế giới được công bố tuần này, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo kinh tế toàn cầu tăng trưởng 3,2% trong năm nay, cao hơn 0,1% so với dự báo đưa ra hồi tháng 1. Dự báo về năm 2025 giữ nguyên ở mức 3,2%. Tuy nhiên, trong báo cáo mới nhất, các chuyên gia của định chế có trụ sở ở Washington cho rằng triển vọng tăng trưởng kinh tế thế giới vẫn còn những bấp bênh do lạm phát dai dẳng và rủi ro địa chính trị.
IMF cảnh báo rằng lãi suất cao và việc các chính phủ kéo dài chính sách tiền tệ thắt chặt mạnh mẽ sẽ gây áp lực lên triển vọng tăng trưởng kinh tế trong ngắn hạn. Bên cạnh đó, triển vọng trong trung hạn vẫn ở mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ do năng suất lao động thấp và căng thẳng thương mại toàn cầu.
“Một số thách thức vẫn còn đó, và cần phải có những hành động quyết đoán hơn” - Nhà kinh tế trưởng Pierre Olivier Gourinchas của IMF nhận định, đề cập đến tình trạng “cứng đầu” của lạm phát và bất bình đẳng gia tăng trên toàn cầu.
Theo báo cáo của IMF, nền kinh tế thế giới đã tránh được tình trạng tăng trưởng trì trệ kết hợp với lạm phát cao hậu đại dịch Covid-19, nhưng triển vọng tăng trưởng trong những năm tới bị kìm hãm. Cuộc chiến chống lạm phát của các ngân hàng trung ương đang đi đúng hướng, song hiện còn quá sớm để tuyên bố lạm phát được đẩy lùi và bắt đầu bước vào chu kỳ nới lỏng chính sách tiền tệ. Cùng với đó, rủi ro tiềm ẩn đối với tăng trưởng vẫn còn nhiều, bao gồm các cuộc chiến tranh ở Trung Đông và Đông Âu.
Trong một báo cáo khác tập trung vào rủi ro ổn định tài chính, ông Tobias Adrian - người phụ trách lĩnh vực thị trường vốn của IMF - cũng lên tiếng cảnh báo về nguy cơ lạm phát tăng nhiệt trở lại.
“Các nhà đầu tư dường như đặt cược rằng các ngân hàng trung ương sẽ sớm xoay chiều chính sách thắt chặt tiền tệ khi lạm phát giảm tốc hơn nữa. Nhưng nếu lạm phát vẫn ở mức cao, những kỳ vọng lớn vậy có thể bị đảo lộn, dẫn đến việc bán tháo tài sản, từ trái phiếu, cổ phiếu đến tiền ảo” - ông Adrian nói.
Theo ông Adrian, hệ quả của kịch bản như vậy có thể bao gồm các điều kiện tài chính bị thắt chặt, tổn thất đối với một số nhà đầu tư và lợi suất trái phiếu cao hơn khiến người đi vay gặp khó khăn hơn trong việc trả nợ.
Tại Mỹ, Văn phòng Ngân sách Quốc hội nước này vừa nâng triển vọng tăng trưởng của nền kinh tế lớn nhất thế giới, dựa trên cơ sở năng suất lao động và lượng người nhập cư tăng lên - hai yếu tố giúp nền kinh tế đạt tăng trưởng mà không gây ra lạm phát. Trên thực tế, hai yếu tố trên đã giúp lạm phát hạ nhiệt một cách đáng ngạc nhiên vào năm ngoái, củng cố thêm hy vọng sớm đạt mục tiêu "giảm phát hoàn toàn", nhưng nay vẫn chưa rõ mức giảm đó sâu đến đâu, theo các quan chức Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).
Nếu đánh giá rằng nền kinh tế Mỹ vẫn quá mạnh hoặc các điều kiện tài chính quá lỏng lẻo để lạm phát có thể quay trở lại mục tiêu 2% của Fed, thì hiện tượng lệch pha này sẽ giúp kéo kinh tế thế giới đi lên, nhưng lại có thể trở thành lực cản đối với việc thắt chặt tiền tệ.
"Tôi nghĩ Fed đang ở chế độ theo dõi và chờ đợi" - giáo sư Karen Dynan tại Đại học Harvard và thành viên cấp cao tại Viện Kinh tế Quốc tế Peterson nhận xét. Theo bà Dynan, việc Fed duy trì chính sách thắt chặt tiền tệ lâu hơn sẽ "kéo giảm" nhu cầu và kìm chân nền kinh tế, nhưng không thể bỏ qua những hậu quả tồi tệ nếu tình trạng lạm phát vẫn dai dẳng.
"Đó thực sự là một dự báo về một 'cuộc hạ cánh mềm', song tôi tin rằng nguy cơ suy thoái kinh tế đang tăng cao ở Mỹ và các quốc gia khác” - GS. Karen Dynan cảnh báo.
Đà tăng của giá dầu đe dọa tăng trưởng kinh tế thế giới
Trong báo cáo mới nhất, IMF dự báo kinh tế toàn cầu có thể phục hồi khá tốt trong năm 2024, và lạm phát sẽ tiếp tục giảm xuống 5,9% trong năm nay và 4,5% vào năm tới.
Tuy nhiên, trong một cuộc phỏng vấn đầu tuần này, ông Pierre-Olivier Gourinchas - Chuyên gia kinh tế trưởng của IMF lưu ý rằng đà leo dốc của giá dầu thời gian gần đây do căng thẳng Trung Đông có khả năng làm chệch hướng triển vọng sáng sủa của kinh tế toàn cầu.
Theo vị chuyên gia này, tác động của cú sốc năng lượng đã giảm bớt khá nhiều song vẫn còn ảnh hưởng đến nền kinh tế thế giới. Bên cạnh đó, chính sách tiền tệ thắt chặt đang làm tăng chi phí đi vay của các hộ gia đình và doanh nghiệp.
Trong khi đó, Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Christine Lagarde hôm 16/4 cho biết, xung đột giữa Iran và Israel hiện chưa ảnh hưởng nhiều đến giá hàng hóa tại châu Âu. Tuy nhiên, ECB vẫn lo ngại giá dầu có thể biến động khi căng thẳng chính trị leo thang tại Trung Đông, điều này sẽ tác động tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế của khu vực và đẩy lạm phát tăng cao.
Theo Reuters, tác động của cuộc xung đột Iran - Israel tới thị trường dầu mỏ toàn cầu là rất lớn vì Iran hiện là nhà sản xuất lớn thứ ba trong Tổ chức các nước sản xuất và xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) với sản lượng 3 triệu thùng/ngày.
Do đó, bất kỳ sự gián đoạn nào trong khả năng cung cấp cho thị trường toàn cầu đều có thể khiến giá dầu leo cao. Ngân hàng ING nhận định, nguồn cung “vàng đen” toàn cầu có thể đối mặt rủi ro nếu Mỹ áp đặt thêm biện pháp trừng phạt với ngành dầu mỏ của Iran, hoặc Israel tấn công trả đũa nhắm vào các cơ sở hạ tầng năng lượng của Tehran.
Giới chuyên gia cảnh báo, giá dầu có thể chạm ngưỡng ba con số nếu Israel đối đầu trực diện với Iran. Ed Yardeni, người sáng lập Yardeni Research, dự báo kịch bản giá Brent tăng lên 100 USD/thùng trong những tuần tới hoàn toàn có thể xảy ra.
Trong một "kịch bản bất lợi" với đà phục hồi kinh tế thế giới được IMF nêu trong báo cáo công bố hôm 16/4, xung đột leo thang ở Trung Đông sẽ đẩy giá dầu leo dốc 15% và chi phí vận chuyển cao hơn khiến lạm phát toàn cầu tăng khoảng 0,7%.
Giá dầu cao hơn trong thời gian lâu hơn cũng sẽ gây khó khăn cho nhiều nền kinh tế tại thị trường mới nổi, như Ấn Độ và Thổ Nhĩ Kỳ, những nước nhập khẩu dầu ròng nhiên liệu.
Chiến lược gia trưởng thị trường Guy Miller của Tập đoàn Bảo hiểm Zurich cho biết, các nền kinh tế chỉ có thể trụ vững khi giá dầu ở mức 75 - 95 USD/thùng. Vị chuyên gia cảnh báo: “Nếu giá dầu nhảy vọt lên tới 3 con số sẽ là mối lo ngại đối với cả tăng trưởng kinh tế lẫn lạm phát”.