Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Những sai phạm nghiêm trọng tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm – Bài 2: Chính quyền “gánh nợ”, nhà đầu tư hưởng lợi “khủng”?

NHÓM PHÓNG VIÊN
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Việc giao đất cho các nhà đầu tư phát triển các dự án trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm (KĐTMTT) đều nằm trong diện bắt buộc phải đấu thầu, đấu giá (theo quy định của Luật Đất đai).

Thế nhưng, trên thực tế cho đến thời điểm hiện nay các nhà đầu tư được giao đất trong KĐTMTT đều không phải qua bước đấu giá.  Tại sao lại có chuyện phi lý này?
Xin chỉ định thầu để tiết kiệm thời gian?
Năm 2015, UBND TP Hồ Chí Minh đã có văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, chấp thuận chủ trương cho phép thành phố được áp dụng hình thức chỉ định nhà đầu tư thực hiện dự án khu phức hợp Sóng Việt tại Khu chức năng số 1 trong KĐTMTT với nhà đầu tư là Công ty cổ phần Quốc Lộc Phát.
 Các dự án bất động sản ''nhảy dù'' vào quy hoạch Thủ Thiêm, chiếm mặt tiền bờ sông Sài Gòn.
UBND TP Hồ Chí Minh cho rằng, việc chỉ định thầu cho nhà đầu tư nhằm rút ngắn thời gian thực hiện các thủ tục lựa chọn nhà đầu tư; tạo điều kiện thuận lợi thu hút đầu tư và hình thành khu trung tâm tài chính, ngân hàng, thương mại, dịch vụ tại KĐTMTT cũng như kịp thời khai thác hiệu quả quỹ đất đã bồi thường giải phóng mặt bằng, có nguồn thu để hoàn trả vốn vay, giảm thiểu số lãi vay phát sinh và giúp tăng nguồn thu ngân sách thành phố.
Theo UBND TP Hồ Chí Minh, các thủ tục đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư dự án mất rất nhiều thời gian, ít nhất là 588 ngày, trong đó: sơ tuyển mất 170 ngày, lập và duyệt kế hoạch mất 40 ngày, tổ chức đấu thầu mất 378 ngày. Vì thế, nếu được áp dụng hình thức chỉ định nhà đầu tư thì quy trình tổ chức thực hiện chỉ mất tối đa khoảng 343 ngày và có thể phấn đấu để thực hiện trong khoảng 145 ngày.  Một nguyên nhân khác cũng khiến cho thành phố xin chỉ định thầu đó là hiện tại TP Hồ Chí Minh đang đứng trước áp lực phải trả nợ gốc và lãi vay để thực hiện công tác bồi thường giải phóng mặt bằng và tái định cư cho KĐTMTT.
Về phía nhà đầu tư của dự án Khu phức hợp Sóng Việt, UBND TP Hồ Chí Minh đánh giá: Công ty cổ phần Quốc Lộc Phát đã có hồ sơ đề xuất đầu tư dự án nhiều “ưu điểm nổi bật” như dự án đề xuất đầu tư liền ô, liền thửa trên toàn bộ 4 lô đất sẽ tạo điều kiện thuận lợi trong việc hoàn chỉnh cơ sở hạ tầng kỹ thuật; đề xuất đầu tư dự án khu phức hợp mang tính khả thi cao; đề xuất tiến độ triển khai thực hiện dự án nhanh.  Ngoài ra, bản thân nhà đầu tư đã chứng minh đảm bảo năng lực tài chính để thực hiện dự án theo quy định (đảm bảo vốn chủ sở hữu ít nhất 20% tổng vốn đầu tư của dự án), có cam kết thực hiện ký quỹ (dự kiến 100 tỷ đồng) và đóng tiền sử dụng đất 1 lần cho toàn bộ 4 lô đất nêu trên, tạo nguồn thu khá lớn cho ngân sách thành phố. Trên thực tế, cho đến nay nhà đầu tư Quốc Lộc Phát đã được giao đất để thực hiện dự án khu phức hợp Sóng Việt.
Không chỉ đối với nhà đầu tư Quốc Lộc Phát được chỉ định thầu, mà đến thời điểm hiện nay tất cả những dự án được giao đất để phát triển các dự án đô thị trong KĐTMTT đều được giao đất với hình thức chỉ định thầu.
Trước đó, một nhóm các nhà đầu tư cũng được giao 79ha đất trong KĐTMTT để đổi lấy hạ tầng là 4 tuyến đường chính trong KĐTMTT. Sau đó, các nhà đầu tư này đã chuyển nhượng lại dự án này cho Công ty Cổ phần Đầu tư Địa ốc Đại Quang Minh. TP Hồ Chí Minh cũng đã áp dụng hình thức chỉ định thầu cho Công ty Cổ phần Đầu tư Địa ốc Đại Quang Minh để thực hiện dự án cầu Thủ Thiêm 2 cũng với phương thức đổi đất lấy hạ tầng…
Mãi đến gần đây, việc giao đất trong KĐTMTT mới được TP Hồ Chí Minh thực hiện theo phương thức bán đấu giá. Theo kế hoạch, 9 lô đất trong khu chức năng số 1 sẽ được thành phố mang ra bán đấu giá, trị giá ước tính của 9 lô đất sẽ vào khoảng 28.000 tỷ đồng.
  Một phần trong KĐTMTT ngày nay, giá bán nhà phố trong một số dự án lên đến 250 triệu đồng/m2; giá bán căn hộ lên đến 70 triệu đồng/m2. 
Gánh nặng từ KĐTMTT
Liên quan đến tình hình vay nợ để đầu tư cho KĐTMTT là một câu chuyện bí mật, phải đến năm 2015 trong các văn bản kiến nghị xin chỉ định thầu dự án Khu phức hợp Sóng Việt thì một vài con số mới được tiết lộ. Theo đó, tổng vốn đầu tư vào KĐTMTT cho các hoạt động bồi thường, giải phóng mặt bằng và tái định cư, đầu tư hạ tầng kỹ thuật, trả các khoản lãi vay là hơn 29.000 tỉ đồng. Trong đó, khoảng 12.000 tỉ đồng là vốn vay thương mại từ các tổ chức tín dụng, tiền lãi phát sinh khoảng 2,9 tỉ đồng mỗi ngày. Năm 2015, TP Hồ Chí Minh đã trả lãi vay cho các khoản vay đầu tư vào KĐTMTT là hơn 902 tỉ đồng. Trong năm 2016, nợ gốc đến hạn phải trả là hơn 5.200 tỉ đồng và lãi vay phát sinh là 829 tỉ đồng...
Đây cũng một phần của câu chuyện vì sao TP Hồ Chí Minh xin chỉ định thầu rút ngắn thời gian, giải tỏa áp lực trả nợ vốn vay và lãi vay như đã đề cập ở phần trên.
Việc đầu tư KĐTMTT thực sự là một gánh nặng đối với TP Hồ Chí Minh không chỉ về mặt tài chính mà còn là gánh nặng xã hội, an sinh. Để thực hiện dự án KĐTMTT, khoảng 15.000 hộ dân đã phải di dời. Việc giải tỏa đền bù cho KĐTMTT cũng tạo ra không biết bao nhiêu hệ lụy, người dân chưa bao giờ ngừng khiếu nại các quyết định của thành phố, thậm chí kéo ra tận Hà Nội để khiếu nại đến các cơ quan Trung ương để yêu cầu TP Hồ Chí Minh thực hiện đúng quy hoạch như trong Quyết định 367/TTg của Thủ tướng Chính phủ. Cho đến thời điểm hiện nay, đã 12 năm trôi qua kể từ khi TP Hồ Chí Minh ban hành quyết định 6565 để “thay thế” quyết định 367 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch KĐTMTT thì việc giải quyết khiếu nại của người dân và xử lý hậu quả của các sai phạm vẫn chưa kết thúc. Đầu tháng 4/2018, chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thành Phong đã yêu cầu các ngành chức năng rà soát hàng loạt vấn đề liên quan đến việc khiếu nại của người dân…
Trong khi đối với TP Hồ Chí Minh, việc đầu tư KĐTMTT là một gánh nặng tài chính, gánh nặng xã hội, an sinh của một vạn rưỡi hộ dân thì đối với các nhà đầu tư họ đang bắt đầu hưởng được quả ngọt. Giá bán đất, bán căn hộ trong các dự án trong KĐTMTT từ vài chục triệu đến vài trăm triệu đồng/m2. So với đồng vốn bỏ ra, ai cũng thấy được các nhà đầu tư đang được hưởng lợi quá lớn từ KĐTMTT. Thậm chí, dư luận còn cho rằng, với việc chỉ định thầu đã giúp các nhà đầu tư hưởng lợi, đồng thời gây thiệt hại cho ngân sách.