Những số liệu biết nói về một “châu Âu mắc kẹt”

Hương Thảo
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trên thực tế, xung đột ở Ukraine đã biến châu Âu thành chiến trường của các cường quốc, khi người dân tại đây bị kẹt giữa an ninh do Mỹ dẫn đầu và sự ổn định kinh tế thông qua năng lượng của Nga.

Tình trạng này đã dẫn đến những hậu quả về kinh tế và chính trị, gây nguy hiểm đến quyền tự chủ và sự thống nhất của khu vực.

Gánh nặng kinh tế - chính trị

Khi cuộc khủng hoảng ở Ukraine diễn ra chưa thấy hồi kết, sự ủng hộ đối với Kiev của những người Đông Âu đang bị cản trở bởi lạm phát và suy thoái. Treo cờ xanh - vàng trên đường phố là một chuyện, nhưng mang gánh nặng tài chính dài hạn cho Ukraine là một điều khác. Lạm phát ở các nước Baltic lúc này - được cho là một hệ quả từ nỗ lực của châu Âu trong việc cung cấp hỗ trợ tài chính và quân sự cho Ukraine - ở mức gần 20%.

Người biểu tình ủng hộ Ukraine trước trụ sở của Liên minh châu Âu ở Brussels, Bỉ, vào ngày 1/3/2022. Ảnh: AFP
Người biểu tình ủng hộ Ukraine trước trụ sở của Liên minh châu Âu ở Brussels, Bỉ, vào ngày 1/3/2022. Ảnh: AFP

Lạm phát ở Cộng hòa Séc đã đạt mức 16% vào tháng 5, và theo các chuyên gia, chỉ có những đợt tăng lãi suất nhanh chóng được tạo điều kiện bởi đồng tiền độc lập của nhà nước mới ngăn nó tăng thêm hơn nữa.

Chuỗi cung ứng kém hiệu quả và chi phí năng lượng tăng cao đã làm giảm sản lượng công nghiệp. Tại Slovakia và Cộng hòa Séc, sản lượng hàng năm giảm lần lượt là 9,4% và 3,8% trong tháng 4/2022, trong khi dữ liệu cho tháng 5 được dự đoán sẽ cho thấy sự sụt giảm thậm chí còn đáng kể hơn. Sự ảm đạm ngày càng hiện rõ trong cuộc sống hàng ngày của người dân. Chi phí thực phẩm đang tăng mạnh, giá gas và điện ở mức cao kỷ lục. Việc tăng lãi suất nhanh chóng ở các quốc gia không thuộc khu vực đồng euro như Cộng hòa Séc và Ba Lan đang khiến nhiều người đột ngột loại bỏ thị trường thế chấp.

Không chỉ Đông Âu bị ảnh hưởng bởi nỗi lo lạm phát. Theo một cuộc khảo sát gần đây của Hội đồng Quan hệ Đối ngoại châu Âu (ECFR), “giá sinh hoạt và giá năng lượng” được 61% số người được hỏi từ khắp Lục địa già coi là “mối quan tâm lớn nhất liên quan đến cuộc chiến ở Ukraine”.

Giữa những chiến thắng ban đầu của Ukraine, sự hy sinh cho Kiev dường như rất được ưu tiên ở châu Âu. Nhưng khi xung đột kéo dài, việc đứng lên giành chiến thắng ở Ukraine về mặt đạo đức đang bắt đầu trở thành gánh nặng chính trị ở một số thủ đô châu Âu.

Một cuộc khảo sát ý kiến của Séc được công bố vào đầu tháng này cho thấy sự bắt đầu của sự chuyển hướng khỏi liên minh chính phủ ủng hộ Liên minh châu Âu (EU). Người Séc cũng tỏ ra ít hiếu chiến hơn đáng kể so với chính phủ của họ ngay cả khi sự ủng hộ của công chúng đối với Ukraine đạt đỉnh cao vào tháng 3, với 78% trong số họ nói rằng Kiev “đã nhận được đủ sự hỗ trợ” vào thời điểm đó.

Bầu không khí chính trị ở Slovakia - nơi một chính phủ liên minh đang trên bờ vực sụp đổ vì các lệnh trừng phạt của Nga và gói hỗ trợ chống lạm phát - thậm chí còn bất ổn hơn khi những lời kêu gọi hạn chế hỗ trợ cho Ukraine ngày càng lớn. Các bộ trưởng hiện đang cáo buộc nhau nói dối và gian lận do những bất đồng gay gắt về việc đánh thuế dầu của Nga, bên cạnh các biện pháp kinh tế khác.

Theo cựu Thủ tướng Robert Fico, sau khi chính phủ đương nhiệm “đầu hàng lợi ích của Mỹ”, các biện pháp trừng phạt đối với năng lượng của Nga sẽ “hủy hoại” nhà máy lọc dầu chính của Slovakia.

Thực tế, xung đột Ukraine đã làm xa rời lợi ích của Tây Âu với hầu hết các lợi ích của Đông Âu. Thành tích mờ nhạt của Đức và Pháp trong việc cung cấp hỗ trợ quân sự cho Ukraine, cùng các đề xuất riêng khó hiểu với Tổng thống Nga Vladimir Putin… đều đang cho thấy ưu tiên của những “ông lớn” Tây Âu là nối lại quan hệ bình thường với Moscow. Kết quả là, hiện có một sự chia rẽ chiến lược ngày càng mở rộng với mỗi tuyên bố đưa ra từ Đức và Pháp về Ukraine.

Rõ ràng, chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga đã chứng minh một cách thuyết phục rằng “quyền lực mềm” không thua kém các chiến lược quyền lực cứng - điều mà nhiều chính trị gia Tây Âu lâu nay vẫn đánh giá thấp.

Chia rẽ ngày càng sâu sắc

Tháng trước, ECFR đã công bố một nghiên cứu chi tiết về sự chia rẽ giữa các bên tập trung vào hòa bình và công lý, trong đó lưu ý rằng các chính phủ sẽ buộc phải cân bằng việc theo đuổi sự thống nhất châu Âu đằng sau áp lực lên Moscow, với những ý kiến khác nhau cả trong và giữa các quốc gia thành viên.

Cuộc khảo sát cho thấy, có một khoảng cách ngày càng lớn giữa những người muốn kết thúc chiến tranh càng nhanh càng tốt và những người muốn tiếp tục chiến đấu cho đến khi Nga chịu khuất phục. Bất đồng chính kiến ngày càng gia tăng, đặc biệt là ở các quốc gia Tây Âu.

Ví dụ, hơn 1/4 số người Italia được hỏi và khoảng 1/5 người Pháp, Đức và Romania tham gia khảo sát, tin rằng trách nhiệm về cuộc chiến chủ yếu thuộc về Ukraine, EU hoặc Mỹ. Khi được hỏi đâu là trở ngại lớn nhất đối với hòa bình, hơn 1/3 người Italia, 1/4 người Pháp, và 1/5 người Đức tin rằng đó là Ukraine, EU hoặc Mỹ.

Mặc dù những con số này chỉ ra rằng những người bất đồng chính kiến vẫn là một thiểu số khác biệt, nhưng tác động của nhóm người này đang gia tăng ở các quốc gia lớn nhất và có ảnh hưởng nhất của lục địa.

Thậm chí, nhiều người đổ lỗi cho Moscow vì đã có “hành động xâm lược trắng trợn” vẫn tin rằng điều quan trọng là phải kết thúc chiến tranh một cách nhanh chóng. “Trên thực tế, họ sẽ tập trung vào việc khôi phục hòa bình hơn là theo đuổi công lý” - báo cáo của ECFR cho biết.

Nhìn chung, cuộc khảo sát cho thấy 35% người được hỏi ở trong “phe hòa bình”, 22% ở trong “phe công lý” và 20% là “nhóm lưỡng lự” - những người muốn công lý nhưng sợ leo thang và do đó có thể di chuyển sang một trong hai phe. Sự phân chia địa lý là tương đối đáng kể: Con số tại Italia lần lượt là 52-16-8; tại Đức là 49-19-14; tại Romania là 42-23-10; tại Pháp là 41-20-13. Trong số 10 quốc gia được thăm dò ý kiến, chỉ có Ba Lan đạt được đa số, với 41% thuộc phe công lý, so với 16% trong phe hòa bình và 25% lưỡng lự.

Tất nhiên, vì hòa bình không có nghĩa là người dân của những nước châu Âu đó đang ủng hộ Nga. Báo cáo của ECFR giải thích: “Trong khi cả 2 phe hòa bình và công lý đều đồng ý rằng Nga và Ukraine sẽ trở nên tồi tệ hơn do hậu quả của cuộc chiến này, nhưng các thành viên của phe hòa bình tin rằng Ukraine sẽ bị thiệt hại nhiều hơn, do đó muốn chiến tranh kết thúc vì họ cho rằng nó đang gây ra đau khổ quá mức cho người Ukraine”.

Những người ủng hộ hòa bình cũng lo lắng nhiều hơn về tác động đối với EU và cụ thể hơn là các quốc gia của họ. Nhìn chung, 61% những người được khảo sát lo ngại về cả chi phí sinh hoạt cao hơn, bao gồm cả giá năng lượng và khả năng Moscow có thể sử dụng vũ khí hạt nhân. Số ít hơn lo lắng về khả năng Nga sử dụng vũ khí hóa học, mở rộng xâm lược và các cuộc tấn công mạng, cũng như suy thoái kinh tế và mất việc làm có thể xảy ra.

Sự mất đoàn kết của châu Âu được dự báo sẽ gia tăng hơn nữa nếu Ukraine và các đồng minh phương Tây quyết theo đuổi chiến thắng trước Nga bằng mọi giá. Điều đó sẽ đòi hỏi một cuộc chiến kéo dài hơn, khốc liệt hơn, với nguy cơ leo thang ngày càng cao. ECFR lo ngại rằng “hầu hết người châu Âu đã coi EU là một bên thua cuộc lớn trong cuộc chiến, thay vì coi sự thống nhất tương đối của nó như một dấu hiệu của một liên minh đang được tăng cường”.

“Hành động của Nga là sai, nhưng tiếp tục chiến tranh là một cái giá quá cao để tìm kiếm công lý. Hòa bình rất quan trọng đối với Mỹ, châu Âu và đặc biệt là Ukraine - quốc gia đang chịu gánh nặng lớn nhất của cuộc xung đột” - Doug Bandow, cựu cố vấn đặc biệt của cố Tổng thống Mỹ Ronald Reagan, hiện là chuyên gia cấp cao tại Viện Cato, nêu quan điểm.