70 năm giải phóng Thủ đô

Những tác phẩm đặc sắc của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp

Minh An
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hiền lành, ít nói ngoài đời, Nguyễn Huy Thiệp dồn nén mọi sắc sảo vào văn chương. Ông nổi lên từ năm 1985 qua những truyện ngắn đăng trên báo Văn nghệ đề tài nông thôn, để lại nhiều tác phẩm đặc sắc cho hậu thế.

“Không có vua" là truyện ngắn mang đặc trưng nhất phong cách Nguyễn Huy Thiệp. Với ngòi bút tỉnh táo, sắc lạnh đến bất ngờ, ông viết về đề tài mâu thuẫn trong gia đình với thế hệ cha con. Những hổ lốn đến khó chấp nhận được trong cái gia đình nhìn vẻ bề ngoài có vẻ cao sang và lịch sự kia là một bức màn về sự giả tạo nhân nghĩa, thứ bậc trong gia đình bị đảo lộn. Một bức tranh hiện thực đầy tính chân thực trong gia đình thời kì đó được Nguyễn Huy Thiệp thể hiện thành công. Có thể nói, “Không có vua” là tác phẩm điển hình cho phong cách, cũng như giọng văn của Nguyễn Huy Thiệp. Truyện ngắn là câu chuyện xoay quanh những hỗn loạn, không có tôn ti trật tự trong gia đình lão Kiên, thợ sửa xe già. Thông qua Không có vua, người đọc thấy được những điểm xấu xa được ẩn sâu đằng sau vẻ ngoài đạo đức giả.

 Truyện ngắn ''không có vua'' của Nguyễn Huy Thiệp.

“Tướng về hưu” là câu chuyện về ông Thuấn với những mâu thuẫn nội bộ trong gia đình. Bi kịch của người lính sau chiến tranh được thể hiện rõ trong tác phẩm. Những lối sống khác nhau hoàn toàn giữa ông và con trai, con dâu làm cho ông cảm thấy ngột ngạt. Kết thúc tác phẩm ông chọn sự trở về với đơn vị cũ, với đồng đội, với nếp sống quen thuộc nhưng sau cùng, ông lại chết đi trong vòng tay của đồng đội. Bi kịch ấy được Nguyễn Huy Thiệp khắc họa điển hình hơn bao giờ hết.
 Truyện ngẵn ''Thương nhớ đồng quê''.

Nguyễn Huy Thiệp sáng tác truyện ngắn “Thương nhớ đồng quê” vào năm 1992 và được chuyển thể thành phim năm 1995. Thời trẻ, Nguyễn Huy Thiệp từng đi đến nhiều vùng quê khác nhau, nên đây là một mảng đề tài chính trong văn nghiệp của ông. Truyện ngắn “Thương nhớ đồng quê” là áng văn mượt mà dẫn người đọc vào những tình cảm vừa êm đềm xen lẫn ái ngại, xót thương; nhưng vượt lên tất cả là tình cảm với làng quê yêu dấu.

"Vàng lửa" được ví như một dụ ngôn về lịch sử và quá trình viết lại lịch sử của Nguyễn Huy Thiệp. Có nhiều tranh cãi xoay quanh tác phẩm này với những câu hỏi nó thuộc triết học lịch sử hay văn xuôi nghệ thuật nhưng không thể phủ nhận đây là tác phẩm về lịch sử đặc sắc nhất của Nguyễn Huy Thiệp. Viết lại lịch sử là điều không hề dễ nhưng với Nguyễn Huy Thiệp, ông chọn "Vàng lửa" là nơi ông viết tên mình vào lịch sử văn học.

“Con gái thủy thần” là câu chuyện mang đầy tính huyền thoại của Nguyễn Huy Thiệp. Ám ảnh hiện sinh được thể hiện rõ trong tác phẩm. Một câu chuyện khẳng định tài năng nghệ thuật tài ba và khả năng xây dựng nội dung vô cùng hấp dẫn và độc đáo của tác giả. Chuyện cũng thể hiện thiên tính nữ rõ. Nhờ thiên tính nữ đó mà những mâu thuẫn, những xung đột của xã hội được giải tỏa và mọi hiểu lầm đều tan biến hết.

Không chỉ nổi tiếng trong nước, Nguyễn Huy Thiệp còn sở hữu rất nhiều tác phẩm được ra mắt ở nước ngoài. “Trái tim hổ” (Le coeur du tigre) cũng nằm trong số đó. Tác phẩm này được ra mắt ở Pháp vào năm 1993 và tại Hà Lan vào năm 1995.

 Tác phẩm ''Trái tim của hổ''

“Chảy đi sông ơi” là tuyển tập gồm 10 truyện ngắn được Nguyễn Huy thiệp sáng tác trong giai đoạn từ 1982-2004. Tập truyện có nội dung tư tưởng và đề tài phong phú. Tuy nhiên, về cơ bản, các câu chuyện đều lấy cảm hứng từ những cảnh đời đặc biệt để làm bật lên nét nhân văn, hướng thiện

Xuất thân là một giáo viên dạy sử, ông thích đọc sách sử và nhiều lĩnh vực. Các tác phẩm của ông vì thế kiến thức dày dặn, đặc biệt thể hiện qua bộ ba tác phẩm văn học sử Phẩm tiết, Kiếm sắc, Vàng lửa. Ba truyện ngắn từng gây tranh cãi khi đưa ra những góc nhìn mới mẻ về các nhân vật lịch sử. Tuy nhiên, ông phê phán cái cũ bởi mong muốn một tương lai không giẫm phải vết xe đổ của lịch sử. Trong lịch sử văn học Việt sẽ không bao giờ có một Nguyễn Huy Thiệp thứ hai.