Những “tâm điểm” trong tuần đầu tiên sau kỳ nghỉ Tết cổ truyền

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sự kiện chùa Phúc Khánh lại chật cứng người tham gia lễ cầu an, kéo dài dọc tuyến phố đang được dư luận đánh giá là một trong những sự kiện “nóng” cuối cùng kết thúc tuần đầu tiên trở lại nhịp sống thường ngày sau kỳ nghỉ lễ Tết cổ truyền của dân tộc.

Cùng với sự kiện biển người cầu an tại chùa Phúc Khánh, hàng loạt các lễ hội lớn diễn ra trong cả nước trong đó đáng chú ý là lễ hội chùa Hương, nhân viên công sở trở lại làm việc, dân xếp hàng mua vàng trong ngày vía Thần tài… là những sự kiện thực sự gây được sự chú ý của dư luận.

Từ chuyện công sở trở lại hoạt động

Kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Bính Thân 2016 kéo dài 9 ngày kết thúc với việc các công sở, văn phòng, đơn vị, cơ quan nhà nước, doanh nghiệp lớn và nhỏ, công xưởng… trở lại với công việc thường ngày. Để công việc được triển khai suôn sẻ, tại các thành phố lớn như: Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, lãnh đạo thành phố đã liên tục có những lời kêu gọi các cơ quan, đơn vị chấm dứt ngay việc chúc tết đầu năm, tập trung giải quyết các công việc, nhiệm vụ trọng tâm, cấm việc sử dụng xe công đi lễ hội... Thậm chí, Chủ tịch UBND TP Hà Nội còn có công văn về việc khẩn trương kiểm tra đột xuất công vụ các đơn vị, đặc biệt đối với các bộ phận trực tiếp thực thi công vụ và giải quyết các công việc thường xuyên của người dân, doanh nghiệp để không chậm trễ phục vụ người dân.
Bên cạnh đó, như thường lệ, những lễ phát động Tết trồng cây cũng được triển khai rộng khắp tại các ngành, các cấp, quận, huyện, thị xã…  nhằm kêu gọi mọi người có ý thức giữ gìn môi trường sống ngày càng xanh, sạch, đẹp.

Điều dễ dàng nhận thấy đằng sau những lời kêu gọi thiết thực, công văn về việc chỉnh đốn tinh thần làm việc ngay từ những ngày đầu năm đến từ các lãnh đạo, ban ngành này chính là mong muốn mọi người nhanh chóng kết thúc tâm lý nghỉ ngơi, chúc tụng như những ngày nghỉ Tết Nguyên đán để chú tâm hơn vào công việc, phục vụ hiệu quả, kịp thời các công việc, cũng như quyết tâm thực hiện những nhiệm vụ, thách thức còn đang đặt ra và cần giải quyết ngay trong những ngày đầu năm mới.

 
Biển người dự lễ cầu an tại chùa Phúc Khánh ngày 21/2 tức 14 tháng Giêng năm Bính Thân.
Biển người dự lễ cầu an tại chùa Phúc Khánh ngày 21/2 tức 14 tháng Giêng năm Bính Thân.
Đến chuyện xếp hàng dài đi lễ, mua vàng

Bên cạnh việc trở lại nhịp sống hối hả hàng ngày, nhiều người dân Việt Nam vẫn tiếp tục sống với tâm lý “Tháng Giêng là tháng ăn chơi”. Chính vì thế, việc tham gia vào các lễ hội… dường như trở thành nếp sống, thành những công việc không thể thiếu trong cuộc sống vào những ngày này. Chẳng vì thế mà những lễ hội lớn như lễ hội Chùa Hương, hội Gióng đền Sóc, Gò Đống Đa, hội Lim, Yên Tử, Tản viên Sơn Thánh, Côn Sơn-Kiếp Bạc... dù chưa tới giờ khai hội cũng đủ sức thu hút hàng vạn lượt người tới tham quan, cúng lễ.

Ngoài ra, hiện tượng người dân sẵn sàng xếp hàng dài, chật kín cả vài con phố trên đường để làm lễ dâng sao giải hạn vào ngày mùng 8 tháng Giêng hàng năm và lễ cầu an diễn ra vào tối 14 tháng Giêng tại chùa Phúc Khánh, hay việc người dân ùn ùn kéo đến các chùa lớn của Hà Nội, phủ Tây Hồ để đi lễ, hay việc nhiều người sẵn sàng xếp hàng từ sớm tinh mơ ở Hà Nội TP Hồ Chí Minh để có thể mua được một chỉ vàng trong ngày vía Thần Tài (Mùng 10 Tháng Giêng) dường như đã trở thành những sự kiện “đến hẹn lại lên”, là điểm nhấn được đông đảo xã hội quan tâm và thu hút giới truyền thông. Tất cả  những việc đó đều thể hiện sự phong phú trong đời sống tâm linh của người Việt Nam.

Bất cứ ai đi lễ chùa, lễ hội, cúng lễ hay sẵn sàng xếp hàng dài mua vàng trong ngày vía Thần Tài đều ước mong có mọi sự may mắn, tốt lành, tài lộc, bình an sẽ đến với mình và gia đình trong suốt năm cũng như mong ước xua đuổi, giảm nhẹ được những điều không tốt đẹp trong cuộc sống, công việc. Chỉ có điều, cảnh phải xếp hàng dài, phải chen lấn, xô đẩy để thể hiện sự lòng thành của nhiều người trong những sự kiện như thế này lại tạo ra sự ách tắc giao thông, tạo ra những sơ hở cho các đối tượng móc túi, ăn cắp hành nghề, hay việc kiếm lời nhờ dịch v
đổi tiền lẻ, tăng giá đồ cúng lễ và các dịch vụ khác, biến tướng thành mê tín dị đoan… có cơ hội phát triển, tạo nên cái nhìn chưa đẹp về lối sống văn minh của người Việt.