Những thí sinh có hoàn cảnh đặc biệt thi vào lớp 10 và ước mơ cháy bỏng

Oanh Trần
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Những thí sinh có hoàn cảnh đặc biệt ấy đi thi mang theo ước mơ cháy bỏng là đỗ vào trường THPT, sau đó có nguyện vọng phấn đấu vào trường đại học, cao đẳng học một nghề phù hợp để có việc làm ổn định.

Trong số hơn 93.000 thí sinh tham dự Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2021 – 2022 TP Hà Nội có những em có hoàn cảnh đặc biệt (trẻ bị bỏ rơi nhiễm HIV/AIDS) nhưng đã rất cố gắng, vượt lên hoàn cảnh mong muốn thi đỗ vào ngôi trường cấp 3 hằng mong ước.
Cơ sở cai nghiện ma túy số 2 Hà Nội (xã Yên Bài, huyện Ba Vì, Hà Nội) trực thuộc Sở LĐTB&XH Hà Nội đang nuôi dưỡng, chăm sóc 67 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt; trong đó có 53 trẻ đi học ở 3 cấp (TH, THCS, THPT) và trung cấp.
Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 TP Hà Nội năm nay, Cơ sở cai nghiện ma túy số 2 Hà Nội có 6 em có hoàn cảnh đặc biệt tham gia, thi tại điểm trường THPT Ba Vì (huyện Ba Vì, Hà Nội).
 Cơ sở cai nghiện ma túy số 2 Hà Nội cử cán bộ và bố trí xe đưa đón các em có hoàn cảnh đặc biệt đến trường thi. 
Mặc dù bị bỏi rơi từ nhỏ, lại có HIV nhưng được sự quan tâm của lãnh đạo Cơ sở cai nghiện ma túy số 2 Hà Nội cùng sự tận tâm chăm sóc của các bố ở nơi đây, nên các em đã vượt khó, cố gắng học tập và đạt được những thành tích.
Các em Lê Hoài A., Lê Anh T., Nguyễn Thị  Ngọc N. thi tại điểm trường THPT Ba Vì, bộc bạch: Cũng như nhiều thí sinh khác, lúc đầu các em cũng thấy căng thẳng và có chút lo lắng cho kỳ thi chuyển cấp hết sức quan trọng này, được tổ chức trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19. Tuy nhiên, với sự chỉ đạo quyết liệt của TP Hà Nội cùng với công tác phòng chống dịch nghiêm túc, theo đúng quy định của Bộ Y tế cũng như sự quan tâm và động viên của thầy cô, bố mẹ trong Cơ sở cai nghiện ma túy số 2 Hà Nội và bản thân các em cũng thực hiện nghiêm việc đeo khẩu trang, sát khuẩn tay... nên cảm thấy yên tâm.
 Các em thực hiện nghiêm việc đeo khẩu trang, đứng giãn cách và được cán bộ y tế đo thân nhiệt, sát khuẩn tay trước khi vào phòng thi.
Chia sẻ nhanh với phóng viên Kinh tế & Đô thị về việc làm 2 bài thi môn Ngữ văn và Ngoại ngữ, em Khà Thị M. cho hay: Đề văn Phần I (6 điểm) về bài thơ “Đồng chí” em làm được tốt. Tuy nhiên, Phần II (4 điểm) câu hỏi khó nên em phải đọc 2 – 3 lần mới hình dung ra được làm thế nào. Với đề Tiếng Anh, em làm được hết các câu.
Trong khi đó, Nguyễn Đức K. cho biết em làm được hết bài môn Tiếng Anh. Nhưng bài thi môn Ngữ văn, K. làm không tốt vì Phần II khó, phải đọc đề vài lần mới hiểu.
Các em đều cho biết, hôm nay sẽ cố gắng làm tốt hai bài thi môn Toán và Lịch sử để đạt điểm cao trong kỳ thi này, đỗ vào trường mong ước.
Đối với những cán bộ làm công tác quản lý, chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt ở Cơ sở cai nghiện ma túy số 2 Hà Nội luôn coi các em như con ruột của mình. Vì thế, khi các em bước vào kỳ thi chuyển cấp vô cùng quan trọng, họ cũng có tâm lý chung như bao phụ huynh có con đi thi, đó là lo lắng và hồi hộp. Tuy nhiên, các bố mẹ ở Cơ sở luôn động viên, khuyến khích để các con bước vào kỳ thi  tốt nhất.
 Các em mong muốn thi đỗ vào trường THPT Ba Vì (huyện Ba Vì, Hà Nội).
Chia sẻ về sự quan tâm tới các em có hoàn cảnh dặc biệt trong những ngày ôn tập và thi vào lớp 10, chị Đào Thị Huyền – Trưởng phòng Chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, Cơ sở cai cai nghiện ma túy số 2 Hà Nội cho hay: Trước đó, để các con bước vào Kỳ thi một cách tự tin, chúng tôi tạo điều kiện hết sức về thời gian ôn thi. Các bố mẹ ở Cơ sở cũng luôn động viên các con tự tin làm bài thi theo khả năng của mình và đây cũng là thử thách để các con vượt qua. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng bổ sung dinh dưỡng để các con đảm bảo đủ sức khỏe ôn thi và tham gia kỳ thi đạt kết quả tốt nhất có thể.
Chị Đào Thị Huyền cho biết, trong 2 ngày thi, Cơ sở đã bố trí xe ô tô để bố mẹ đưa các con đi thi, có mặt tại điểm thi đúng giờ. Và, thực hiện nghiêm theo đúng hướng dẫn của điểm thi để đợi và đón các con về để đảm bảo an toàn phòng dịch.