Đã lâu lắm rồi bữa cơm tối của nhà mình diễn ra lặng lẽ đến ghê người” - một cô bé đã kể gia đình mình và ước ao một mái ấm ngập tràn tiếng cười.
Có thể nói rằng, cô bé đó đang sống trong một gia đình bình thường như bao gia đình khác với đầy đủ cả bố và mẹ. Hằng ngày, bố mẹ đi làm, ăn cơm trưa ở công ty, em học bán trú, ăn ở trường. Vì trách nhiệm, cuối ngày người mẹ phải về nhà nấu cơm cho con, giục con ăn trước để học bài. Rồi người mẹ ấy lại ngồi một mình trước mâm cơm, liên tục bấm máy gọi cho chồng, nhưng đáp lại chỉ là những tiếng... tít tít. Người bố khi đó còn đang mải miết ở những quán bia, những trận nhậu hay một lý do nào đó. Em chia sẻ bằng cái tâm tư chẳng phải của con trẻ: “Đi làm, bạn bè và giải trí, chắc bố chẳng còn thời gian cho mẹ và con. Đến ước mơ được ăn cùng bố bữa cơm cũng là điều xa xỉ đối với con, thì làm sao con dám mơ đến những giờ phút được tâm sự cùng bố, được bố quan tâm chia sẻ việc học hành, bạn bè? Việc của con, con tự lo, của mẹ mẹ tự biết, công việc của bố, bố làm… Cũng không biết từ bao giờ gia đình mình đã sống như thế”.
Thỉnh thoảng, bố về sớm khi em chưa đi ngủ hay những lúc gặp bố buổi sáng trước khi đi học, bố hay bảo “Sao dạo này con xanh thế, cố gắng ăn uống vào!”. Những lúc ấy em cố ngăn dòng nước mắt chực rơi ra. Em ước bố hiểu được những mong ước nhỏ nhoi và đơn giản của em. Không được giãi bày, chia sẻ, lâu dần em trở nên khép kín và không muốn nói chuyện với bố. Còn mẹ, những câu chuyện với chồng cũng không đầu không cuối vì anh luôn bận và dường như anh cũng không muốn nghe những câu chuyện của chị. Em nói, “Con luôn ước, giá có một lần nào đó, bố ngoảnh lại nhìn mẹ và con, bố sẽ thấy mắt con long lanh ngấn lệ mỗi khi bố quay xe đi. Con rất sợ đến một lúc nào đó, con quên mất sự tồn tại của bố trong cuộc sống, quên sự có mặt của bố trong cuộc đời này…”.
Nghe câu chuyện gia đình từ một cô bé, nhiều người trách người bố quá vô tâm, trách người mẹ không thể sưởi ấm mái nhà mình. Nhưng nhìn lại, không ít người giật mình bởi đôi lúc chính mình cũng đang làm cho mái nhà mình lặng lẽ. Ai cũng đổ lỗi cho cuộc mưu sinh, khiến những mối gắn kết trong gia đình thành lỏng lẻo. Ăn một bữa cơm đông đủ cả nhà cũng là một cố gắng lớn với không ít gia đình, nhưng điều đáng nói hơn cả chính là sự thờ ơ, quá chú tâm vào những nhu cầu cá nhân, không để ý đến những điều nhỏ nhặt xung quanh khiến cho gia đình rơi vào bế tắc. Không ít gia đình, dù đông đủ cả nhà ở cùng một không gian, nhưng mỗi người đều đang chìm đắm vào thế giới riêng, không nói chuyện, không sẻ chia, không cả sự quan tâm tối thiểu.
Trong ngôi nhà của cô bé kia, hôm sinh nhật người bố, người mẹ về nhà thật sớm để chuẩn bị bữa tiệc gia đình ấm cúng. Niềm vui lấp lánh trên khuôn mặt chị, trong bộ đồ ở nhà đẹp nhất và chút nước hoa ngọt ngào. Em biết mẹ làm những việc ấy là vì bố. Hai mẹ con ngồi trong phòng khách xem tivi chờ bố về. Em định bấm máy gọi bố nhưng mẹ ngăn lại: “Mẹ hẹn bố rồi, chắc bố đang về”. Em lại ngóng ra cửa, thời gian chờ đợi sao thật dài. Và rồi chính người mẹ lại giục con gọi điện cho bố. Nhưng đáp lại sự mong ngóng của hai mẹ con vẫn chỉ có những tiếng tít tít. Mười giờ tối, mâm cơm đã nguội, bố cũng về. Em và mẹ cùng mừng rỡ ngóng ra cửa. Nhưng người bố có lẽ đã vui sinh nhật ở đâu đó với bạn bè, với vô số mối quan hệ ngoài gia đình, chân nam đá chân xiêu bước vào nhà. Người mẹ khẽ thở dài, niềm vui trong em vụt tắt.
Em bảo, “hôm trước con đến nhà bạn chơi, bố mẹ bạn giữ lại ăn cơm. Mâm cơm đạm bạc mà cả nhà bạn ấy quây quần bên nhau đầm ấm biết bao. Bữa cơm không có nhiều đồ ngon như ở nhà mình, nhưng con khao khát đánh đổi những thứ vô nghĩa ấy bằng những bữa cơm gia đình đầm ấm”. Nhưng bố em làm sao mà biết được nỗi khát thèm con trẻ ấy...