Những vần thơ xúc động về người thầy áo trắng

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Lê Cảnh Nhạc viết đều và in đều trên các báo. Thơ Lê Cảnh Nhạc thấm đẫm tình yêu đối với quê hương, bạn bè, gia đình…

KTĐT - Lê Cảnh Nhạc viết đều và in đều trên các báo. Thơ Lê Cảnh Nhạc thấm đẫm tình yêu đối với quê hương, bạn bè, gia đình…

Nhân đọc tập thơ "Không bao giờ trăng khuyết"
của Lê Cảnh Nhạc

Lê Cảnh Nhạc viết đều và in đều trên các báo. Thơ Lê Cảnh Nhạc thấm đẫm tình yêu đối với quê hương, bạn bè, gia đình… Khi anh về làm Tổng biên tập Báo Gia đình và Xã hội, một tờ báo của ngành y tế, thực tiễn đã cho anh nguồn thi hứng mới. Tôi muốn đề cập đến mạch xúc cảm về "người thầy áo trắng" của Lê Cảnh Nhạc qua một chùm thơ trong tập thơ "Không bao giờ trăng khuyết" của anh vừa ra mắt bạn đọc, do NXB Hội Nhà văn ấn hành.


Không yêu sao được, không trân trọng sao được những cán bộ y tế vùng cao "cả tuổi xuân heo hút phía cổng trời" để chăm lo sức khỏe cho người dân ở những nơi phải chịu nhiều thiệt thòi nhất:


Cái rét vùng cao buốt nhói vào đêm

Buốt nhói tuổi xuân qua thì con gái

Triền lũng xa vắng chân người qua lại

Chỉ có sốt rừng, dịch bệnh gọi tên em


Nỗi day dứt của tác giả khiến tất cả chúng ta đều phải tự soi mình, tự vấn lương tâm mình trước những mất mát, hy sinh của người thầy khoác áo blue nơi vùng cao heo hút: 


Ngày xa em về với phố phường

Anh không nghe gió gào

Không nghe tiếng xô rừng lũ quét

Không nghe bước chân em rạch bùn trong giá rét

Đâu biết gió hoang vu thổi dạt nắng xuân thì

(Áo trắng vùng cao)


Tôi là một trong những học trò của Giáo sư - Bác sỹ Đỗ Nguyên Phương trong thời gian ông công tác tại Trường Đảng. Một lần gặp ông, nhân dịp Đại hội Đảng toàn quốc (lúc bấy giờ ông là Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Y tế), tôi nói vui: "Chắc chắn Thầy sẽ tái cử, vì hầu hết các đại biểu trong hội trường này đều là học trò của Thầy". Quả đúng thế, nhiệm kỳ đó, ông đã trúng cử với số phiếu rất cao. Đó chính là chân dung một người thầy thuốc đáng kính đã từng trải qua nhiều cương vị công tác, và là người đi đầu trong phong trào đưa y tế về với người nghèo mà Lê Cảnh Nhạc đã vinh danh: " Mọi người tìm hư vinh/Thầy tìm về dân nghèo với nhiệt tâm y đức/Đau nỗi đau vùng cao khi người Mông thiếu thuốc/ Lo nỗi lo đảo xa khi bác sỹ chưa về/ Ngừng đập rồi chăng/ Một trái tim đầy nhiệt huyết đam mê/ Trong phòng mổ/ Giữa chiến trường B2/ Trên giảng đường Đại học…./ Tình yêu con người hòa tình yêu đất nước/ xanh biếc một đời cây, dẫu lá đã xa cành" (Xanh biếc một đời cây).


Chỉ một chi tiết này thôi, trong "Ngọn lửa Đặng Thùy Trâm":

Đất nước bình yên, tiếng súng đã xa rồi

Quanh Đá Chông xanh mượt màu cây cỏ

Mà sao máu em Thuận, em Nhiều vẫn như còn thắm đỏ

Tiếng chị Thùy nấc nghẹn giữa cơn đau


Nguồn cảm hứng của Lê Cảnh Nhạc trào dậy khi đến với Liệt sỹ - Bác sĩ Đặng Thùy Trâm với những trang nhật ký làm xúc động hàng chục triệu trái tim...Và thật gần gũi, một vị Bộ trưởng đương nhiệm từng là người lính, người thương binh sống sót trở về từ máu lửa của chiến trường Quảng Trị, rưng rưng hồi tưởng lại giây phút thiêng liêng trong giờ kết nạp Đảng tại trận địa: "Thạc ơi, Mão ơi, Sơn ơi…/Sao đồng đội không về để cùng tôi tuyên thệ/ Đất bốn phía nóng ran, căn hầm trống trải thế/ Bao đứa ra đi cho tôi đứng dưới cờ"(Ngày tôi vào Đảng).


Những hình ảnh chắt lọc, tiêu biểu qua trang thơ Lê Cảnh Nhạc giúp bạn đọc cảm nhận được rằng: Ngành Y gian khổ lắm, nhiều hy sinh thầm lặng lắm, nhưng ngành Y cũng rất vẻ vang, cán bộ ngành Y rất giàu nhiệt huyết, rất giàu y đức và sự nghiệp ngành Y cũng rất giàu chất thơ.


Sẽ là điều đáng tiếc nếu như không nhắc đến xúc cảm "Trước tượng đài Lãn Ông"của Lê Cảnh Nhạc:


Hồn đá Minh Từ, khe Nước Cạn

Lãn Ông tâm lĩnh vút non ngàn

Cánh diều sải muôn trùng tiêu hán

Bạn bầu cùng núi thẳm, kim ô


Chỉ bốn câu thôi, qua vài nét chấm phá, tượng đài danh y thấm đẫm "hồn của đá", hồn của đất trời, nơi cánh diều đậu xuống trên đỉnh núi Minh Từ, bên khe suối Nước Cạn trong câu chuyện kỳ thú cuối đời của Hải Thượng Lãn Ông ở Hương Sơn, Hà Tĩnh, Lê Cảnh Nhạc đã khắc họa rất rõ nét chân dung vị sư tổ của ngành Y, một danh nhân, một bậc thầy lương y tự xưng là "Lãn Ông" đã hoá thân vào nhân dân và sông núi. Có lẽ bất cứ người thầy thuốc nào cũng đều phải soi mình vào tấm gương "tâm lĩnh vút non ngàn" ấy để phấn đấu trở thành "từ mẫu" của nhân dân như lời Bác Hồ từng căn dặn.