Những “vết sẹo” kinh tế vì cuộc chiến Israel - Hamas

Hương Thảo
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ước tính, cuộc chiến của Israel ở Dải Gaza sẽ tiêu tốn tới 200 tỷ shekels (51 tỷ USD), cho thấy xung đột hiện tại có thể để lại những “vết sẹo” lâu dài với cả nền kinh tế vững vàng nhất trong khu vực này.

Nền kinh tế bị hạ bậc

Theo số liệu sơ bộ của Bộ Tài chính Israel, chi phí ước tính sẽ tương đương 10% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Israel, nhưng với điều kiện là cuộc chiến chỉ kéo dài từ 8 - 12 tháng, giới hạn ở Gaza mà không có sự tham gia của Hezbollah, Iran, và khoảng 350.000 người Israel phải nhập ngũ làm quân nhân dự bị sẽ sớm quay trở lại làm việc.

Một nửa con số 200 tỷ shekel nói trên sẽ là chi phí quốc phòng - lên tới khoảng 1 tỷ shekel/ngày. 40 - 60 tỷ shekel khác sẽ đến từ việc bị mất doanh thu, 17 - 20 tỷ shekel để bồi thường cho các DN và 10 - 20 tỷ shekel để nền kinh tế Israel phục hồi.

Bộ trưởng Tài chính Bezalel Smotrich trước đó cho biết, Chính phủ Israel đang chuẩn bị một gói viện trợ kinh tế cho những người bị ảnh hưởng bởi các cuộc tấn công của Hamas, và dự kiến gói này sẽ “lớn và rộng hơn” so với thời kỳ đại dịch Covid-19.

Thủ tướng Benjamin Netanyahu cũng nói rằng nhà nước Israel cam kết giúp đỡ mọi người bị ảnh hưởng. “Chỉ thị của tôi rất rõ ràng: chuyển tiền cho bất kỳ người dân nào cần… Trong thập kỷ qua, chúng tôi đã xây dựng một nền kinh tế rất mạnh và ngay cả khi chiến tranh đòi hỏi phải trả giá kinh tế như đang xảy ra, chúng tôi sẽ không do dự” - nhà lãnh đạo Israel tuyên bố hôm 2/11.

Sau khi chiến sự nổ ra cách đây 1 tháng, S&P đã hạ triển vọng xếp hạng của Israel xuống mức “tiêu cực”, trong khi Moody's và Fitch đưa xếp hạng của Israel vào danh sách xem xét để có thể bị hạ cấp.

Một tòa nhà ở TP Ashkelon, phía Nam Israel, trúng tên lửa được bắn từ Dải Gaza, ngày 9/10/2023. Ảnh: Times of Israel
Một tòa nhà ở TP Ashkelon, phía Nam Israel, trúng tên lửa được bắn từ Dải Gaza, ngày 9/10/2023. Ảnh: Times of Israel

Thiệt hại nơi ngành tài chính nước này cũng rất nghiêm trọng, khi chứng khoán Israel có diễn biến tệ nhất thế giới kể từ khi giao tranh nổ ra. Theo Bloomberg, chỉ số chính ở Tel Aviv giảm 15% tính theo đồng USD, tương đương gần 25 tỷ USD.

Đồng shekel cũng đã giảm xuống mức yếu nhất kể từ năm 2012 - mặc dù ngân hàng trung ương đã công bố gói giải pháp trị giá 45 tỷ USD chưa từng có để bảo vệ đồng tiền này, và đang hướng tới kết quả năm tồi tệ nhất trong thế kỷ này. Chi phí phòng ngừa rủi ro đối với những tổn thất tiếp theo đã tăng vọt.

Chi tiêu của các hộ gia đình sụt giảm, gây cú sốc lớn cho lĩnh vực tiêu dùng, hiện chiếm khoảng một nửa GDP. Theo thống kê của Chính phủ, mức tiêu dùng tư nhân đã giảm gần 1/3 trong những ngày sau khi chiến tranh nổ ra, so với mức trung bình mỗi tuần vào năm 2023. Chi tiêu cho các hạng mục như thư giãn và giải trí giảm tới 70%.

Theo Ngân hàng Leumi có trụ sở tại Tel Aviv, sự sụt giảm trong hoạt động mua sắm bằng thẻ tín dụng còn nghiêm trọng hơn những gì Israel đã từng trải qua ở đỉnh điểm của đại dịch hồi năm 2020.

Roee Cohen, người đứng đầu liên đoàn các DN nhỏ của Israel cho biết: “Toàn bộ ngành công nghiệp và các nhánh của chúng đã tê liệt. Hầu hết các nhà tuyển dụng đều quyết định cho nhân viên nghỉ phép không lương, ảnh hưởng đến hàng trăm nghìn người lao động”.

Ngân hàng trung ương Israel đã hạ triển vọng kinh tế vào hôm 23/10, nhưng vẫn dự báo mức tăng trưởng vượt quá 2% trong năm nay và năm tới, với điều kiện là xung đột được ngăn chặn càng sớm, càng tốt.

Thêm gánh nặng việc làm

Ngay cả khi một số công trường xây dựng ở Israel đã mở cửa trở lại, nhiều công nhân vẫn còn mất tích. Ngành công nghiệp này phụ thuộc rất nhiều vào 80.000 người Palestine sống ở Bờ Tây - khu vực bị phong tỏa an ninh kể từ giữa tháng 9 và là nơi tình trạng bất ổn gia tăng kể từ khi các cuộc không kích của Israel đã gần như phong tỏa hoàn toàn lối vào Gaza.

Theo báo cáo của Bloomberg, việc ngừng xây dựng và hoạt động bất động sản - đóng góp 6% vào doanh thu thuế của Israel - sẽ làm giảm thu nhập của Chính phủ và có thể châm ngòi cho một đợt tăng giá mới trên thị trường nhà ở vốn đắt đỏ bậc nhất ở châu Âu và Trung Đông trong những năm gần đây.

Avi Hasson, Giám đốc điều hành của Startup Nation Central - một nhóm phi lợi nhuận theo dõi ngành, ước tính khoảng 15% lực lượng lao động công nghệ của Israel đã được triệu tập làm quân dự bị. Ông cho biết, những con số này thậm chí còn cao hơn ở các công ty khởi nghiệp, thường có xu hướng tuyển dụng lao động trẻ.

Trong số 500 công ty công nghệ cao ở Israel được khảo sát hồi tuần trước, gần một nửa cho biết đã hủy bỏ hoặc trì hoãn các thỏa thuận đầu tư. Trong số những người được hỏi bao gồm các DN địa phương và đa quốc gia, hơn 70% cho biết các dự án quan trọng đang bị tạm hoãn hoặc đã hủy bỏ.

Trong khi đó, Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) đầu tuần này báo cáo rằng, Dải Gaza cũng đã mất ít nhất 61% việc làm kể từ khi bắt đầu cuộc chiến Israel - Hamas, đồng thời cảnh báo rằng sự suy giảm kinh tế sẽ còn kéo dài trong “nhiều năm tới”.

“Các cuộc xung đột đang diễn ra không chỉ đại diện cho một cuộc khủng hoảng nhân đạo to lớn về thiệt hại nhân mạng và các nhu cầu cơ bản của con người, mà còn đại diện cho một cuộc khủng hoảng kinh tế và xã hội, gây ra thiệt hại to lớn cho việc làm và hoạt động kinh doanh” - Ruba Jaradat, Giám đốc khu vực của ILO tại các quốc gia Ả Rập, nói - “Điều này sẽ chỉ trở nên tồi tệ hơn nếu xung đột tiếp tục”.

ILO cho biết, Bờ Tây bị chiếm đóng đã mất khoảng 24% việc làm, tương đương với 208.000 việc làm, do tác động lan tỏa của chiến tranh. Cũng theo cơ quan của Liên hợp quốc, khi kết hợp lại, tình trạng mất việc làm ở hai vùng lãnh thổ của Palestine sẽ dẫn đến tổn thất thu nhập hằng ngày ước tính là 16 triệu USD.

Gaza - nơi đã bị Israel phong tỏa từ năm 2005 - đã phải chịu thiệt hại kinh tế nghiêm trọng ngay cả trước khi bắt đầu cuộc xung đột mới nhất. Tỷ lệ thất nghiệp tại lãnh thổ này ở mức 46,4% trong quý II năm 2023, một trong những tỷ lệ cao nhất thế giới. Theo Liên hợp quốc, hơn 80% dân số sống dưới mức nghèo khổ.

Tình trạng thiếu lương thực, nước và vật tư y tế trở nên trầm trọng hơn kể từ khi Israel thắt chặt phong tỏa và bắt đầu bắn phá khu vực này sau cuộc tấn công ngày 7/10 của Hamas nhằm vào các cộng đồng Israel, giết chết ít nhất 1.405 người, chủ yếu là dân thường.

Theo các quan chức tại khu vực do Hamas quản lý, ít nhất 10.022 người Palestine ở Gaza đã thiệt mạng trong các cuộc oanh tạc của Israel kể từ đó. Bà Jaradat đặc biệt nhấn mạnh rằng, người dân ở Gaza phải sớm được phép tiếp cận viện trợ nhân đạo một cách “đầy đủ, nhanh chóng, và an toàn”.

“Chúng tôi đang làm việc không mệt mỏi với các đối tác Chính phủ, người lao động và chủ lao động, cũng như các cơ quan khác của Liên Hợp quốc và các tổ chức nhân đạo để cung cấp hỗ trợ ngay lập tức cho những người dân và DN bị ảnh hưởng” - quan chức của Liên hợp quốc cho biết - “Chúng tôi cũng sẽ hỗ trợ họ về lâu dài trong việc thu thập thông tin quan trọng về thị trường lao động và khôi phục việc làm của DN, kết hợp với các sáng kiến bảo trợ xã hội, trong phạm vi tối đa nhiệm vụ của mình”.