Chúc mừng năm mới

Những việc nên làm để cơ thể nhanh hồi phục sau khi uống rượu

Lan Anh (tổng hợp)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Uống rượu bia quá mức không chỉ hại gan mà còn ảnh hưởng đến nhiều cơ quan khác. Dưới đây là những việc nên làm để giảm thiểu tác hại của rượu, giúp cơ thể nhanh hồi phục.

Uống nhiều nước

Rượu là chất lợi tiểu làm cơ thể mất nước. Việc uống nhiều nước sẽ giúp bù lại lượng nước đã mất, giúp cơ thể đào thải độc tố nhanh chóng.

Người say rượu nên uống nhiều nước để hỗ trợ cơ thể có đủ lượng dịch để thải rượu và chất chuyển hóa của nó qua nước tiểu, giúp cho quá trình đào thải rượu được nhanh chóng và phòng ngừa mất nước do nôn.

Nếu không có thời gian chuẩn bị, chỉ cần uống nhiều nước lọc. Đây là cách giải rượu đơn giản và nhanh chóng nhất.

Ảnh minh họa. (Nguồn ảnh: Internet)
Ảnh minh họa. (Nguồn ảnh: Internet)

Bổ sung chất điện giải

Ngoài nước lọc, người say rượu có thể uống một số loại nước khác như: nước cháo loãng, nước cơm, nước canh, nước mía, nước dừa tươi… giúp cung cấp nước và chất điện giải, giảm buồn nôn và phòng tránh hạ đường huyết khi say.

Đối với người say rượu bị nôn nhiều, gây mất cân bằng điện giải và kiềm - toan, việc uống dung dịch oresol theo đúng hướng dẫn sẽ giúp cân bằng điện giải an toàn và hiệu quả.

Ăn thức ăn nhẹ

Sau khi uống rượu, nếu tỉnh táo, người say rượu nên ăn nhẹ các thức ăn lỏng giàu carbohydrate như: cháo loãng, súp, phở hoặc bánh quy, bánh mì… để cung cấp năng lượng cho cơ thể, làm dịu dạ dày và phòng nguy cơ hạ đường huyết.

Nằm nghỉ

Nằm nghỉ ngơi và ngủ sẽ giúp cơ thể phục hồi và loại bỏ độc tố hiệu quả hơn. Tuy nhiên người nhà cần lưu ý không nên để người say nằm ngủ li bì mà không ăn gì, cứ sau vài tiếng cần đánh thức dậy để kiểm soát tình trạng sức khỏe, cho uống nước hoặc ăn để phòng hạ đường huyết.

Theo dõi tình trạng người say rượu

Trong quá trình chăm sóc người nhà cần theo dõi tình trạng người say rượu, nếu thấy người say rơi vào tình trạng: Giảm ý thức, gọi hỏi không biết; thở khò khè, thở yếu, nhịp thở không đều, thở chậm hoặc ngừng thở; Da, môi, móng tay tím tái hoặc nhợt, lạnh; Nôn nhiều, đau bụng, bụng chướng; Vệ sinh không tự chủ; Tê, yếu chân tay, nói ngọng, nhìn mờ; Có dấu hiệu co giật... cần đưa ngay đến cơ sở y tế gần nhất để cấp cứu kịp thời.